Cơ hội của chuỗi giá trị toàn cầu

TS. Đoàn Duy Khương| 10/07/2023 06:00

Thế giới hội nhập kinh tế ngày nay thay đổi nhanh chóng, đem lại cho doanh nghiệp (DN) cả cơ hội lẫn thách thức, tác động mạnh mẽ đến chuỗi giá trị sản phẩm.

Cơ hội của chuỗi giá trị toàn cầu

Ở nước ta, nhằm phát triển hiệu quả nguồn vốn xã hội thông qua đổi mới cấu trúc DN trong xu hướng thay đổi của thương mại quốc tế, xin đóng góp ba đề xuất.

Công ty cổ phần. Để góp phần phát triển kinh tế thị trường với chuỗi giá trị sản phẩm toàn cầu thì vai trò của các loại hình và thể chế DN là hết sức quan trọng, vì chỉ khi các loại hình công ty được khai thác hết tiềm năng, vận hành phù hợp thì mới phát huy hết khả năng. Với thực tế phần lớn DN Việt Nam đều đứng trước thách thức về quy mô kinh tế do hạn chế tiếp cận nguồn vốn, công ty cổ phần là một giải pháp hiện đại cho tổ chức kinh doanh, kết hợp các ưu điểm của sở hữu chung và quản lý chuyên nghiệp.

Một công ty cổ phần trao quyền cổ đông bằng cách tập hợp các nguồn lực, hạn chế trách nhiệm pháp lý và quyền sở hữu có thể chuyển nhượng. Mô hình đổi mới này đã thay đổi cục diện kinh doanh, giúp tăng khả năng tiếp cận vốn, tăng quy mô và hoạt động minh bạch. Là một trong những định chế quan trọng nhất trong thời đại kinh doanh toàn cầu, công ty cổ phần đã trở thành mô hình kinh doanh phổ biến nhất.

Thực tiễn cho thấy, mặc dù ở Việt Nam số lượng còn hạn chế cũng như sự quản lý phức tạp, song cổ phần là một loại hình công ty cần tập trung phát triển vì nó hội tụ nhiều ưu điểm trong nền kinh tế thị trường, như linh hoạt và thích ứng nhanh với sự đổi mới. Đặc biệt, phần lớn DN Việt Nam rất hạn chế về quy mô kinh tế. Hơn nữa, cần tăng cường cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng thương mại để phát huy nguồn lực vốn trong việc nâng cao năng suất lao động và tính công khai minh bạch cho đổi mới phát triển.

Xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Các DN cần nghiên cứu chuỗi giá trị toàn cầu và công xưởng sản xuất của thế giới, từng bước xây dựng chiến lược sản xuất hàng hóa với thương hiệu riêng để khai thác hiệu quả chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao uy tín và sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tuy nhiên, các DN trong khi sử dụng chiến lược thuê lại cũng không nên đi quá xa giá trị cốt lõi, như thị trường bản địa, bí quyết công nghệ để tránh rủi ro khi chuỗi cung ứng thay đổi. Hơn nữa, cũng cần có biện pháp bảo vệ thương hiệu (đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu…) tại thị trường kinh doanh.

Môi trường kinh doanh. Nhà nước cần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN nói chung và cho DN cổ phần nói riêng. Cần có môi trường pháp lý hoàn chỉnh để phát triển loại hình công ty cổ phần, trước mắt cần cải thiện pháp luật liên quan về thuế và thị trường tài chính. Đặc biệt, thị trường tài chính cần phát triển theo hướng thị trường đồng bộ và hiện đại nhằm phát huy tính hiệu quả của nguồn lực xã hội để nâng cao hợp tác và cạnh tranh của cộng đồng DN trong chuỗi giá trị toàn cầu và đảm bảo hiệu quả quá trình phát triển và hợp tác kinh tế quốc tế. Trong quá trình đó, phát triển hệ sinh thái công nghệ số sẽ đóng vai trò quan trọng.

Cùng với hiệu quả của Chính phủ trong việc điều hành thị trường tài chính của Chính phủ và sự sáng tạo và đổi mới cấu trúc doanh nghiệp, thương hiệu made in Vietnam sẽ ngày càng phát triển trong thời đại kinh tế số để góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cơ hội của chuỗi giá trị toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO