Chương trình kích cầu đầu tư theo Nghị quyết 98: Cần áp dụng nhanh để cứu doanh nghiệp
Từ ngày 1/8/2023, Nghị quyết 98/2023/QH15 (Nghị quyết 98) của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM có hiệu lực. Trong đó, một trong những cơ chế được doanh nghiệp mong chờ nhất là thành phố tái khởi động chương trình kích cầu đầu tư. Doanh Nhân Sài Gòn đã có buổi gặp gỡ bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM về gói kích cầu đầu tư này.
* Theo bà, khi dùng gói kích cầu này, hiện nay doanh nghiệp sẽ có những khó khăn, thuận lợi gì?
- Khi sử dụng gói kích cầu này, doanh nghiệp phải làm đúng theo quy định thì mới được hưởng chính sách. Đây là chính sách rất tốt cho doanh nghiệp bởi lãi suất cho vay trong gói kích cầu này được giảm tới mấy phần trăm (theo từng khung ưu đãi, từng nhóm đối tượng được hỗ trợ…), thậm chí là hỗ trợ tới 100% lãi suất vay. Chẳng hạn, với ngành chế biến thực phẩm, việc đầu tư nâng cấp, thay đổi máy móc, thiết bị rất cần vì nếu không sẽ bị lạc hậu, không theo kịp với xu hướng sản xuất của thế giới và xu hướng của thị trường hiện nay.
* Vậy gói kích cầu đưa vào áp dụng thời điểm nào là tốt nhất cho doanh nghiệp?
- Việc đưa gói kích cầu theo cơ chế Nghị quyết 98 vào ứng dụng không khó. Cứ xây dựng nhanh chừng nào tốt chừng đó, không nên để doanh nghiệp, đơn vị thụ hưởng phải chờ lâu.
Vì vậy, dự thảo, quy định để đưa gói kích cầu vào áp dụng nên được thực hiện càng nhanh càng tốt, cần được đôn đốc thường xuyên. Nếu việc này kéo dài thì có thể không đạt được mục tiêu kích cầu vì đã quá muộn, hoạt động của doanh nghiệp có thể đã bị dừng. Do vậy, gói kích cầu cần phải chạy, chạy càng nhanh càng tốt, kể cả các quan chức và chính quyền cũng phải chạy đua với thời gian để kịp cứu doanh nghiệp. Trước đây cũng đã có chương trình hỗ trợ bị trễ đưa vào áp dụng, khi đó việc hỗ trợ không còn ý nghĩa nữa.
* Hạn mức vay được nâng lên 200 tỷ đồng, thay vì chỉ 100 tỷ đồng như ở các năm trước, có đủ để doanh nghiệp hồi phục?
- Doanh nghiệp thường cần số tiền lớn hơn để đầu tư. Tuy nhiên, theo dự thảo của gói kích cầu này thì hạn mức cho vay tối đa dự kiến được nâng lên 200 tỷ đồng, nhưng giá trị hiện tại của 200 tỷ đồng không khác nhiều so với 100 tỷ đồng của hơn 10 năm trước đây. Vì vậy, TP.HCM có thể cân đối, xem xét nâng hạn mức hỗ trợ lên 300 tỷ đồng.
Thêm vào đó, danh sách lĩnh vực ngành nghề được hỗ trợ kích cầu đầu tư vẫn còn hạn chế, cần kiến nghị bổ sung thêm. Về mức lãi suất hỗ trợ sẽ có khung cho từng nhóm đối tượng được hỗ trợ. Chẳng hạn, trước đây có chương trình hỗ trợ, khi vay ngân hàng, doanh nghiệp được hoàn 50% lãi suất trong gói kích cầu.
* Bà sẽ đề xuất gì cho gói hỗ trợ kích cầu theo Nghị quyết 98 triển khai hiệu quả?
- Về phương án triển khai, các đơn vị nên áp dụng đăng ký hồ sơ online, trong vòng 1 tuần, đơn vị đầu mối phản hồi cho doanh nghiệp còn thiếu gì, bổ sung gì để hoàn thiện hồ sơ, sau đó mới nộp bản cứng. Tránh tình trạng doanh nghiệp chen nhau đi nộp hồ sơ trực tiếp rồi chờ xét duyệt, bổ sung hồ sơ rất lâu. Quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người, các đầu mối triển khai nên quán triệt, thống nhất quy trình đến từng nhân sự tham gia tiếp nhận, giải quyết hồ sơ để tránh ách tắc.
* Xin cảm ơn bà về những chia sẻ.