* Thưa ông, yêu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt trong giai đoạn này có ý nghĩa quan trọng như thế nào?
Chuyển đổi số mang tính sống còn đối với một số doanh nghiệp trong bối cảnh Việt Nam hội nhập rộng và nền kinh tế có độ mở lớn. Doanh nghiệp cần chuyển đổi do áp lực từ nhiều phía như áp lực cạnh tranh, từ sự thay đổi của khách hàng, từ cổ đông và ngay chính nhân viên cũng sẽ buộc các doanh nghiệp phải chuyển đổi.
Các khảo sát gần đây cho thấy, phần lớn doanh nghiệp đang gặp khó khăn do Covid-19 như nguồn lực suy kiệt hay vật lộn để duy trì hoạt động. Do đó khó có thể triển khai bất kỳ sáng kiến hoặc chuyển đổi quan trọng nào trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, với một số doanh nghiệp, giai đoạn thử thách này là cú hích để họ tư duy lại, vẫn có thể tiến hành chuyển đổi số, đứng vững và phát triển mạnh trong thời gian tới. Tôi cho rằng Covid-19 có thể khiến nhiều doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, nhưng chậm chuyển đổi số có thể khiến họ phá sản trong tương lai hoặc không thể thành công như họ đang thành công.
* Chuyển đổi số bao gồm những công việc cụ thể gì?
Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về chuyển đổi số. Có người định nghĩa thiên về công nghệ, số khác thiên về quản trị quá trình chuyển đổi. Dựa trên nhiều nghiên cứu trước, chuyển đổi số theo tôi là quá trình chuyển đổi doanh nghiệp dựa vào các công nghệ số.
Không có công thức chung và duy nhất cho việc triển khai chuyển đổi số cho mọi doanh nghiệp. Tùy vào ngành nghề, lĩnh vực hoạt động, tùy vào độ lớn của doanh nghiệp và đặc biệt là tùy vào mức độ quyết tâm của lãnh đạo doanh nghiệp mà các công việc cụ thể có thể rất khác nhau.
Một cách tổng quát, chuyển đổi số ở doanh nghiệp có thể thấy ở hai hình thức triển khai: Một là: Duy trì mô hình kinh doanh cũ nhưng thay đổi cách làm bằng cách ứng dụng công nghệ số (ví dụ tăng cường trải nghiệm khách hàng hoặc cải tổ nhiều khâu trong quá trình vận hành (transforming the core business). Hai là tìm kiếm và xây dựng mô hình kinh doanh hoàn toàn mới (build a new business model).
* Ông nhận thấy những doanh nghiệp nào tiên phong chuyển đổi số trong giai đoạn vừa qua?
Mặc dù chuyển đổi số đã được nói nhiều trên thế giới trong hơn 10 năm qua, tại Việt Nam, theo quan sát của chúng tôi, mới chỉ trở nên cấp bách trong thời gian gần đây. Vì vậy, có thể cần thêm thời gian để đưa ra nhận định cụ thể cho từng doanh nghiệp.
Chúng tôi đã nghiên cứu trên 4 nhóm doanh nghiệp (tài trợ bởi công ty KPMG) gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp Nhà nước. Các trụ cột nghiên cứu là năng lực số và năng lực quản trị chuyển đổi số.
Kết quả cho thấy nhóm doanh nghiệp nhà nước có điểm khảo thấp nhất và sau đó là đến nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cả hai nhóm doanh nghiệp này thuộc vùng mới bắt đầu, nghĩa là họ đang ở bước đầu trong hành trình chuyển đổi số. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thứ hạng cao nhất và kế đến là nhóm doanh nghiệp tư nhân lớn.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung |
* Doanh nghiệp Việt Nam có đến 97% ở quy mô nhỏ và vừa (SME). Họ thường chưa định hướng được con đường phải đi, tài chính và nhân lực đều thiếu. Vậy các SME nên bắt đầu chuyển đổi từ đâu?
Chuyển đổi số là quá trình nhiều thử thách và quá trình này càng khó hơn trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là đối với doanh nghiệp SME. Tuy vậy, chúng tôi cho rằng lãnh đạo doanh nghiệp buộc phải xem chuyển đổi số là xu thế và họ không thể đứng ngoài được.
Doanh nghiệp nên bắt đầu từ đâu? Chúng tôi cho rằng những gợi ý sau đây có thể giúp được doanh nghiệp.
Thứ nhất, lãnh đạo cần phải có tinh thần đổi mới. Họ thực sự phải trả lời thỏa đáng cho câu hỏi: Vì sao doanh nghiệp cần phải chuyển đổi số. Sẽ rất ít hy vọng cho quá trình chuyển đổi số ở các doanh nghiệp mà lãnh đạo có tuy duy như “chúng tôi vẫn rất ổn trong bao nhiêu năm qua thì tại sao phải chuyển đổi số”.
Thứ hai, lãnh đạo doanh nghiệp cần biết các năng lực cần có cho quá trình chuyển đổi số. Doanh nghiệp cần đến 6 yếu tố gồm khả năng quản trị, chiến lược số hóa, văn hóa doanh nghiệp, công nghệ và bảo mật, tạo ra giá trị từ dữ liệu, và nhân sự công nghệ.
Thứ ba, lãnh đạo doanh nghiệp cần biết ai sẽ tham gia vào quá trình này. Tuyệt đối không nên giao cho một bộ phận nào. Cách tiếp cận trong chuyển đổi số ở doanh nghiệp hay khu vực công, theo chúng tôi, phải từ trên xuống (top-down). Nghĩa là lãnh đạo cao nhất phải luôn kề vai sát cánh cùng với dàn lãnh đạo cấp trung để thực hiện. Đây quá trình là cải tổ doanh nghiệp và công nghệ là phương tiện.
Thứ tư, chiến lược chuyển đổi số của doanh nghiệp sẽ như thế nào (đang ở đâu, muốn đi tới đâu và làm sao đi tới đó, quản trị quá trình chuyển đổi số như thế nào, đo lường tiến bộ ra sao, tham vấn bên ngoài ở mức độ nào…). Việc xây dựng mô hình hoàn toàn mới là rất khó Vì vậy, hãy bắt đầu với việc tập trung cho mô hình kinh doanh hiện tại nhưng với cách làm khác dựa trên công nghệ số và dữ liệu. Ví dụ, thấu hiểu hành trình của khách hàng từ khi ra quyết định mua hàng/dịch vụ của công ty cho đến giai đoạn hậu mãi, từ đó tìm cách ứng dụng công nghệ số để làm sao trải nghiệm đó tốt hơn hiện tại.
Thứ năm là các điều kiện khác cần phải xây dựng ngay. Đó là văn hóa doanh nghiệp, xây dựng tầm nhìn chung, chấp nhận rủi ro, xác lập tính ưu tiên, an toàn dữ liệu, tính bảo mật, tính riêng tư, nhân lực số…).
Cuối cùng là doanh nghiệp không được trì hoãn. Hãy đặt mình vào vị thế những doanh nghiệp lớn và từng thất bại vì trì hoãn chuyển đổi số như Kodak để hành động ngay. Theo chúng tôi, việc chậm thay đổi trong giai đoạn hiện nay có thể tác động đến doanh nghiệp còn nặng hơn cả tác động của Covid-19.
* Nhiều doanh nghiệp thực phẩm tiêu dùng đã nhanh chóng mở rộng nền tảng bán hàng online khi xã hội buộc phải giãn cách để chống dịch. Theo đó, doanh số của họ được cải thiện đáng kể, thậm chí cao hơn khi bán qua các cửa hàng vật lý. Vậy họ có nên dừng việc chuyển đổi số lại ở khâu này vì đã đạt hiệu quả kinh doanh?
Chuyển đổi số là xu thế của thế giới. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế hiện đang chuyển đổi số theo giải pháp tình thế. Các nghiên cứu trước đã cho thấy doanh nghiệp nào đã chuyển mình theo xu thế này thì đã có kết quả rất khả quan.
Ở Việt Nam, những doanh nghiệp nhanh chóng chuyển đổi và đã có những thành công ban đầu thì đó là tín hiệu tốt. Có thể doanh nghiệp này đã nhanh nhạy và chuyển đổi cách giao nhận sản phẩm hoặc thanh toán đơn hàng. Nhưng có thể họ còn cần cải thiện trải nghiệm khách hàng, làm cho quá trình vận hành thông minh hơn và hiệu quả hơn. Xa hơn, khi làm tốt và có dữ liệu tốt, họ có thể tiến đến mô hình kinh doanh hoàn toàn mới.
* Thực tế cho thấy, xu hướng chuyển đổi số ở Việt Nam khá chậm. Phải chăng do môi trường kinh doanh ở Việt Nam chưa phù hợp cho việc chuyển đổi số?
Tôi không cho rằng môi trường kinh doanh ở Việt Nam chưa phù hợp cho việc chuyển đổi số. Đây là một quá trình, không dễ thành công và tỉ lệ thất bại cao.
Hình thức đơn giản của chuyển đổi số là cải thiện đáng kể trải nghiệm của khách hàng, hiểu khách hàng hơn hoặc tối ưu vận hành. Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây lớn của Việt Nam đã cho biết chính những ứng dụng đơn giản như để cho khách hàng quan sát trực tuyến được vùng nguyên liệu và các khâu chế biến, đã giúp họ chiếm được lòng tin của khách hàng khó tính ở châu Âu và Mỹ. Nhờ vậy họ ký được nhiều đơn hàng. Đây là một ví dụ ở việc đầu tư phù hợp, chứ không nhất thiết phải xây dựng mobile apps, các platform hay các công nghệ tốn kém.
* Các SME có cơ hội chuyển đổi nhanh hơn doanh nghiệp lớn. Sau đại dịch, quá trình chuyển đổi số có làm thay đổi vị thế của các SME với doanh nghiệp lớn?
Các nghiên cứu gần đây cho thấy hầu hết các doanh nghiệp lớn nhỏ đều đang bị thiệt hại nặng nề vì cung và cầu cả trong và ngoài nước đều bị tác động. Có chăng là mức độ trầm trọng khác nhau ở các lĩnh vực.
Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp lớn họ có thể có nhiều nguồn lực để thích ứng nhanh và định hướng nhanh hơn. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp SME đang phải vất vả trong bối cảnh hiện tại. Vì vậy, các doanh nghiệp SME sẽ gặp nhiều thách thức nữa nếu cả doanh nghiệp và Chính phủ không có những giải pháp hỗ trợ phù hợp.
* Trong bối cảnh bình thường mới, khi phải sống chung với đại dịch, doanh nghiệp nên đặt mục tiêu chuyển đổi số ở mức độ ưu tiên nào, trong số những việc cần làm để phát triển kinh doanh?
Thông thường khi xác lập ưu tiên cho một vấn đề gì đó, chúng ta thường xếp thứ hạng dựa trên hai yếu tố chính đó là tính cấp bách và tính quan trọng. Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi nghĩ doanh nghiệp cần đưa thêm yếu tố tác động trong ngắn hạn/dài hạn để xác lập mức độ ưu tiên.
* Xin cảm ơn ông!