Nhu cầu vay tiêu dùng đang tăng mạnh, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình và thấp. Trung tâm Thông tin Tín dụng (CIC) của Ngân hàng Nhà nước đã ra đời cung cấp dữ liệu lịch sử tín dụng giúp ngân hàng, công ty tài chính dễ dàng thẩm định khi cho vay và người tiêu dùng cũng yên tâm hơn khi vay.
Đọc E-paper
Báo cáo của Công ty CP StoxPlus công bố hồi đầu năm cho thấy, dư nợ cho vay tiêu dùng đã tăng đến 44%, từ 10,5 tỷ USD năm 2014 lên 15,12 tỷ USD năm 2015. Hiện doanh thu của ngành này đang chiếm 10,4% GDP và 6,8% tổng dư nợ của nền kinh tế.
Tình hình thực tế tại các công ty tài chính như Home Credit, FE Credit, HD SAIGON Finance... cho thấy dư nợ tăng nhanh. Cụ thể, tại một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng trả góp ở Việt Nam là Home Credit, tăng trưởng dư nợ cho vay tiền mặt của trong giai đoạn 2010 - 2015 ở mức bình quân 57%/năm. Trong 4 tháng đầu năm nay, doanh số vay tiền mặt đã bằng 80% doanh số cho vay tiền mặt của cả năm 2015 và chiếm đến 27% tổng doanh số cho vay của Công ty.
Đa phần khách hàng vay tiêu dùng là những người có thu nhập thấp và trung bình. Theo một báo cáo mới được Home Credit công bố, có đến 50% khách hàng là công nhân và lao động phổ thông. Xét về ngành nghề, có 11% khách hàng làm việc trong lĩnh vực kinh doanh, 8% khách hàng làm việc văn phòng, 6% là kỹ thuật viên, 6% là nông dân, còn lại là những người làm việc trong lĩnh vực khác. Nếu tính về trình độ học vấn, đến 80% khách vay có trình độ phổ thông.
Báo cáo của StoxPlus cũng cho thấy, kênh cho vay tiêu dùng bùng nổ trong năm 2015 bắt nguồn từ những thay đổi lớn trong thói quen của người tiêu dùng và nhu cầu cao về tín dụng của tầng lớp thu nhập trung bình và thấp. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến nhiều khách hàng trở thành "con nợ xấu" khi không hiểu nhiều về các thủ tục vay tiêu dùng.
Công cụ thẩm định
Với mục đích tạo cơ sở dữ liệu thông tin hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách quản lý, giám sát hệ thống ngân hàng, giúp tổ chức tài chính ngăn ngừa rủi ro, hỗ trợ khách hàng vay tiếp cận nguồn vốn tín dụng, phục vụ các ban ngành như quốc hội, cảnh sát điều tra, CIC đã được thành lập.
Tại trung tâm này, mỗi cá nhân đều có một thông số riêng, được tổ chức này cập nhật hoạt động tín dụng trong quá khứ. CIC sẽ giúp các tổ chức tín dụng tìm được khách hàng tiềm năng, giảm chi phí thẩm định khách hàng và qua đó có chính sách phù hợp hơn đối với khách hàng.
Chia sẻ tại tọa đàm "Điểm tín dụng cá nhân trong vay tiêu dùng" mới đây, ông Cao Văn Bình - Phó tổng giám đốc CIC của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tại CIC, lịch sử tín dụng của người vay sẽ được theo dõi rất chặt. Nếu khách hàng không trả nợ đúng hạn và chỉ cần một lần vay bị quá hạn trở thành nợ xấu sẽ bị đưa lên CIC. Thông tin này sẽ lưu suốt 5 năm khiến người có nợ xấu khó tiếp cận các tổ chức tín dụng khác.
"Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện việc chấm điểm cho mọi cá nhân từ 18 tuổi trở lên và chưa có quan hệ tín dụng theo thông lệ quốc tế. Nếu người nào có điểm tín dụng cao (thông tin tốt) sẽ nhận được nhiều ưu đãi từ ngân hàng, các công ty tài chính. Nếu điểm tín dụng thấp thì khả năng tiếp cận vốn sẽ hạn chế vì đơn vị cho vay sẽ cẩn trọng và cân nhắc hơn", ông Bình cho biết.
Theo bà Vương Thủy Tiên - thành viên Hội đồng Thành viên Home Credit Việt Nam, thông tin trên CIC là một trong những tiêu chí quan trọng để Home Credit thẩm định khách hàng trước khi quyết định cho vay hay không. Khi muốn vay tiền, Home Credit sẽ truy cập dữ liệu trên CIC để có thông tin về tình trạng hiện tại của khách hàng, như đang nợ ở đâu, nợ bao nhiêu, trả nợ như thế nào, trong quá khứ có nợ quá hạn ở tổ chức nào không? Những thông tin này sẽ giúp Công ty có cơ sở để đưa ra quyết định chuẩn xác.
Cần thêm thông tin
Tuy nhiên, một điều mà các doanh nghiệp vẫn băn khoăn là mặc dù CIC đã được thành lập nhưng dữ liệu về khách hàng vẫn chưa như mong muốn. Theo báo cáo Doing Business của World Bank, độ phủ thông tin này ở Việt Nam hiện chỉ mới 40%, 60% khách hàng chưa được ghi nhận thông tin và họ sẽ gặp khó trong tiếp cận tài chính.
Bà Lê Thị Kim Xuân - Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP.HCM cho biết, hiện nay, việc tuyên truyền của CIC chưa mạnh, nhiều khách hàng cá nhân chưa biết đến CIC. Người dân hầu như chỉ cần quan tâm đến việc làm sao vay được tiền chứ không để ý đến lý do vay được hay không nên cũng không tìm hiểu về CIC.
Ở các thị trường phát triển, các trung tâm thông tin tín dụng hoạt động rất bài bản. Tất cả nhưng thông tin về việc đóng thuế, điện, nước, điện thoại... cũng được ghi vào hồ sơ tín dụng của khách hàng. Vì thế, khi cho vay, các tổ chức tín dụng sẽ biết khả năng tài chính và khả năng trả nợ của khách hàng như thế nào, từ đó quy định mức lãi suất có ưu đãi hay không. Nếu khách hàng có lịch sử tốt sẽ được vay ưu đãi và vay nhiều hơn mức yêu cầu.
Hiện nay, CIC tại Việt Nam mới chỉ cập nhật dữ liệu từ các tổ chức tín dụng khi phát sinh các khoản vay mà chưa có các thông tin từ những nguồn khác.
Để tăng nguồn dữ liệu khách hàng, theo ông Bình, đến năm 2020 CIC sẽ mở rộng thu thập thông tin ngoài ngành như cơ quan công an, các đơn vị dịch vụ công ích (điện, viễn thông...). Điều này sẽ giúp những khách hàng chưa tiếp cận tín dụng vẫn có hồ sơ trên CIC để các tổ chức tín dụng tham khảo.
"CIC là nguồn thông tin chính thống và hy vọng thu thập thêm nhiều nguồn thông tin đầu vào sẽ giúp các tổ chức tín dụng có nguồn thông tin phong phú hơn, vì đa số khách hnàg khi đến với công ty tài chính thường chưa từng có lịch sử tín dụng", bà Thủy Tiên chia sẻ.
Với việc quản lý chặt hơn nguồn thông tin khách hàng, để có lịch sử tín dụng tốt, tạo thuận lợi hơn cho những lần vay tiếp theo, các chuyên gia khuyên khách hàng nên cẩn trọng, đặc biệt là cần tạo thói quen quản lý giấy tờ cá nhân cũng như nghĩa vụ trả nợ. Có như vậy, khách hàng mới có thể dễ dàng có nguồn vay tốt khi tìm đến các tổ chức tín dụng.
>Lãi suất hợp lý, nhu cầu vay vốn vẫn khó tăng
>Vay tài chính tiêu dùng lãi suất tới 72% một năm