Gia đình

Con gái, con trai

Nguyễn Trung 17/09/2023 11:00

Với những cha mẹ bình thường, việc chấp nhận nếu “lỡ” phát hiện có con bị sai “giới tính” là một khó khăn thì với một doanh nhân có tên tuổi hay một quan chức, điều đó còn nặng nề hơn vì nó không còn là câu chuyện gói ghém trong gia đình, mà là thể diện, sự mặc cảm với bạn bè.

nqt_0958.jpg
Ông Nguyễn Trung cùng vợ và con

Tuy nhiên, với một xã hội đang rộng mở nhiều quan niệm mới và một thế hệ công dân đang ngày càng trẻ hóa, nhiều bậc phụ huynh cũng đang cởi mở hơn và không còn giới hạn trong suy nghĩ, thậm chí có người còn tự hào khi thấy con vẫn là một công dân tốt, có ích cho xã hội. Chuyên mục “Chuyện nhà, chuyện đời” số báo này sẽ là câu chuyện của một cựu lãnh đạo công sở tại TP.HCM.

Nhìn vợ thất thần, mặt mày biến sắc, ngồi thụp dưới chân giường nước mắt đầm đìa, như tia sét đánh xẻ đôi người, choáng váng tôi hiểu ngay việc gì rồi cũng phải đến.

Ôm vợ, cũng đầm đìa nước mắt mà không hiểu mình đau vì đâu và ở đâu? Cái tôi đau nhất là tại tôi, 17 năm không hiểu được con dù qua rất nhiều sự việc thể hiện bản chất sự việc; giận mình vì chỉ nghĩ chuyện giới tính là chuyện nhà “người ta” không thể xảy ra trong nhà mình; giận vì đã hiểu sai giới tính mà con mình gánh chịu trong suốt 17 năm qua và càng thấy thương con, thương vô cùng.

Ngày ấy, tôi rất mê danh thủ Maradona - vua của bóng đá nhân loại. Khi bác sĩ thông báo bào thai là con gái, không sao, tôi cũng rất thích con gái và càng thích hơn vì con gái giống cha… giàu ba họ. Ngày con sinh ra 11 tháng 2, nhiều người nói đặc biệt “có một không hai”. Giờ đây đã 27 năm mới ngẫm lại, mới thấy sự vô cùng đặc biệt ấy, nhất là với người cha nhiều cảm xúc như tôi.

Khi mới hai tuổi, cuộc sống gia đình vất vả, cha làm công chức lương ba cọc ba đồng, mẹ bươn chải buôn gánh bán bưng… Thế là ngày ngày, con tôi chễm chệ trên chiếc ghế nhỏ bắc trên chiếc honda theo mẹ đi bán quần áo cũ (hàng sida), sáng đi chiều về không quản gió mưa bão bùng. Rồi một ngày xấu trời, đang trên đường Nguyễn Phi Khanh để trở về nhà sau một ngày bán buôn vất vả, một tai nạn xảy ra và chiếc pô xe nóng bỏng đã đè lên tay con. Vợ tôi khóc thất thanh trong tiệm thuốc tây chữa vội vết bỏng hằn sâu, tôi vội vàng chạy đến đưa con vào bệnh viện trị phỏng. Buồn rầu, vợ tôi hứa khoảng 7-8 năm sau khi đủ lớn thì sẽ thực hiện phẫu thuật ghép da cho con. Thế mà giờ đây đã hơn 27 năm rồi, trên cánh tay ấy như vẫn nở một bông hoa hồng lớn xòe cánh gọn xinh.

1(1).jpg

Những ngày đầu đi học mẫu giáo, đồ chơi yêu thích của con chỉ là xe tăng, đại bác mặc dù luôn được mẹ sắm váy đẹp tóc dài kẹp bím. Nhưng tới lớp mẫu giáo thì nhất định không ngồi chung với bạn, mà chỉ ngồi cửa lớp nhìn ra đường chờ mẹ đón về… Những khi mưa lớn cũng không cho cô giáo đóng cửa. Cô giáo dỗ dành hết lời mà không được, khi các bạn sinh hoạt múa hát vui vẻ thì quay mặt vào lớp tươi cười, nhưng khi hết vui lại quay ra đường… chờ mẹ. Học gì cũng nhanh, học chữ, học bơi nhưng tiếng Anh thì khác. Cô phụ trách than phiền, mỗi lần thầy giáo hỏi thì không trả lời mà rưng rưng muốn khóc. Nói chung, cả một thời thơ ấu chăm bẵm cho con với rất nhiều hình ảnh lưu lại là những cá tính khác thường, những nghịch cảnh trái khoáy cuộc đời. Có anh bạn thân nhắc khéo mình, hình như con gái anh có nhiều biểu hiện là trai đó. Mình về nói chuyện với vợ, bả gạt phắt “nói xàm”.

Khi con học xong lớp 11 và nhất định đòi đi du học nước Mỹ, hai vợ chồng cũng đồng thuận hết mình tính toán, gồng gánh về tài chính để con học lại trung học và thi tuyển vào ngành y khoa. Khi đi phỏng vấn tại Tổng lãnh sự Mỹ, con vẫn đem theo cuốn tự điển Đức với dự tính nếu trượt visa du học Mỹ sẽ chuyển sang du học tại Đức. Giờ đây mới nhận thấy con đã rất quyết tâm muốn tránh xa sự “bảo bọc” của cha mẹ, gia đình cỡ nào.

Thế rồi, khi qua Mỹ gần một năm học hành vất vả kẻ đón người đưa. Một bức thư con gửi cùng những phán quyết của bác sĩ với những trị liệu về thuốc men giới tính, chính thức con đã trở thành “nam nhân”. Cả hai vợ chồng và đặc biệt chính tôi lao vào nghiên cứu sách vở, video về những câu chuyện có thật trên đời này. Từ đó, những yêu thương lại càng trở thành yêu thương hơn nữa. Mỗi năm, vợ tôi dành hẳn 6 tháng qua nấu ăn, chăm sóc cho “chàng trai” duy nhất trong gia đình và mình thì luôn miệng điều mong muốn nhất là con luôn được sống vui, sống hạnh phúc trong cuộc đời này.

Sau khi học xong master ngành y và 3 năm thực tập hành nghề, chàng đã quyết định trở lại chung sống với cha mẹ, gia đình và làm việc tại các bệnh viện, phòng khám quốc tế tại TP.HCM. Chàng trai giống cha một cách kỳ lạ, với hàm râu dày “manly”, cùng uống cà phê mỗi sáng vào ngày nghỉ cuối tuần và tủm tỉm cười tươi khi gặp mấy thiếu nữ xinh đẹp, ánh mắt đong đưa. Mức lương bác sĩ của con cũng nhanh chóng đạt ngưỡng mơ ước của nhiều người, sự hài lòng cuộc sống mới luôn làm gương mặt sáng ngời… Rồi sự thành công từ ca bệnh khó mà chàng tự tin chủ trì trong hội chẩn với nhiều bác sĩ nước ngoài và khẩn cấp điều trị nhằm đưa người bệnh trở về Mỹ an toàn với lời cảm ơn và chúc mừng của Tổng lãnh sự.

Thật vui mừng vì những ngày đầu tiên vui vẻ, hạnh phúc. Riêng tôi còn cả chặng đường cam go phía trước để cùng con tìm hiểu tính pháp lý về giới tính Việt Nam; về ngành y tế, tư pháp và công an để chính thức được xã hội thừa nhận con mình chính là chàng trai thực thụ. Chắc chắn tôi sẽ cùng con song hành trên mọi chặng đường gian khó ấy để đảm bảo con được sống an toàn, mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

Giờ đây, vợ chồng tôi đều đã lớn tuổi, sức khỏe yếu dần. “Sinh lão bệnh tử”, “tre già măng mọc” là quy luật của cuộc đời. Chỉ mong sao con luôn ghi nhớ gia đình mình, ông bà nội ngoại, những người đã đi xa, ba mẹ, rồi các bác các dì, những người sắp đi xa, đặc biệt là chị và em gái tất cả sẽ luôn ủng hộ và cùng đồng hành với cuộc đời của con. Gia đình và ba mẹ luôn tự hào đã có con trong cuộc đời này… I love you - Ba yêu con.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Con gái, con trai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO