Con tim chứa đầy hai chữ "Việt Nam"

TS.PHAN CÔNG CHÍNH (Tổng giám đốc Công ty GESO)| 24/02/2015 06:40

Cuối năm vừa qua, tôi có dịp gặp lại nhiều người bạn từ Mỹ, Đức, Nhật, Canada về thăm Việt Nam.

Con tim chứa đầy hai chữ

Cuối năm vừa qua, tôi có dịp gặp lại nhiều người bạn từ Mỹ, Đức, Nhật, Canada về thăm Việt Nam. Có những người đã mất liên lạc gần 20 năm, có người làm việc ở nước ngoài, tranh thủ dịp Giáng sinh về thăm gia đình. Một điểm ngạc nhiên là những người bạn đó khi về nước dường như vô tình trở thành cầu nối giữa chúng tôi. Họ là nhân duyên khởi xướng các cuộc gặp gỡ bạn bè. Người đi xa mong nhớ về bạn bè, nơi ăn chốn ở tại quê nhà hơn người ở lại chăng?

Tôi đã trải qua những tâm tình như vậy, trong quãng thời gian 8 năm học tập và nghiên cứu tại CHLB Đức, nhiều khi đang hòa mình trong dòng người vui đón Giáng sinh và năm mới, trong tôi chợt cháy bỏng ước mơ được đón Tết tại quê nhà.

Tôi thèm được nói tiếng Việt, thèm không khí mua sắm Tết, bày biện trong gia đình, phút giây lang thang tại các chợ hoa và khoảnh khắc đại gia đình sum họp, chúc tết ông bà, cha mẹ, chụp hình và mừng tuổi nhau.

Nhiều người Việt ở hải ngoại phải đi vài chục km để mua thức ăn Việt về chuẩn bị bữa cơm gia đình, mừng Tết cổ truyền của dân tộc nhằm làm vơi đi nỗi nhớ nhung quê nhà của người xa xứ.

Ba mẹ đã kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện thời thập kỷ 60. Người dân Việt thời đó ý thức rất rõ về quê hương, đất nước, giống nòi. Du học sinh học xong đều tình nguyện trở về xây dựng đất nước, bất chấp bao gian khổ.

Gia đình nào có con gái gả cho người nước ngoài sẽ bị dòng họ, hàng xóm chê cười. Ngày nay, những khái niệm toàn cầu hóa, thế giới phẳng, mái nhà chung, công dân toàn cầu... trở nên phổ biến. Phải chăng vì thế mà ý thức về quê hương, đất nước, giống nòi không còn quan trọng như trước?

Nhiều bậc cha mẹ tại Việt Nam định hướng phát triển con cái thành công dân toàn cầu. Khi gửi con đi du học, họ khuyên con học xong nên tìm cơ hội để định cư ở nước ngoài.

Nhưng nhiều người bạn Việt Nam của tôi ở hải ngoại đã nỗ lực đưa con về thăm quê hương, mong rằng các cháu sẽ không bị mất gốc. Khi tiếp xúc, tôi thấy chỉ ít cháu có thể nói được tiếng Việt lưu loát, đa số dừng lại ở mức nghe, hiểu mà thôi.

Tôi hỏi các cháu có muốn về đón năm mới tại quê hương Việt Nam nữa không? Các cháu nghĩ ngợi và im lặng. Việt Nam đối với các cháu chỉ là quê hương thứ hai mà thôi. Tuy nhiên, tôi rất trân trọng nỗ lực của các bậc cha mẹ trong việc duy trì cội nguồn Việt nơi các thế thế hệ sinh ra và lớn lên ở hải ngoại.

Tôi cảm phục dân tộc Do Thái. Họ đã bị mất nước gần 2.000 năm. Họ là những người rất thành công, thậm chí dẫn đầu trên thế giới, nhưng không vì thế mà mất đi tinh thần dân tộc, vẫn nung nấu khát vọng trở về lập quốc và họ đã làm được điều đó. Nhìn lại lịch sử dân tộc Việt Nam, chúng ta có một truyền thống mạnh mẽ về dựng nước và giữ nước. Truyền thống đó đã được truyền lại bằng chính xương máu của cha ông.

Trong thời đại mới, thế hệ con cái chúng ta cần có năng lực và tầm nhìn của một công dân toàn cầu, nhưng con tim vẫn phải chứa đầy hai chữ Việt Nam. Là cha mẹ, chúng ta có khao khát điều đó không? Chúng ta phải làm gì để con cái chúng ta đạt được điều đó? Phải tìm được câu trả lời cho hai câu hỏi này chúng ta mới không phụ lòng cha ông đã ủy thác cho chúng ta tiếp tục duy trì và phát triển đất nước Việt Nam thân yêu này.

>Không phải ra nước ngoài là... thay đổi
>Nhớ nhà, là nhớ… nhà nào?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Con tim chứa đầy hai chữ "Việt Nam"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO