Các loại nấm của Nhật Bản liên tục được nhập về Việt Nam |
Nấm Nhật tiếp cận người dùng Việt
Giữa tháng 10, doanh nghiệp Tú Phượng (Tony Pruit) công bố trở thành nhà nhập khẩu chính thức nấm maitake của Công ty Yukiguni Maitake (Nhật Bản). Đây là loại nấm được sử dụng phổ biến trong các bữa ăn hằng ngày ở Nhật nhờ các tác dụng dược lý, đặc biệt tốt cho hệ thống miễn dịch. Bên cạnh đó, maitake rất hữu ích trong việc giảm cân, ngăn ngừa và điều trị ung thư, giảm tác dụng phụ của hóa trị.
Theo đại diện của Tú Phượng, nhận thấy nhu cầu dùng nấm đang tăng cao và nấm maitake rất tốt cho sức khỏe nên Công ty nhập về bán. Thời gian đầu, Tú Phượng không đặt nặng vấn đề lợi nhuận mà chủ yếu giới thiệu đến người tiêu dùng, tiếp cận thị trường thông qua các hệ thống phân phối là siêu thị, nhà hàng, khách sạn.
Trước đó, trong tháng 8/2018, nấm shiitake (nấm hương hoặc nấm đông cô) của Nhật cũng đã được một doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm đưa về Việt Nam theo đường chính ngạch. Nấm có giá lên đến 8 triệu đồng/kg. Shiitake được trồng nhiều tại tỉnh Oita, miền Nam nước Nhật, với sản lượng chiếm 50 - 55% thị phần nấm shiitake tại Nhật Bản.
Trên thực tế, shiitake đã được bán tại Việt Nam nhiều năm trước đây thông qua đường xách tay và được cam kết là "hàng xách tay chính hãng từ Nhật Bản".
Thị trường có thêm matsutake (nấm tùng nhung) - loại nấm được cho là đắt đỏ nhất thế giới với giá bán lên đến 30 triệu đồng/kg. Loại nấm này được cho là có những dưỡng chất giúp chống ung thư và giảm đường trong cơ thể - nguyên nhân gây lão hóa hàng đầu ở phụ nữ. Sản phẩm mới được sử dụng tại các nhà hàng, khách sạn lớn.
Theo các chuyên gia, không chỉ bổ dưỡng, lành tính mà còn có hương vị thơm ngon nên nấm đang rất được ưa chuộng. Mỗi năm, người dân thế giới dùng khoảng 20 triệu tấn nấm, thị trường tiêu thụ nấm nhiều nhất là Mỹ, Nhật, Đài Loan và các nước châu Âu.
Ông Masafumi Yuzawa - Giám đốc Điều hành Công ty Yukiguni Maitake cho biết, nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á có thói quen ẩm thực gần giống với Nhật. Tại Việt Nam, nhu cầu sử dụng nấm trong chế biến thực phẩm đang tăng cao. Lẩu nấm và các món ăn chế biến từ nấm đã hiện diện trong thực đơn của hầu hết các nhà hàng, quán ăn, và thậm chí đã có hệ thống nhà hàng chuyên về lẩu nấm. Thông qua Tú Phượng, đến cuối năm nay, Yukiguni Maitake xuất khẩu sang Việt Nam 4 container nấm maitake.
Cũng theo ông Masafumi Yuzawa, ẩm thực Việt Nam gần giống ẩm thực Nhật, khoảng cách địa lý giữa Nhật và Việt Nam không quá xa, doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều là những lý do để Yukiguni Maitake thâm nhập thị trường Việt Nam vào thời điểm này.
Hiện nay, người Nhật sử dụng nấm rất nhiều trong các bữa ăn hằng ngày và cả trong hỗ trợ điều trị bệnh. Nấm maitake đang được ưa chuộng ở Nhật vì có nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Mỗi năm, Công ty nuôi trồng và đưa ra thị trường 20.000 tấn nấm maitake. Không chỉ tiêu thụ nội địa, Yukiguni Maitake đã xuất khẩu nấm sang nhiều nước châu Á như Malaysia, Thái Lan và nay là Việt Nam.
Không dừng lại ở những tên tuổi trên, các doanh nghiệp chuyên về nấm của Nhật vẫn liên tục tiếp cận thị trường Việt Nam. Trong chương trình Kết nối thương mại thực phẩm và nông lâm thủy sản Nhật Bản hồi tháng 7 năm nay, có 34 doanh nghiệp Nhật mang đến Việt Nam những sản phẩm thủy hải sản tươi sống và chế biến, trái cây, nấm, thực phẩm trẻ em, thực phẩm chức năng... Trong đó có 12 doanh nghiệp muốn mở rộng kênh phân phối, 22 doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm hoàn toàn mới tại thị trường Việt Nam.
Nấm nội lép vế
Không chỉ có nấm nhập khẩu từ Nhật, nấm từ các nước Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc... vẫn tăng cường hiện diện tại Việt Nam. Trong đó, thuế nhập khẩu mặt hàng nấm từ Hàn Quốc vào Việt Nam đã về 0% từ năm 2015 theo biểu thuế ưu đãi đặc biệt theo lộ trình của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc giai đoạn 2015 - 2018. Với lợi thế này, nấm Hàn Quốc về Việt Nam ngày càng nhiều và giá bán rẻ hơn trước đây.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từng đặt ra mục tiêu "phấn đấu đến năm 2020, việc sản xuất và tiêu thụ nấm tăng lên 1 triệu tấn/năm, tạo thêm 1 triệu việc làm cho lao động nông thôn và đưa giá trị xuất khẩu nấm lên 450 - 500 triệu USD/năm".
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc này rất khó thực hiện. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hạn chế về kỹ thuật, chủ yếu sản xuất theo kiểu thủ công. Hơn nữa, để sản xuất nấm sạch, doanh nghiệp phải đầu tư đến 30 - 40 tỷ đồng cho nhà xưởng, thiết bị công nghệ, giống..., là khoản kinh phí không nhỏ đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam.
Đánh giá cao tiềm năng thị trường, nhiều nhà sản xuất Mỹ, Nhật, Đức, Đài Loan đến Việt Nam tìm hiểu về tình hình sản xuất nấm, đặt vấn đề mua hàng và hợp tác đầu tư vào ngành này. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp "liên kết nội - ngoại" ra đời. Doanh nghiệp Việt Nam chỉ trồng được khoảng 10 loại nấm như nấm hương (đông cô), nấm rơm, nấm mèo, nấm mỡ, nấm bào ngư...
Vì chủ yếu sản xuất thủ công nên nấm chỉ bảo quản được 3 ngày, áp dụng phương pháp sơ chế hiện đại cũng chỉ đến 7 ngày. Trong khi đó, các loại nấm nhập từ các nước có thời hạn sử dụng 20 ngày, thậm chí một số loại lên đến 3 tháng. Với những hạn chế như vậy nên nấm trong nước chỉ một số ít bán nội địa, số còn lại xuất khẩu theo dạng thực phẩm chế biến đóng hộp, thực phẩm muối.
Các thống kê thị trường cho thấy hiện nay, nấm Nhật, Hàn Quốc chiếm lĩnh các kênh nhà hàng, khách sạn, còn nấm của Trung Quốc chiếm kênh chợ, siêu thị. Trên kệ hàng của các siêu thị hiện nay, chủ yếu là các loại nấm kim châm, đùi gà, nấm mỡ, linh chi... đến từ Trung Quốc.
Không chỉ "lép vế" về kênh phân phối, nấm Việt còn "lép vế" cả về giá. Chẳng hạn như nấm hương trồng trong nước có giá khoảng 100.000 đồng/kg, trong khi nấm hương Nhật Bản có giá lên đến 8 triệu đồng/kg. Điều đáng nói là các loại nấm nhập mặc dù giá khá đắt nhưng vẫn được nhiều người tiêu dùng đón nhận.