Chuyển giao quản lý doanh nghiệp gia đình: Quá trình không dễ

Song Anh| 26/06/2019 00:47

Việc chuyển giao quản lý giữa thế hệ thứ nhất với thế hệ thứ hai, thứ ba trong các doanh nghiệp gia đình đang diễn ra. Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp gia đình Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái, nói rằng: “Việc chuyển giao doanh nghiệp từ thế hệ thứ nhất sang thế hệ thứ hai là không dễ”.

Chuyển giao quản lý doanh nghiệp gia đình: Quá trình không dễ

* Không ít người trẻ kế nghiệp đã nản chí sau những cố gắng thuyết phục thế hệ đương nhiệm chấp nhận ý tưởng kinh doanh mới, phương thức quản trị doanh nghiệp mới, theo ông là vì sao?

- Tôi nghĩ, ở đây có sự khác nhau về nhận thức. Quản trị doanh nghiệp của thế hệ thứ nhất sau khi nền kinh tế đất nước đổi mới khác với cách quản trị của thế hệ kế nghiệp hiện nay. Đặc biệt là những người trẻ được đào tạo ở nước ngoài có quan điểm khác về phương thức quản trị doanh nghiệp, thậm chí là không có tiếng nói chung với chính bố mẹ mình. Họ gặp nhiều khó khăn khi thuyết phục bố mẹ chấp thuận cho áp dụng các phương thức quản trị mới và hiện đại trong doanh nghiệp gia đình. Những khó khăn này khiến việc chuyển giao từ thế hệ thứ nhất sang thế hệ thứ hai, thứ ba không hề dễ dàng, thậm chí dẫn đến nguy cơ chuyển giao không thành công trong các doanh nghiệp gia đình.

* Theo khảo sát thế hệ kế nhiệm của PwC, có đến 61% cho rằng thế hệ trước sẽ khó từ bỏ hoàn toàn kiểm soát doanh nghiệp khi chuyển giao cho con cháu. Ông bình luận thế nào về kết quả khảo sát này?

- Thực tế này đúng với các doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam hiện nay. Chuyển giao phải là một quá trình, với sự minh bạch và chia sẻ từ hai phía. Phía bố mẹ cần hiểu con cái hơn, đôi khi cần cả những cuộc đối thoại. Thậm chí, bố mẹ có thể nhờ một bên thứ ba, một công ty tư vấn chẳng hạn, để kết nối với chính con cái của mình. Cạnh đó, các con cũng phải có trách nhiệm cao trong việc giúp đỡ bố mẹ quản lý doanh nghiệp.

* Theo kinh nghiệm của ông, chuyển giao doanh nghiệp nên được thực hiện như thế nào?

- Một doanh nghiệp thiếu người kế nghiệp sẽ không phát triển được và độ rủi ro cũng cao hơn. Thế nhưng, cần có lộ trình chi tiết và những bước đi cẩn trọng. Trong lộ trình này, thế hệ đi trước một mặt tiếp tục cập nhật kiến thức, công nghệ và mô hình kinh doanh mới, cũng như tư duy quản trị hiện đại và những đột phá trong phát triển nguồn nhân lực, mặt khác, họ cần đưa lớp người kế nghiệp đi đào tạo về kiến thức kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính, nhân sự. Thế hệ đi trước cần tạo điều kiện cho con cháu thử sức ở nhiều vị trí trong và ngoài doanh nghiệp, cho phép họ tham dự các buổi họp hội đồng quản trị, hội thảo, sự kiện liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, giúp họ trưởng thành từ thực tế công việc và mở rộng mạng lưới quan hệ. Sự khích lệ và tin tưởng của cha mẹ trong việc từng bước trao cho con cái đảm nhiệm từng phần công việc là rất cần thiết.

Một điểm quan trọng nữa, nền kinh tế đang hội nhập ngày một sâu rộng, thế hệ kế nhiệm ngoài đào tạo ở trường lớp, cần tự học hỏi để kinh doanh thành công. Họ phải dám ước mơ, xây dựng hoài bão, sẵn sàng vượt khó để vươn lên, cũng như tích cực tham gia quản lý công ty để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm.

* Quá trình chuyển giao này đã được ông áp dụng với Phú Thái ?

- Tôi đã chuẩn bị để chuyển giao cho thế hệ sau, cho các con và cháu. Phú Thái đang ngày một lớn mạnh, cần đội ngũ nhân sự có năng lực, nên chúng tôi đã gửi các cháu đi đào tạo tại các trường phù hợp ở nước ngoài. Hiện nay, trong số 14 con và cháu của tôi, đã có hơn một nửa đang học tập ở nước ngoài. Tới đây, chúng tôi xem xét khả năng của từng cháu để đưa vào trải nghiệm ở những công việc phù hợp. Để sau đó, khi đã xác định khả năng của từng cháu, chúng tôi giao quản lý từng mảng trong doanh nghiệp, giúp các cháu phát huy được khả năng, đóng góp vào sự phát triển chung của Tập đoàn. 

* Cảm ơn ông! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chuyển giao quản lý doanh nghiệp gia đình: Quá trình không dễ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO