“Con đường gốm” ở Huế

KHẢI LY| 08/07/2008 09:18

Có một doanh nhân không hoạt động trong lĩnh vực du lịch, vậy mà ra Huế, anh đề xuất một tour “độc” mang tên “Con đường gốm”. Nó không phải là “con đường tơ lụa” đi qua những sa mạc hay những phiên chợ Trung Đông, con đường gốm Huế sẽ đưa du khách đi từ những bảo tàng đến bộ sưu tập tư nhân, một phiên chợ đồ cổ lề đường đến những lò gốm xa xưa. Đó là ý tưởng thú vị khi trong một ngày người ta có thể chìm đắm vào vẻ đẹp của gốm, hiểu về sự giao lưu văn hóa ngàn năm trên đất cố đô. Và cuối cùng, có thể chọn những sản phẩm gốm xứ Huế về làm đẹp cho ngôi nhà của mình.

“Con đường gốm” ở Huế

Có một doanh nhân không hoạt động trong lĩnh vực du lịch, vậy mà ra Huế, anh đề xuất một tour “độc” mang tên “Con đường gốm”. Nó không phải là “con đường tơ lụa” đi qua những sa mạc hay những phiên chợ Trung Đông, con đường gốm Huế sẽ đưa du khách đi từ những bảo tàng đến bộ sưu tập tư nhân, một phiên chợ đồ cổ lề đường đến những lò gốm xa xưa. Đó là ý tưởng thú vị khi trong một ngày người ta có thể chìm đắm vào vẻ đẹp của gốm, hiểu về sự giao lưu văn hóa ngàn năm trên đất cố đô. Và cuối cùng, có thể chọn những sản phẩm gốm xứ Huế về làm đẹp cho ngôi nhà của mình.

Ông Hố Tấn Phan giữa vườn gốm nhà mình



Con đường ấy có thể được gợi cảm hứng từ những biệt phủ trên đồi Thiên An ở ngoại ô Huế, nơi mà một số chủ nhân đã tận dụng vẻ đẹp của gốm để trang trí khắp nơi, trong vườn, ốp tường, trên cả nóc nhà. Đó là những phiên bản gốm được làm như những hiện vật gốm cổ mà ngư dân từng vớt dưới lòng sông Hương. Những món gốm ấy là những thực thể xác định ký ức con sông Hương đã ôm vào lòng nó nền văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa, Chu Đậu.

Những cổ vật đã lưu lạc khắp thế gian, nhưng phần giá trị nhất vẫn còn được lưu giữ ở các bộ sưu tập quan trọng trên đất Huế. Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế là một điểm có thể giúp du khách cái nhìn toàn cảnh về gốm xứ Huế. Với tiền thân là Musée Khải Định thành lập từ năm 1923, bảo tàng này đang lưu giữ tới 3.700 món đồ sứ đã trở thành bảo vật cung đình bằng nhiều con đường ngoại giao, cướp bóc, buôn bán và sản xuất. Ở đây có 700 hiện vật gốm men ngọc thời Lý Trần, gốm thời Mạc, thời Lê - Trịnh mà các chuyên gia đang hồ nghi là lưu lạc về Huế qua cuộc trường chinh của nhà Tây Sơn ra đất Bắc đưa về.

Chỉ riêng tại địa điểm này, có thể tìm hiểu sự phát triển nghề làm gốm dưới thời các vua chúa nhà Nguyễn với lò gốm Long Thọ, nơi mà các lính thợ đã học được nghề gốm sứ Giang Tây - Trung Quốc và từ đó đóng góp những sản phẩm phục vụ cả xây dựng, trang trí trong cuộc sống thường ngày. Bây giờ đến Huế vẫn còn ngắm được những tác phẩm nghệ thuật gốm trong kiến trúc và trang trí cung điện thời Nguyễn.

Một căn biệt thự đuợc trang trí bằng gốm

Ngoài những đồ án trang trí thông thường, còn có những đồ án tứ linh, hổ phù, những bức phù điêu với các đề tài dân dã, trang trí các đầu đao, cổ diềm, lá mái, mà điện Ngưng Hy trong lăng Đồng Khánh là một điển hình. Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế là nơi lưu trữ những hiện vật đầy đủ và đẹp nhất về gốm triều Nguyễn còn ghi rõ xuất xứ và niên hiệu cụ thể.


Con đường du khảo gốm Huế không thể thiếu được một địa chỉ. Đó là bộ sưu tập gốm được đưa về từ những con thuyền rã nát dưới sông Hương. Với sự phong phú của bộ sưu tập lên đến hàng vạn món khác nhau, địa chỉ nhà riêng của ông Hồ Tấn Phan xứng đáng được mở cửa đón khách đến xem gốm. Sau hàng chục năm lần theo những nhánh sông Hương đi sâu vào đất liền, ông Hồ Tấn Phan kinh ngạc khi phát hiện ra những dòng sông đang cất giữ kho tàng văn hóa, lịch sử quí giá hàng nghìn năm.

Đến khu vườn rộng vài trăm mét vuông ở khu Gia Hội - Huế, khách phải sửng sốt vì hiện vật gốm quá nhiều, khoảng 10 nghìn món để tràn lan từ trong nhà ra tận ngõ. Du khách được tự nhiên cầm ngắm bất cứ món đồ nào và hỏi gia chủ về xuất xứ, về giá trị của nó. Ông Phan đã có được các hiện vật gốm tiền Sa Huỳnh có niên đại từ 2.400 đến 3.000 năm đặt trên nền của những tảng san hô hóa thạch như một chứng nhận của thời gian. Bên cạnh đó là gốm Đông Sơn, gốm Chămpa, rồi gốm Đại Việt... Giá trị của bộ sưu tập này nằm ở khía cạnh lịch sử và văn hóa, không nhiều giá trị thương mại trên thị trường đồ cổ. Nó thỏa mãn các nhà nghiên cứu và những du khách mơ mộng.

Đố gốm gổ cất giữ tại vườn nhà ông Phan


Một phần nhỏ các món đồ cổ đang giữ tại vườn nhà ông Hồ Tấn Phan đến từ một chợ đồ cổ trên đường Trần Hưng Đạo. Cả phiên chợ dựa lưng vào những hàng rào sắt công viên, dã chiến nhưng bắt mắt. Những người ngồi bán đa số xuất thân vạn đò chuyên đi mò đồ cổ dưới đáy sông Hương, sau chuyển hẳn sang buôn bán đồ cổ vàng thau lẫn lộn. Ở đó có nhiều thứ, nhưng giá trị nhất là gốm Chu Đậu, gốm đời nhà Lê, Nguyễn, gốm sứ đời Minh, Thanh của Trung Quốc.

Và bởi vì du khách không thể mua món đồ gốm nào tại nhà ông Hồ Tấn Phan (ông chưa bao giờ bán bất cứ thứ gì) nên cũng có thể tìm kiếm tại khu chợ đồ cổ này một món đồ ưa thích với giá rẻ. Và một địa chỉ khác, làm con đường gốm của Huế thêm đậm đà chính là Xí nghiệp sản xuất gốm cổ tại số 15 đường Huyền Trân Công Chúa. Ở đó, các nghệ nhân của Huế giới thiệu các sản phẩm gốm phục vụ trang trí nội và ngoại thất rất ấn tượng như gốm thổ cẩm, phù điêu, hàng thủ công mỹ nghệ giả gốm. Một điểm tham quan nối dài con đường gốm đến quá khứ chính là làng cổ Phước Tích, cách thành phố Huế 40km về phía Bắc - Một ngôi làng nhiều nhà rường cổ và những lò gốm thủ công vẫn đỏ lửa hàng trăm năm nay.

KHẢI LY

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Con đường gốm” ở Huế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO