Chuyện ly cà phê từ Mỹ qua châu Âu
Việc tiếp theo Việt Nam cần làm là đầu tư và đầu tư về mọi mặt mới nâng được giá trị xuất khẩu cà phê quý giá của mình; chứ cứ xuất thô hạt xanh như hiện nay thì thật là phí…
Từ Los Angeles qua Miami
Xuống Sân bay Quốc tế Los Angeles, nhà ga Tom Bradley để nhập cảnh vào Mỹ và sau đó là một trải nghiệm nhớ đời khi chúng tôi xem chỉ dẫn và đinh ninh có thể tìm được làn đón xe công nghệ hay bus, tàu để về trung tâm TP. Los Angeles - nơi đặt phòng. Một hồi loay hoay và hỏi qua hỏi lại thì mới biết là không thể đón xe ngay tại sân bay và phải đi bus kết nối qua bãi đón xe cách đó cả chục km chứ không ít.
Sau cảm giác khoan khoái khi đặt chân đến khu trung tâm thành phố thiên thần là nỗi thèm cà phê trỗi dậy. Điều có thể thấy là ở khắp nước Mỹ không có quá nhiều quán cà phê như Việt Nam, nên ly cà phê đầu tiên của tôi chính là ly cà phê khách sạn.
Ly cà phê khách sạn đầu tiên ở Mỹ điển hình với màu nâu đen, độ đậm rất vừa phải nếu không muốn nói là hơi loãng và nó thanh hơn, nhạt hơn ly cà phê có thể thấy ở các khách sạn Việt Nam. Bạn quản lý của khách sạn cho biết, hầu như các khách sạn ở Mỹ chỉ lấy cà phê của vài nhà cung cấp với những chuẩn khá rõ, nên hương vị các ly cà phê này gần giống nhau là dễ hiểu.
Ly cà phê tiếp theo là ở Starbucks cạnh khách sạn, có một sân nho nhỏ nhìn xéo qua Tòa thị chính Los Angeles. Và hương vị cà phê Starbucks ở đây cũng như khắp các thành phố nước Mỹ mà sau này chúng tôi đi qua như Las Vegas, Orange County… Dallas, Orlando, Tampa, Miami… đều khá giống nhau - một biểu hiện của nguồn cung ổn định và việc quản lý chất lượng quá tốt. Vị đậm trung bình, ít đắng hơn espresso của các quán cùng hệ thống mà ở Việt Nam hay các nước Đông Nam Á.
Và tinh hoa nhất về cà phê chính vẫn là các quán Boutique Coffee chuyên nghiệp, có đủ chủng loại từ espresso, americano… đến latte, capuccino… hương vị tuyệt vời và độ êm dịu bởi chúng được kha chủ yếu bằng hạt Arabica của cà phê nhập khẩu từ Nam Mỹ. Cậu chủ một quán cà phê như thế ở khu downtown Miami nói cùng lúc 2 thứ tiếng Anh và Tây Ban Nha liến thoắng: “Dân Mỹ uống nhiều cà phê lắm, có đến 13% dân số Mỹ uống hơn 6 ly cà phê mỗi ngày đấy, ghê không! Mà cà phê tụi tao nhập vào Mỹ chủ yếu vẫn đến từ Nam Mỹ: Brazil, Colombia… còn Việt Nam cũng khá đấy, khoảng cách địa lý xa thế mà giờ đứng đâu đó thứ ba về xuất khẩu cà phê vào Mỹ rồi đấy. Chứng tỏ tiềm năng cà phê Việt Nam vào Mỹ còn nhiều, không cần phải lo ngại về khoảng cách địa lý xa xôi tới nước Mỹ. Cố lên Việt Nam!”.
Cà phê trên hành trình Pháp - Thụy Sĩ - Ý
Ly cà phê Mỹ thường rất lớn, đúng kiểu “khẩu phần Mỹ” mà. Nhưng ở châu Âu, từ Pháp qua Thụy Sĩ, Ý… ly cà phê khá bất ngờ lại tương đối nhỏ. Ngay các cửa hàng cà phê cạnh các trạm nghỉ, trạm xăng ven đường cao tốc đều có bán đồ uống.
Ở Ý, trên đường từ biên giới Pháp - Ý đến TP. Milan, rồi từ Florence đến Rome, có vô số chặng nghỉ như vậy và ở đó, trên các quầy kệ bày la liệt rượu vang Ý đủ loại, thì tầm từ 5 EUR trở đi là có một chai vang Ý phân hạng DOC, dung lượng 750ml, tầm từ 10 EUR là có một chai vang Ý phân hạng cao nhất DOCG… trong khi đó “ngã” vào hàng cà phê ngay bên cạnh, với 5-6 EUR chỉ được một ly cà phê bé xíu, dung lượng bằng 1 shot và không đủ đậm đặc để đánh tan cơn buồn ngủ. Thêm nữa, cà phê ở châu Âu chắc không có khái niệm uống với đá viên, nên càng phát thèm và nhớ cà phê Việt Nam! Còn mấy anh em đi cùng thì nói: “Thì ra ở đây cà phê đắt gấp mấy lần rượu vang thượng hạng của họ ấy chứ không đùa!”.
Cậu giám đốc ẩm thực của khách sạn Mercure nơi chúng tôi ở khi lưu lại Paris nói: “Vừa đọc báo xong, thấy Việt Nam đang đứng thứ nhì trong số các nước xuất khẩu cà phê vào châu Âu đấy, đứng thứ nhất là Brazil chỉ tầm hơn 900.000 tấn/năm còn Việt Nam nhà các ông cũng tầm hơn 700.000 tấn/năm rồi. Việt Nam cố lên không khéo còn soán ngôi Brazil được đấy!
Nhưng một bạn Thụy Sĩ khác mà chúng tôi nói chuyện bên hồ Geneve Thụy Sĩ, vốn làm trong ngành quản lý nhà hàng 18 năm thì nói, nếu về khối lượng xuất khẩu cà phê Việt Nam đang đứng thứ nhì thế giới là giỏi quá rồi, nhưng nếu về giá trị xuất khẩu cà phê thì Thụy Sĩ này, không trồng được cây cà phê nào (vì nằm ngoài coffee belt) lại đứng thứ nhì thế giới còn Việt Nam đứng thứ 5 về giá trị cơ. Vậy nên việc tiếp theo Việt Nam cần làm là đầu tư và đầu tư về mọi mặt mới nâng được giá trị xuất khẩu cà phê quý giá của mình; chứ cứ xuất thô hạt xanh như hiện nay thì thật là phí…
(*) Chủ tịch HĐQT NBN Media