Tại buổi lễ, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP cho biết, bất chấp các nước gia tăng rào cản kỹ thuật, tăng thuế chống bán phá giá, thậm chí tung các chiêu "nói xấu", nhưng kết thúc năm 2017, ngành thủy sản vẫn đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu 8,3 tỷ USD, cao nhất kể từ khi thủy sản Việt Nam tham gia vào thị trường thế giới.
Trong những nỗ lực lớn hơn, năm 2018, thủy sản Việt Nam nhắm đến cột mốc kim ngạch mới là 8,5 tỷ USD.
* Từ đầu năm 2017, VASEP đã có những dự báo không mấy tích cực về kinh doanh nhưng đến cuối năm lại đạt kết quả cao. Tại sao vậy, thưa ông?
- Năm 2017, trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu có những tác nhân tác động mạnh đến giá trị kim ngạch: phần tăng trưởng liên quan đến giá và các mặt hàng giá trị gia tăng. Có nghĩa, sản lượng bán có thể không thay đổi nhiều, nhưng chính việc đưa ra thị trường nhiều mặt hàng chế biến sâu vốn có giá bán tốt, cộng thêm yếu tố thuận lợi do giá thị trường đã dẫn đến kết quả kinh doanh tốt.
Một tác nhân nữa, dù chưa thật lớn là thị trường châu Âu đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc khống chế chất kháng sinh, nên các nhà nhập khẩu, phân phối và người dân đã quay trở lại tiêu dùng mạnh các loại thủy sản của Việt Nam, đã góp phần vào tăng trưởng chung giá trị kim ngạch.
* Theo ông thì mặt hàng thủy sản nào đem lại giá trị cao nhất?
- Để nói mặt hàng nào đạt giá trị cao nhất thì rất khó xác định, nhưng năm 2017, riêng con tôm đã đem lại lượng ngoại tệ gần 3,8 tỷ USD, đặc biệt trong đó là các mặt hàng chế biến sâu từ tôm chiếm tỷ trọng hơn 50%.
Điều này cho thấy thị trường thế giới đang hút các mặt hàng giá trị gia tăng và đây tiếp tục là xu thế mà các doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực thực hiện để làm sao trên cùng một đơn vị sản phẩm có được giá bán tốt nhất.
* Các yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến ngành thủy sản Việt Nam vẫn còn nguyên. Liệu năm 2018 có đạt được mục tiêu xuất khẩu?
- Rào cản kỹ thuật từ các nước vẫn liên tục xuất hiện. Điều quan trọng là doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực, kiên trì thực hiện các biện pháp nuôi, đánh bắt, chế biến sao cho hạn chế tối đa tác động tiêu cực từ những rào cản đó. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn có sự đồng hành, sát cánh của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương trong quá trình giải quyết các vấn đề tồn đọng hiện nay, như hóa chất kháng sinh, tạp chất, khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không được quản lý (Illegal, Unreported and Unregulated Fishing - IUU).
Theo tôi, với việc nắm bắt và nỗ lực giải quyết các vấn đề nói trên, cùng với đó là các điều kiện thuận lợi nếu như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết sớm thì càng tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn cho cộng đồng xuất khẩu thủy sản. Cho nên, việc thực hiện mục tiêu giá trị kim ngạch xuất khẩu 8,5 tỷ USD trong năm 2018 hoàn toàn có thể đạt được.
Năm 2018, mặt hàng tôm chắc chắn vẫn chiếm ưu thế vì năm 2017 đã chiếm 46% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Với cá tra, tình hình kinh doanh sẽ theo chiều hướng phục hồi chậm nhưng khả năng vẫn có thể đạt mức 1,8 - 2 tỷ USD trong năm nay.
* Nhưng mặt hàng tôm có sự cạnh tranh rất lớn giữa các nước...
- Thị trường tôm vẫn cạnh tranh mạnh mẽ lâu nay giữa Việt Nam và 2 đối thủ chính là Ấn Độ và Thái Lan. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể cạnh tranh song phẳng vì có nhiều lợi thế về quy trình và công nghệ nuôi, chế biến đã được đầu tư khá bài bản từ lâu và hiện đang phát huy tác dụng.
Trong khi đó, xu thế thị trường thế giới với mặt hàng tôm là chế biến sâu. Và như vậy giá trị gia tăng của con tôm càng tăng nên khả năng giành thị phần của các doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn.
* Theo ông, các doanh nghiệp thủy sản cần làm gì trong năm nay để có kết quả kinh doanh tốt nhất?
- Nói đến xuất khẩu thủy sản là nói đến chất lượng. Đây là yếu tố sống còn để phát triển. Khi có sản phẩm tốt, an toàn chắc chắn có thị phần tốt trên thị trường.
Thị trường Trung Quốc tiếp tục là bệ đỡ tăng trưởng cho doanh nghiệp nhưng cần lưu ý không nên đẩy mạnh xuất khẩu bằng mọi giá, mà cần đánh giá đúng nhu cầu để cung cấp những sản phẩm phù hợp và nên đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch.
Với thị trường Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam phải tạo niềm tin về chất lượng để vượt qua các rào cản kỹ thuật của nước này.