Những tưởng xe máy điện đang trên đà thành công trong hành trình chiếm thị phần của xe máy nhưng kinh tế khó khăn từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện đã đảo ngược tình thế. Xe máy điện đã dành được 5,4% thị phần của thị trường xe máy vào năm 2019 rồi 10% vào năm 2021, sau đó đà tăng trưởng chững lại. Đến nay tăng trưởng của thị trường xe máy điện vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục, theo Motorcycles Data.
Xe máy điện cá nhân “trùm mền” trong phân khúc B2C
Tiến sĩ cơ khí Đại học Michigan, Mỹ là Nguyễn Hữu Phước Nguyên và Nguyễn Trọng Hải cùng chuyên gia kỹ thuật phần mềm và IoT Nguyễn Đình Quảng bắt đầu phát triển xe máy điện vì bị hấp dẫn bởi thị trường 50 triệu chiếc xe máy ở Việt Nam và 250 triệu chiếc ở Đông Nam Á, rồi thành lập Công ty CP Phương tiện điện thông minh Selex Motors. Vào năm 2018, những người sáng lập Selex Motors nghĩ rằng xe máy điện tiết kiệm được 30% chi phí sử dụng sẽ chiếm lĩnh được thị trường B2C nên đã bắt tay vào thiết kế chiếc xe máy điện kiểu dáng tay ga có giá bình dân.
TS. Nguyễn Hữu Phước Nguyên chia sẻ: “Chúng tôi đã làm việc ở nước ngoài nhiều năm nên nhìn thấy cơ hội trăm năm có một ở Việt Nam. Xe gắn máy cá nhân rất nhiều, nhưng xe máy điện rất ít. Thị trường như một đại dương xanh cần được khai phá nhưng ở Việt Nam lúc đó thiếu từ phần mềm đến nguyên vật liệu để sản xuất xe máy điện”.
Vì là chiếc xe đầu tiên do nhóm kỹ sư này sản xuất nên họ phải thử nghiệm kỹ từng bộ phận. Họ mua một chiếc xe xăng cũ về, tháo động cơ xăng, thay động cơ điện do nhóm chế tạo rồi điều chỉnh rất nhiều lần mới hoàn thành. Nhưng chiếc xe máy điện họ mong muốn không chỉ là chiếc xe thông thường thay động cơ chạy xăng bằng động cơ điện nên phải mất tới 9 tháng mới chế tạo ra được chiếc xe mẫu đầu tiên theo định hướng giao thông thông minh. Chiếc xe mẫu của Selex Motors tốn đến hàng trăm triệu đồng cho những lần thử và phải sửa đi sửa lại đến hàng chục phiên bản cho đến khi thuyết phục được nhà đầu tư mới thôi.
Sửa sai để vào phân khúc B2B
Chiếc xe thử nghiệm đã có thể lăn bánh trên đường phố Hà Nội cũng là lúc thị trường “đóng băng” vì Covid-19. Nếu Selex Motors đưa xe vào thị trường ảm đạm lúc đó rất khó cạnh tranh với những chiếc xe máy điện lừng lẫy với kiểu dáng phong trần của DatBike. Bên cạnh đó, dù chỉ có giá hơn 20 triệu đồng, xe của Selex Motors cũng rất khó cạnh tranh với xe máy điện ngoại nhập như Dibao Nami hay Yadea chỉ có giá hơn 10 triệu đồng. Dòng xe điện thông minh nhưng kiểu dáng thô sơ của VinFast Ludo cũng chỉ có giá 12 triệu đồng.
Đưa xe vào thị trường lúc này là một quyết định chôn vốn nên nhóm sáng chế phải xoay ra bán pin để lấy ngắn nuôi dài. Nhóm kỹ sư lại thiết kế pin để tương thích với thiết bị của hãng xe khác. Việt Nam còn thiếu điểm sạc và đổi pin gây bất tiện cho người dùng xe điện, đây là một nhánh kinh doanh mà Selex Motors tận dụng trong lúc thị trường suy giảm.
Có lẽ Selex Motors sẽ phải “trùm mền” chiếc xe điện đã hoàn thiện đến khi thị trường hồi phục, nếu không có cuộc gặp gỡ tình cờ giữa TS. Phước Nguyên và CEO Lazada Logistics Vũ Đức Thịnh tại một buổi hội thảo. “Anh ấy hỏi tôi, tại sao Selex Motors không làm xe giao vận? Lazada đang đi theo mô hình phát triển bền vững sử dụng xe điện để giao hàng, tại sao không bắt tay làm đối tác?”, Phước Nguyên kể. Câu hỏi này mở ra ngách mới cho Selex Motors và mở ra tầm nhìn mới đối với TS. Phước Nguyên.
Một người giao hàng di chuyển nhiều gấp 5 lần người bình thường với quãng đường bình quân 200km/ngày, tốn tiền triệu mua xăng mỗi tháng. Nhưng xe điện có thể giúp họ tiết kiệm từ 30-40% chi phí năng lượng cộng với phí bảo hành thì chắc chắn thị trường B2B sẽ chọn xe máy điện.
Vậy là phải thiết kế lại chiếc xe máy điện cá nhân để thành xe giao vận, xe phải to và dài hơn. Selex Motors lại đi tìm đối tác từ nơi sản xuất ốc vít, khung sườn đến khuôn nhựa, vỏ pin để phù hợp với thiết kế mới. Để một chiếc xe máy điện đạt tải trọng 225kg, pin đủ chạy được 200km, nhóm kỹ sư phải chỉnh sửa gần như mỗi ngày. Để tối ưu tải trọng, họ chất 700kg hàng lên xe thử nghiệm mà khung không nứt gãy là thành công.
TS. Phước Nguyên cho biết, khó nhất trong hơn 100 linh kiện, phụ tùng là bộ phận điều khiển động cơ điện thì Selex Motors phải tự làm. Nhờ quá trình lăn lộn thử - sai - sửa mà công ty sở hữu 10 bằng sáng chế và làm chủ được toàn bộ máy điện thế hệ mới có ứng dụng công nghệ để định vị và cá nhân hóa dịch vụ đi kèm theo thói quen của người dùng phương tiện.
Năm 2021, Selex Motors đã từng bước thâm nhập thị trường B2B, khách hàng đầu tiên là Lazada. Trong thời gian đầu, công ty chỉ bán được dịch vụ đổi pin, sau đó mới bán được dịch vụ thuê xe. Khi xe của Selex Motors đã hoàn thiện thì không chỉ Lazada mà các hãng giao nhận khác cũng đã sử dụng một phần hay 100% loại xe này.
Hành trình chuyển đổi xe cá nhân sang xe giao vận đã lấy đi một năm nghiên cứu, gọi vốn để lo chi phí thử nghiệm đắt đỏ. Selex Motors đã gọi được vốn 2 triệu USD từ Quỹ Đầu tư Touchstone Partners của Việt Nam, Quỹ Đầu tư Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Quỹ Nextrans của Hàn Quốc vào năm 2021. Thay đổi chiến lược chuyển sang thị trường doanh nghiệp giao vận, Selex Motors sẽ tránh được sự cạnh tranh với công ty giao vận Ahamove, đã mua xe máy điện VinFast Feliz để cho khách du lịch thuê theo giờ vào đầu năm nay.
Nhờ được rót vốn, Selex Motors mới hoàn thành xây dựng nhà máy có công suất khoảng 20.000 xe và 100.000 pin/năm. Tháng 4 vừa rồi, công ty nhận được đầu tư trái phiếu chuyển đổi trị giá 3 triệu USD từ các nhà đầu tư ban đầu và một số nhà đầu tư ngoại. Các quỹ đầu tư này đang hy vọng Selex Motors sẽ xuất khẩu xe máy điện sang các nước trong khu vực Đông Nam Á. Công ty cũng vừa nhận được giải thưởng Sao Khuê, hạng 5 sao của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam vào tuần rồi.