Ứng dụng công nghệ 4.0, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ giành lợi thế

HỒNG NGA| 09/04/2018 09:25

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đem lại lợi thế cho doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ trong việc tiếp cận khách hàng, khai thác thị trường...

Ứng dụng công nghệ 4.0, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ giành lợi thế

Công nghệ 4.0 giúp doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khai phá thị trường. Ảnh: X.Thảo

Cạnh tranh dịch vụ

Nếu như Singapore có tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm lên đến 80%, Malaysia 75% thì Việt Nam chỉ mới có 8% - một khoảng trống rất lớn cho doanh nghiệp khai thác. Và không bỏ lỡ cơ hội, các doanh nghiệp bảo hiểm đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 để đến gần hơn với khách hàng. 

Nhanh nhạy trong xu hướng này có thể kể đến Prudential Việt Nam. Từ cuối năm 2016 đến nay, Prudential Việt Nam đã xây dựng nhiều chương trình hoạt động hướng vào nhóm khách hàng trẻ thông qua các kênh digital, như bán hàng trực tuyến, biên nhận thu phí điện tử, ứng dụng đặt lịch hẹn với chuyên viên tài chính qua smartphone Match Book...

Link bài viết

Doanh nghiệp này còn dùng trí tuệ nhân tạo PruBot - Chatbot vào việc tư vấn cho khách hàng. Prubot sẽ tự động trả lời, xử lý những tình huống được lập trình trước đó và không ngừng tự học trong quá trình tương tác với khách hàng.

Ông Phương Tiến Minh - Phó tổng giám đốc Công ty Prudential Việt Nam cho biết: "Prudential vẫn duy trì và củng cố thế mạnh tư vấn viên truyền thống. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu mới của nhóm khách hàng thành thị trong thời đại kỹ thuật số, Prudential không ngừng tích hợp công nghệ hiện đại nhằm mang đến cho người dùng trải nghiệm tốt nhất khi mua bảo hiểm nhân thọ".

Cũng trong xu hướng đó, Công ty AIA Việt Nam đã tích hợp ứng dụng iMO và nhiều dịch vụ số hóa như iPad iPoS, cổng thông tin khách hàng MyPage, thanh toán phí bảo hiểm trực tuyến. Những công nghệ số hóa này đặc biệt thu hút khách hàng Gen Y (độ tuổi từ 20 - 29).

Công ty Bảo Việt Nhân Thọ thì áp dụng công nghệ vào tư vấn bán hàng, thanh toán, và gần đây triển khai chương trình ưu đãi khách hàng đăng ký nhận tư vấn và tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thông qua Facebook.

Cùng với việc đầu tư, trang bị công nghệ theo xu hướng 4.0, các doanh nghiệp gia tăng năng lực tài chính, đáp ứng nhu cầu kinh doanh ngày càng tăng. Theo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, trong năm 2017 có đến 9 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tăng vốn điều lệ. Trong đó, Manulife Việt Nam tăng từ 1.820 tỷ đồng lên 5.720 tỷ đồng, trở thành công ty bảo hiểm nhân thọ có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.

Theo báo cáo của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), năm 2017, thị trường bảo hiểm nhân thọ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt trên 66.000 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2016. Trong đó, doanh thu khai thác đạt 22.558 tỷ đồng, tăng 28,7%, số lượng hợp đồng có hiệu lực đạt 7.447.242, tăng 16,4% so với năm 2016.

Bảo Việt Nhân Thọ đứng đầu thị trường với 26,34% thị phần. Vị trí thứ hai thuộc về Prudential Việt Nam với 24,48% thị phần. Manulife Việt Nam đứng thứ 3 với 12,27% thị phần, tiếp đến là Dai-ichi Việt Nam với 12,16%, AIA 9,5% thị phần.

Kế đó là Dai-ichi Life Việt Nam với vốn điều lệ từ 2.153 tỷ đồng lên 5.408 tỷ đồng. Công ty Generali Việt Nam từ 2.183 tỷ đồng lên 3.523 tỷ đồng, AIA Việt Nam tăng từ 1.264 tỷ đồng lên 3.224 tỷ đồng, Chubb Life tăng từ 1.165 tỷ đồng lên 1.245 tỷ đồng.

Ông Paul Nguyễn - Tổng giám đốc Manulife Việt Nam cho biết, việc tăng vốn điều lệ là cơ sở để Manulife tiếp tục cải tiến dịch vụ, phát triển các ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc chăm sóc và phục vụ khách hàng.

Gỡ "nút thắt" bồi thường

Lâu nay, các vấn đề liên quan đến hợp đồng, thanh toán, bồi thường bảo hiểm thường bị khách hàng phàn nàn, nhưng nay nhiều doanh nghiệp bằng việc ứng dụng công nghệ đã dần gỡ được "nút thắt" này. Điển hình là Generali Việt Nam. Mới đây, doanh nghiệp này đã làm "cuộc cách mạng" về giải quyết quyền lợi bảo hiểm bằng việc ra mắt ứng dụng GenClaims.

Điểm độc đáo của dịch vụ này là khách hàng không cần đến văn phòng của Generali, không cần chờ đến khi Generali nhận được chứng từ gốc, mà chỉ cần mất 5 phút để gửi yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm (qua tin nhắn), chờ 30 phút để nhận được phản hồi và nếu yêu cầu được chấp nhận thì sẽ chi trả trong vòng 24 giờ đồng hồ.

Cùng với GenClaims, Generali Việt Nam mở rộng dịch vụ thanh toán phí bảo hiểm (phí định kỳ, phí đóng thêm vào hợp đồng, hoàn trả tạm ứng đóng phí tự động, tạm ứng tiền mặt, các khoản phí bảo hiểm phát sinh khác) thuận tiện hơn thông qua mạng lưới hơn 5.000 điểm giao dịch của Payoo.

Bà Tina Nguyễn - Tổng giám đốc Generali Việt Nam chia sẻ, sau hơn 6 tháng triển khai hệ thống khảo sát mức độ hài lòng của khách hàng - GENPS và trực tiếp lắng nghe ý kiến phản hồi của khách, Công ty đã thực hiện ngay một số cải tiến nhằm mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Việc đơn giản hóa quy trình, thủ tục liên quan đến giải quyết quyền lợi bảo hiểm là một trong những ưu tiên hàng đầu của Công ty.

Cũng như thế, Prudential Việt Nam đẩy nhanh quy trình, tốc độ giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng bằng việc đa dạng hóa kênh tiếp nhận hồ sơ. Cùng lúc đó, các ứng dụng công nghệ hiện đại đã triển khai giúp rút ngắn quy trình, tiết kiệm thời gian tối đa cho khách hàng.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Steve Clark - Tổng giám đốc Công ty Prudential Việt Nam cho rằng, chi trả quyền lợi bảo hiểm nhanh chóng, đơn giản, minh bạch là điều khách hàng đặc biệt quan tâm. Vì thế, thay vì phải chờ đợi đến 30 ngày mới nhận được chi trả bồi thường, thông qua việc cải tiến, ứng dụng công nghệ, quy trình được rút ngắn đáng kể.

Với một số trường hợp đặc biệt, quy trình chi trả đã được giải quyết trong vòng 30 phút. "Đây chính là nguyện vọng của khách hàng và cũng là sự cam kết của Prudential luôn hỗ trợ tài chính kịp thời cho khách hàng khi rủi ro bất ngờ đến", ông Steve Clark khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ứng dụng công nghệ 4.0, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ giành lợi thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO