Vì sao startup Việt Nam lại ra nước ngoài?

Mỹ Huyền| 26/04/2023 01:00

Startup Việt Nam ra nước ngoài trong khi startup nước ngoài lại đến Việt Nam, nguyên nhân vì đâu?

Vì sao startup Việt Nam lại ra nước ngoài?

Ra đi vì hành vi người dùng, khung pháp lý chưa hoàn chỉnh

Trần Ngọc Thái rời Việt Nam sang Phần Lan khởi nghiệp vì cảm thấy bế tắc với thị trường trong nước. Anh là đồng sáng lập Voiz FM - ứng dụng sách nói và podcast - phải cạnh tranh gay gắt với các kênh đọc truyện tự phát không trả tiền bản quyền cho tác giả mà chỉ chăm chăm thu tiền quảng cáo từ YouTube. Trong khi Voiz FM phải thuyết phục từng tác giả chuyển nhượng bản quyền sách lại không thu hút bằng các kênh miễn phí. 

Thái tìm hiểu các thị trường trên thế giới và nhận ra ở Bắc Âu, thói quen trả phí đã hình thành từ lâu. Ở Phần Lan, startup công nghệ nhận được nhiều sự hỗ trợ của chính phủ vì họ quan niệm doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp có tiềm năng đóng thuế cao. Startup từ Việt Nam sang đều được tổ chức Business Finland kết nối với hệ sinh thái tại đây. Hơn nữa, EU đã ra đạo luật mới đòi hỏi sản phẩm phát hình kỹ thuật số tiếng nước ngoài đều phải có phụ đề và lồng tiếng bản ngữ. Đây lại là điểm mạnh của Thái để anh tự tin kinh doanh ở thị trường này. 

Thái sang Phần Lan thành lập HeiTech với ứng dụng Hei.io là robot AI có khả năng lồng tiếng, chạy thuyết minh cho sự kiện và video. Vừa đến nơi, Thái được giới thiệu với tỷ phú Peter Vesterbacka từ Quỹ Finest Future và nhận được đầu tư từ nhà đầu tư thiên thần này. 

Link bài viết

Thái cho rằng, HeiTech sẽ khó thành công nếu vẫn ở trong nước. Chính phủ Phần Lan hỗ trợ startup từ xa đến không chỉ vì tiềm lực tài chính, mà còn do kinh nghiệm của hệ sinh thái khởi nghiệp ở đây đã có từ lâu, những quy định pháp lý đều chặt chẽ và đủ thông thoáng để startup sáng tạo. Những startup cùng lĩnh vực HeiTech được chính phủ hỗ trợ bằng cách phạt thật nặng các trường hợp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nhờ thế startup công nghệ yếu vốn cạnh tranh được với các công ty làm chui, làm lậu.

Trong khi đó, Hồ Trung Định - người sáng lập chương trình khởi nghiệp Goonma đã ra phiên bản thử nghiệm cổng môi giới sàn giao dịch sau một năm tập trung hoàn thiện công nghệ. Ban đầu, Định mở cổng môi giới liên kết với sàn giao dịch chứng khoán ở Việt Nam và đã làm việc với hai công ty chứng khoán để triển khai nhưng lại quyết định trì hoãn ra nước ngoài kinh doanh.

Năm ngoái, một số DN khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước "điểm tên" vì có dấu hiệu huy động vốn dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh và hoạt động quản lý quỹ, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà chưa được cấp phép. Dù các DN này đã liên kết với ngân hàng để tiếp tục kinh doanh chứng khoán nhưng vẫn chưa biết bị phạt hay không.

Trong bối cảnh phức tạp đó, Định tìm đến luật sư để được tư vấn. Anh quyết định lùi ngày mở công ty vì e ngại luật chưa rõ ràng. Thay vào đó, anh xâm nhập thị trường nước ngoài qua ngả Estonia. Đây là một thị trường có độ mở lớn, nhất là công nghệ tài chính. Chỉ với 100 euro, một tấm ảnh, dấu vân tay và vài tuần đợi kiểm tra danh tính là có thể đăng ký căn cước và mở công ty, tất cả đều qua cổng điện tử. Định cho rằng, mở công ty ở Estonia còn có lợi hơn ở Singapore vì nước này đã có cộng đồng kinh doanh tài chính với EU và khắp nơi trên thế giới. Anh nói ngày trở về kinh doanh tại Việt Nam sẽ phụ thuộc vào "độ thân thiện" của pháp luật đối với DN trong lĩnh vực công nghệ tài chính.

Một sàn giao dịch bất động sản (BĐS) khác do ông George Nguyễn - nhà sáng lập của JDI One, đồng sáng lập TBLabs khởi xướng, đã đầu tư tiền tỷ vào công nghệ blockchain để rồi bỏ không vì việc giao dịch tài sản số chưa được cho phép, dù sàn đã cố gắng sao chép mô hình đầu tư BĐS truyền thống. 

-3999-1682480332.jpg

Làm sao để giữ startup?

Hiện nay, vẫn còn một số ngành nghề chưa mở cửa với nhà đầu tư nước ngoài, hoặc hạn chế tỷ lệ sở hữu, hoặc nhà đầu tư không đáp ứng điều kiện đầu tư. Độ chậm trễ của chính sách đã đẩy một số startup rời khỏi Việt Nam. Nhiều startup phân trần rằng mình phải sang nước khác như Singapore đăng ký kinh doanh mới có thể nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài, theo LS. Nguyễn Thành Công - Giám đốc Công ty TNHH Đông Phương Luật, Đoàn Luật sư TP.HCM. 

Không chỉ nhiều startup Việt Nam sợ thủ tục phiền hà ở Việt Nam, nhà đầu tư ngoại cũng sợ. Thủ tục để mở DN có vốn FDI hoặc góp vốn, mua cổ phần ở Việt Nam thường kéo dài từ một đến vài tháng, phải có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (IRC) và giấy chứng nhận đăng ký DN (ERC). Trong một số trường hợp, nhà đầu tư ngoại còn phải có thêm một số giấy phép con thì mới hoạt động được. Do đó, nhiều startup Việt chọn cách thành lập công ty holding (chỉ chuyên đầu tư vốn) ở Singapore vì thủ tục thành lập chỉ trong khoảng một vài ngày, rồi từ đó mới đầu tư ngược trở lại vào Việt Nam hoặc hoạt động luôn tại Singapore.

Không chỉ lĩnh vực Fintech, thương mại điện tử đã có hơn 15 năm, nhưng hiện nay DN vẫn phải thanh toán qua bên thứ ba là ngân hàng như 12 năm trước. 

Theo LS. Nguyễn Thành Công, đây là bước đi quá chậm trong nền kinh tế số. Ngay cả startup lĩnh vực trò chơi điện tử, trò chơi trực tuyến cũng "sợ" các quy định, nên thà chọn hình thức cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, cho dù việc cung cấp đó chưa phù hợp và không tuân thủ pháp luật Việt Nam, còn hơn là đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Trước quá nhiều trường hợp chính sách làm nản lòng DN và nhà đầu tư, LS. Nguyễn Thành Công cho rằng quy định của pháp luật nên được điều chỉnh nhanh chóng để mở ra môi trường kinh doanh thông thoáng cho startup. Để hoàn thiện thể chế cho việc đổi mới sáng tạo và hỗ trợ startup, cần có đội ngũ xây dựng luật chuyên sâu mới kịp với thực tế phát triển nền kinh tế số. 

Nhiều startup Việt rời đi, còn startup ngoại đến cho thấy thị trường và chính sách sẽ quyết định việc đi hay ở. Trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi sự năng động của startup không chỉ bó gọn trong đổi mới công nghệ, mà còn phải  sáng tạo để thích nghi với môi trường kinh doanh.

Trong khi đó, nhiều startup Singapore lại đến Việt Nam, một số tên tuổi đã có thị trường vài năm như Funding Societies, Zoomcar, Glints. Funding Societies vào Việt Nam, nắm bắt được DN nhỏ có nhu cầu vay vốn nhưng không đủ điều kiện vay ngân hàng. Còn Glints đặt bản doanh ở Việt Nam để kề cận được với nguồn nhân lực công nghệ trẻ có tài rất dồi dào để có thể cung cấp cho thị trường lao động công nghệ trong khu vực. Tuy các DN công nghệ nước ngoài cho rằng thị trường Việt Nam đầy tiềm năng, nhưng có thể thấy họ chọn con đường dễ dàng là các ngành nghề kinh doanh có hàm lượng công nghệ tiên tiến rất ít.

Nhiều startup Việt rời đi, còn startup ngoại đến cho thấy thị trường và chính sách sẽ quyết định việc đi hay ở. Ở góc độ nhà đầu tư, ông Justin Nguyễn - Giám đốc Quỹ Đầu tư Monks Hill Ventures cho biết, bối cảnh hiện nay đòi hỏi sự năng động của startup không chỉ bó gọn trong đổi mới công nghệ, mà còn phải sáng tạo để thích nghi với môi trường kinh doanh. Điều này giải thích tại sao các dự án blockchain lại sang nước ngoài.

Hai startup đình đám Kardia Chain và Kyber Network làm việc trong nước nhưng có trụ sở ở Singapore, góp phần vào các dự án blockchain nhận gần 1,5 tỷ USD đầu tư ở đảo quốc này năm 2021. Điều đó chứng tỏ nơi nào có có độ thoáng cho sự đổi mới sáng tạo sẽ thu hút được nhiều startup hơn. Như vậy, để startup Việt không phải ra nước ngoài bởi "bó buộc" về pháp lý, việc tạo điều kiện cho startup kinh doanh các dịch vụ, sản phẩm đổi mới sáng tạo trong khi chờ đợi khung pháp lý hoàn thiện là cần thiết. DN nên được cho phép kinh doanh những thứ mà pháp luật không cấm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì sao startup Việt Nam lại ra nước ngoài?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO