Gỡ khó cho doanh nghiệp thủy sản

Kim Oanh| 05/05/2020 07:51

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới đã ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, khiến doanh nghiệp ngành này gặp rất nhiều khó khăn.

Gỡ khó cho doanh nghiệp thủy sản

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), quý I/2020, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 1,62 tỷ USD, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, những thị trường giảm nhiều nhất là Trung Quốc (27%), EU (16%), Hàn Quốc (11%), một số nước ASEAN (gần 7%), trong khi xuất khẩu sang các thị trường khác tăng trưởng nhẹ, như Nhật Bản tăng 2%, Mỹ tăng 1,2%. Trong nhóm 4 sản phẩm chủ lực, xuất khẩu cá tra giảm mạnh nhất, trên 29%, mực bạch tuộc giảm 24%, cá ngừ giảm 10%, trong khi xuất khẩu tôm tăng 1,8%. 

Đơn hàng bị tạm hoãn, dừng, hủy khá cao

Theo báo cáo của VASEP, đối với các đơn hàng đã ký, việc giao hàng diễn ra bình thường chỉ chiếm 30 - 50%. Trong khi đó, tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu tạm hoãn và tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu dừng hoặc hủy khá cao, lần lượt là 20 - 40% và 20 - 30%. Việc ký kết các đơn hàng mới cũng rất khó khăn, đặc biệt là ở nhóm thị trường chính như Mỹ, Nhật, các nước EU. Nhiều doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ gần như không có đơn hàng mới trong quý II, quý III/2020, một số DN khác có được đơn hàng mới nhưng không nhiều. 

Theo VASEP, do khó khăn trong xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa chậm nên DN thủy sản gặp nhiều khó khăn trong thanh toán từ khách hàng, có nhiều khách hàng yêu cầu lùi thời gian thanh toán đến vài tháng. Vì vậy, DN không xoay vòng được vốn và trả tiền vay ngân hàng. Bên cạnh đó, DN phải “gánh” nhiều loại chi phí như phí chuyển tiền trong và ngoài nước, phí xử lý bộ chứng từ, phí điều vốn, phí L/C, phí quản lý tài khoản, phí hồ sơ xuất khẩu, phí giao dịch, phí điện, phí gởi hồ sơ, phí báo có. Mặt khác, còn bị phát sinh nhiều khoản chi phí mới như chi phí thay đổi hành trình của tàu, thay đổi cảng đến, chi phí lưu container tại cảng, chi phí mua trang thiết bị y tế để phòng tránh dịch Covid-19 như khẩu trang y tế, nhiệt kế, dung dịch sát khuẩn.  

Giải pháp tháo gỡ khó khăn

Theo báo cáo đánh giá tác động của các giải pháp hỗ trợ DN ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ VASEP, ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng, một số DN được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ. Nhưng việc thực hiện chưa đồng đều tại các địa phương và các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Một số ngân hàng đã hạ lãi suất vay cho DN, nhưng một số ngân hàng chưa thực hiện vì còn chờ chỉ đạo từ hội sở chính. Mặt khác, chính sách này chỉ đang áp dụng đối với khoản vay VND mà không áp dụng cho các khoản vay bằng USD, trong khi với DN xuất khẩu, nhu cầu vay vốn bằng tiền USD rất cao. Còn với một số DN trước đó đã gặp khó khăn về vốn và chậm khả năng thanh toán các khoản vay với ngân hàng nên đã bị cho vào nhóm nợ 2 (nợ bị quá hạn thanh toán trước 30 ngày). Khi đó, DN sẽ không được áp dụng các chính sách về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Theo VASEP, trước mắt, để hỗ trợ DN giảm bớt áp lực và khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, tạo điều kiện phục hồi sản xuất, xuất khẩu, DN thủy sản đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành một số nội dung. Trong đó kiến nghị các tổ chức tín dụng, ngân hàng thực hiện đồng nhất các chính sách mà Ngân hàng Nhà nước đã ban hành, như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, giảm các mức phí thanh toán, phí chuyển tiền ngoài hệ thống. Kiến nghị ban hành bổ sung các chính sách hỗ trợ đối với đồng USD cho DN xuất nhập khẩu tương tự như các chính sách hỗ trợ bằng VND. Triển khai các chính sách hỗ trợ trong giai đoạn này đối với tất cả DN, không phân biệt nhóm nợ, loại hình của DN. Trong trường hợp bị cách ly hoàn toàn, đề nghị các khoản nợ tại ngân hàng của DN trong thời gian cách ly không bị tính lãi vay và không tính thời gian vào thời hạn cho vay. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gỡ khó cho doanh nghiệp thủy sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO