Bắt tay vào nền kinh tế tuần hoàn

Hồng Nga| 17/08/2019 00:16

Việt Nam đang bắt đầu với mô hình phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, cần phải thay đổi triệt để tư duy cùng những chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN).

Bắt tay vào nền kinh tế tuần hoàn

Con người đang sống trong nền kinh tế tuyến tính, hàng hóa được sản xuất từ tài nguyên thiên nhiên, được bán ra thị trường, được tiêu thụ, sau đó thải ra môi trường. Mô hình này dẫn đến việc khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách vô tội vạ và tạo ra lượng chất thải khổng lồ. Nhưng với nền kinh tế tuần hoàn (Circular Economy - CE), các nhà sản xuất chú trọng kéo dài thời hạn và tận dụng tối đa giá trị sử dụng của tài nguyên, sau đó quản lý và tái tạo những sản phẩm, tài nguyên này vào cuối vòng đời sử dụng. Mô hình CE giúp giảm phát thải, thúc đẩy sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng, góp phần giải quyết sự khan hiếm và bảo tồn tài nguyên, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế. 

Hàng ngàn tỷ USD từ CE

kinh-te-tuan-hoan-02-7313-1566011776.jpg

Theo bà Lê Thị Ngọc Mỹ - Giám đốc phát triển bền vững Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam, vào năm 2025, khi dân số thế giới tăng lên 8 tỷ người thì lượng rác thải nhựa sẽ nhiều hơn số cá có trong đại dương. Để giải quyết vấn đề này, chỉ có một hướng là đi theo mô hình CE.Theo nghiên cứu của Accenture Strategy, mô hình CE có thể mở ra cơ hội thị trường trị giá lên tới 4.500 tỷ USD, tạo hàng triệu việc làm cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030

Tại Việt Nam, các DN lớn đã bắt đầu thực hiện mô hình CE và đã mang lại những hiệu quả nhất định. Chẳng hạn, mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Ninh Bình, Cần Thơ, Đà Nẵng giúp tiết kiệm 6,5 triệu USD/năm. Hay như Công ty Heineken Việt Nam có những sáng kiến giúp giảm phát thải, trong đó gần 99% phế thải hoặc phụ phẩm được tái sử dụng hoặc tái chế. Những phụ phẩm điển hình của quá trình sản xuất bia như bã hèm, men thừa hay bùn lắng sau quá trình xử lý nước thải đều được tái sử dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc phân bón cho cây trồng. Các nguyên vật liệu khác như thủy tinh, giấy bìa, nhôm, nhựa được tái sử dụng hoặc tái chế. Hiện có đến gần 100% chai bia thủy tinh của Heineken Việt Nam được thu hồi để tái sử dụng trước khi được tái chế tại nhà máy thủy tinh vào cuối vòng đời sản phẩm. DN này cũng đã thu gom nắp chai bia, tái chế thành sắt nguyên liệu, làm vật liệu xây cầu cho cộng đồng tại Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, 4 trên 6 nhà máy bia của Heineken Việt Nam sử dụng nhiệt năng từ năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh khối, không phát thải carbon. Năm 2018, bằng cách tối ưu hóa và cải tiến hoạt động vận tải, Heineken Việt Nam giảm được 2.500 tấn phát thải CO2 trong khâu kho vận.

Cũng như thế, từ năm 2014, Ajinomoto Việt Nam đưa vào vận hành lò hơi sinh học (sử dụng trấu ép - phụ phẩm nông nghiệp làm nhiên liệu) cung cấp hơi nước cho sản xuất. Việc chuyển đổi sử dụng hóa thạch sang nhiên liệu sinh học giúp cắt giảm 25% lượng khí CO2 thải ra môi trường. Công ty còn đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung và nước sau xử lý đạt quy chuẩn Việt Nam. Chương trình “Không phát thải” bằng 3T (tiết giảm, tái chế, tái sử dụng) đã thu hồi và tái chế 99,97% lượng chất thải rắn toàn công ty. 

Nestlé thì sản xuất gạch không nung từ rác thải lò hơi, chế biến phân bón từ bùn thải không nguy hại, sử dụng vỏ hộp sữa làm tấm lợp sinh thái. Tập đoàn này công bố kế hoạch tái chế và tái sử dụng 100% bao bì sản phẩm đến năm 2025. 

Tương tự, Công ty NS BlueScope Việt Nam áp dụng mô hình CE gồm tiết giảm, tái sử dụng, tái sản xuất, tái chế. Trong đó, sản phẩm tua-bin gió bằng thép giúp công ty tăng đáng kể tỷ suất hoàn vốn, giá thành sản phẩm đến tay khách hàng rẻ hơn từ 25-50%, tiết kiệm 80% năng lượng và rút ngắn thời gian sản xuất. 

Trong khi đó, các hoạt động CE của Schneider Electric chiếm 12% doanh thu, dự kiến tiết kiệm 100.000 tấn tài nguyên trong giai đoạn 2018-2020 cho tập đoàn này. 

Cần khung pháp lý riêng 

Theo ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dù khái niệm nền kinh tế tuần hoàn đã bắt đầu phổ biến tại Việt Nam nhưng việc ứng dụng mô hình vào thực tiễn vẫn còn hạn chế, đặc biệt là đối với các DN nhỏ và vừa. 

Cùng nhận định này, ông Phạm Hoàng Hải - Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Việt Nam cho rằng, việc tái chế, sử dụng rác thải chưa được đẩy mạnh, chưa có sự đầu tư đúng mức với ngành công nghiệp tái chế. Đối với DN, các giải pháp ngắn hạn thường thất bại, không tạo được sự khác biệt và lượng nguyên liệu cho tái chế chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với tổng sản phẩm đưa ra thị trường... Để thực hiện mô hình CE, cần phải triệt để thay đổi tư duy từ kinh tế tuyến tính sang tuần hoàn, xem rác thải là nguồn nguyên liệu mới để sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo, sản xuất sạch hơn...

Việt Nam hiện đã có những chính sách tạo điều kiện cho mô hình CE. Từ năm 2016, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (SCP). Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025 nhằm hình thành nên ngành Công nghiệp môi trường, có thể đáp ứng được các nội dung của nền kinh tế tuần hoàn. Bộ Công Thương cũng đang dự thảo Chương trình hành động Quốc gia về SCP với các giải pháp, quan điểm của nền kinh tế tuần hoàn để thực hiện trong giai đoạn 2021-2030. Ngoài ra, còn có một số chính sách liên quan như Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên môi trường, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam 2011-2020... 

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, vẫn cần xây dựng khung pháp lý cho mô hình CE. Hiện Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường đang nghiên cứu để đề xuất các chính sách hướng tới thực hiện kinh tế tuần hoàn trong mọi hoạt động. Đó là luật về kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh chi tiêu công xanh và nhà nước phải ưu tiên sử dụng các sản phẩm xanh, thân thiện môi trường. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bắt tay vào nền kinh tế tuần hoàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO