HỔ CỨU CHỦ
Cậu bé tên Kơ-Bua ở Tây Nguyên tình cờ bắt được một chú hổ con mất mẹ, đem về nuôi đặt tên là Côi Cút. Côi Cút lớn nhanh, quấn quýt suốt ngày bên Kơ-Bua. Đất nước bị giặc Pháp xâm lược. Tây Nguyên cũng đầy bóng quân thù. Một tên sĩ quan Pháp rất thích con hổ trung thành của Kơ-Bua, tìm mọi cách chiếm đoạt. Kơ-Bua đành phải thả Côi Cút về rừng rồi tham gia kháng chiến. Một ngày nọ, Kơ-Bua bị giặc bắt. Chúng trói chặt tay anh giải đi. Qua khu rừng năm nào Kơ-Bua thả Côi Cút, bỗng có tiếng hổ gầm dữ dội. Bọn giặc hoảng sợ chạy tán loạn. Kơ-Bua bất lực vì cánh tay bị trói chặt, đành chờ nỗi bất hạnh giáng xuống mình. Nhưng kỳ lạ thay, con hổ đang hung hăng, vừa nhìn thấy Kơ-Bua bỗng đứng sững lại. Rồi nó lao tới, áp mặt vào má anh. Kơ-Bua vui mừng, Côi Cút đã xuất hiện đúng lúc anh đang gặp nạn! Nhanh nhẹn và khéo léo, Côi Cút cắn đứt hết dây trói rồi đưa Kơ-Bua luồn rừng thoát khỏi tay quân giặc.
LỄ HỘI HỔ
Lễ hổ là truyền thống của bộ tộc Di ở tỉnh Vân Nam, Tây Nam, Trung Quốc, thờ bạch hổ. Theo 4 hướng, những người hổ nhảy chồm lên quảng trường của làng giữa những tiếng thuốc nổ rền vang như tiếng hổ gầm, tiếng vỗ tay hò reo của dân làng. Vị pháp sư của làng đang quỳ lạy trước bàn thờ thổ địa. Ông chọn lựa 8 người để làm người hổ. Sau khi được hóa trang bằng đất màu và phủ một áo choàng tượng trưng cho da hổ, họ bắt đầu các điệu vũ đã lưu truyền qua bao đời: nhảy chụm hai chân, tay giơ móng vuốt... theo nhịp trống. Lễ hội hổ được tổ chức hằng năm từ ngày 8 đến ngày 15 tháng giêng âm lịch.
HƯỚNG DẪN QUY TẮC ĐƯỜNG SẮT CHO... HỔ
Thời chống Mỹ, nhân viên tuần đường Lê Văn Hưng ở Lào Cai đi tuần đêm. Ngoài chiếc cờ lê siết bu lông, anh chỉ có chiếc đèn có 4 mặt kính của đường sắt, vừa để soi đường vừa để báo hiệu theo quy định. Đang đi, chợt anh Hưng nghe sột soạt từ phía bụi lau ven đường. Anh đứng lại, soi đèn về phía tiếng động và giật mình vì một "ông ba mươi" đang ngồi chồm chỗm, đuôi quật qua quật lại như sắp nhảy ra khỏi bụi lau. Chạy thì không kịp, bí quá, anh Hưng liền xoay mặt kính màu xanh về phía con hổ rồi hô to: "Xanh, an toàn!". Con hổ ngồi im, không biết vì tiếng hô hay vì màu xanh mát mắt. Anh Hưng lại xoay mặt kính màu vàng, hô tiếp: "Màu vàng, giảm tốc độ!". Không nghe tiếng đập đuôi loạt xoạt, nhưng con hổ vẫn ngồi đấy. Mồ hôi toát ra ướt cả áo, còn mặt kính màu đỏ cuối cùng, anh chiếu thẳng vào mắt hổ, quát lớn: "Màu đỏ, dừng lại, nguy hiểm!". Bất ngờ, nghe đánh soạt, con hổ lao vào bụi, lủi mất. Hú vía!
NUÔI HỔ GIỮA THỦ ĐÔ
Năm 2011, lính cứu hỏa Philippines đang ra sức dập tắt một đám cháy ở thủ đô Manila thì hoảng hốt khi phát hiện 5 con hổ trong căn nhà đang cháy. Ngoài 5 con hổ, chủ nhà còn giữ 3 con trăn Myanmar, 3 con rùa Ấn Độ. Những con vật trên chỉ được đăng ký nuôi ở trang trại bên ngoài thủ đô Manila, vì luật không cho phép giữ chúng trong thành phố. Dù nhà bị cháy nhưng chủ nhà có thể phải ngồi tù 1 năm!
CỨU HỔ MẮC XƯƠNG
Nhân dân vùng Thất Sơn, huyện Tịnh Biên (An Giang) còn nhớ rõ chuyện Bùi Thiền sư cứu hổ mắc xương. Một hôm, ông đi thăm ruộng về, trời gần tối. Khi đến gần cửa chùa, Bùi Thiền sư thấy một con hổ nằm lù lù bên vệ đường. Hổ đứng lên, hả miệng ra cúi đầu, tỏ vẻ rất đau đớn, ông hiểu ý, nói vài lời an ủi và bảo hổ ngang cổ ra. Thiền sư co tay đấm vào cổ hổ liên tiếp ba cái. Lập tức, con hổ khạc mấy tiếng, từ trong miệng văng ra một cục xương lớn. Bùi Thiền sư xoa đầu hổ, dặn dò phải ăn uống cẩn thận. Hổ cúi đầu vâng lời rồi lui ra. Hôm sau, hổ bắt một con heo rừng to đem đến dâng tặng ân nhân để đền ơn cưu mang. Từ đó, tiếng đồn vang xa. Thiền sư như một chúa tể vùng Thất Sơn. Bùi Thiền sư cùng với Quản cơ Trần Văn Thành là hai đệ tử nổi tiếng đánh Pháp của Phật thầy Đoàn Minh Huyên cùng thời với Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Trung Trực...
HỔ GIỮ NHÀ
Tại một vùng thuộc Brazil, dân cư luôn sống trong tình trạng bất ổn bởi nạn trộm cướp hoành hành. Cảnh sát địa phương đã làm hết sức mình mà tình hình vẫn không có gì sáng sủa. Có một gia đình đã thuần dưỡng một con hổ cái và nuôi nó trong khuôn viên gia đình mình. Họ đặt tên cho con hổ là Samba - tên một vũ điệu được yêu thích nhất của người Brazil. Suốt ngày đêm, Samba có nhiệm vụ gác cổng và tuần hành khắp khuôn viên của căn nhà. Chủ nhân căn nhà này khi về đến nhà thường lấy thức ăn thưởng cho Samba. Khi được thưởng, Samba thường vẫy đuôi và gật đầu để chào mừng và cảm ơn. Khi có người lạ đến nhà, nếu không có chủ nhân cho phép vào nhà và ra hiệu bảo với Samba rằng đó là khách thì cô hổ sẽ trừng mắt lên nhìn người lạ khiến ai cũng hết hồn mà lui ra. Nhiều người từng đem thức ăn dụ dỗ Samba nhưng cô hổ tuyệt nhiên không ăn và thường gầm lên rất dữ dội. Samba thường nhìn và ngửi để phân biệt người quen, người lạ và cô hổ không phân biệt sai bao giờ!