Tại họp báo, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố lệnh của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc công bố các bộ luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tần số vô tuyến điện; Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật dầu khí; Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Luật thanh tra; Luật phòng, chống rửa tiền. Đây là những luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4.
Trong đó có Luật phòng, chống rửa tiền năm 2022 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2023, thay thế Luật phòng, chống rửa tiền năm 2012.
Chia sẻ tại buổi lễ, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh cho biết, việc xây dựng Luật phòng, chống rửa tiền năm 2022 nhằm khắc phục những hạn chế của Luật phòng, chống rửa tiền năm 2012, góp phần nâng cao hiệu quả công tác, xây dựng hệ thống pháp luật phù hợp với các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền.
Luật phòng, chống rửa tiền năm 2022 cũng kế thừa các quy định vẫn còn phù hợp của Luật phòng, chống rửa tiền năm 2012, bên cạnh đó, cũng tham khảo, cụ thể hóa các chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền trên cơ sở phù hợp với Việt Nam.