Việt Nam là một quốc gia sản xuất và xuất khẩu nhiều mặt hàng nông hải sản cần chuỗi cung ứng lạnh; điều này làm thị trường vận chuyển lạnh mở rộng và đem đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp kinh doanh trong ngành. |
Cấu trúc và lợi ích
Chuỗi cung ứng lạnh là một khái niệm khá phổ biến ở các nước có nền nông nghiệp phát triển. Một cách tổng quát, đây là chuỗi cung ứng có khả năng kiểm soát và duy trì nhiệt độ thích hợp với các loại hàng hóa có yêu cầu bảo quản lạnh nhằm kéo dài tuổi thọ như sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản, hoa tươi cắt cành, dược phẩm (đặc biệt là các loại vắc-xin) v.v..
Về cấu trúc, chuỗi cung ứng lạnh bao gồm hai hệ thống logistics cơ bản. Thứ nhất là mạng lưới nhà kho lạnh được kiểm soát về nhiệt độ để bảo quản các mặt hàng dễ hỏng. Thứ hai là hệ thống vận tải lạnh, bao gồm xe tải, container lạnh, các thiết bị chuyên dụng duy trì nhiệt độ lạnh cần thiết.
Nhờ bảo quản, dự trữ tốt trong các chuỗi lạnh, sự tươi mới cũng như chất lượng hàng hóa được duy trì, lượng hàng hóa hao hụt giảm, giúp đáp ứng nhiều hơn và tốt hơn nhu cầu tiêu dùng, nhất là xuất khẩu. Các chuỗi cung ứng lạnh hợp nhất (cold chain interaction system) còn cho phép phối hợp với hệ thống thông tin logistics, không chỉ giúp tối ưu hóa thời gian và chi phí mà còn nâng cao hiệu quả cũng như sức mạnh của sản phẩm trên thị trường.
Link bài viết
Hệ thống chuỗi cung ứng lạnh còn có thể trở thành một hợp phần quan trọng của chiến lược thương hiệu sản phẩm, từ đó tăng thị phần, lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro. Phát triển chuỗi cung ứng lạnh còn góp phần hỗ trợ nhà nước về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ cân bằng sinh thái và tăng trưởng kinh tế bền vững.
Tiềm năng còn lớn
Việt Nam là một quốc gia sản xuất và xuất khẩu nhiều mặt hàng nông hải sản cần chuỗi cung ứng lạnh. Hơn thế nữa, thị trường nội địa ngày càng phát triển, cửa hàng tiện lợi tăng nhanh, kèm theo là nhu cầu vận chuyển sản phẩm cần bảo quản lạnh như sữa chua, sữa tươi, nước ép trái cây, kem...
Điều này làm thị trường vận chuyển lạnh mở rộng và đem đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp kinh doanh trong ngành. Một báo cáo của Euromonitor cho biết, độ lớn của riêng thị trường thực phẩm cần vận chuyển trong ngành bán lẻ của Việt Nam, không tính mảng thủy sản, ước đạt 1,2 tỷ USD vào năm 2019, còn các loại dược phẩm chăm sóc sức khỏe phụ thuộc vào chuỗi cung ứng lạnh lên đến gần 10 tỷ USD vào năm 2020.
Chuỗi cung ứng lạnh đã được xác định là một trong những cơ hội tăng trưởng chính cho nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Những công ty giao nhận quốc tế đã hiện diện ở Việt Nam nắm giữ 80% thị phần của thị trường trị giá 48 triệu USD (khoảng 1.100 tỷ đồng). Trong khi những công ty liên doanh nắm hầu hết thị phần vận tải hàng hải, hầu hết công ty nội địa chỉ vận tải đường bộ.
Trong chuỗi logistics cung ứng lạnh hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu phát triển hệ thống kho lạnh quy mô lớn như FM Logistics, CLK Cold Storage, Emergent Cold... Hầu hết các doanh nghiệp trong nước nắm giữ thị trường vận chuyển hàng lạnh bao gồm ABA Cooltrans, Tân Bảo An... Do khu vực bán lẻ quy mô lớn bùng nổ trong thời gian gần đây, tiềm năng trong lĩnh vực này vẫn còn lớn đối với những công ty định hướng đầu tư dài hạn.
Công nghệ sau thu hoạch tại Việt Nam vẫn phát triển chậm và chưa đồng bộ, dẫn đến tỷ lệ thất thoát nông sản còn cao, có khi lên đến 20 - 25% là một ví dụ cho thấy sự thiếu đầu tư phương tiện vận chuyển và đứt gãy trong chuỗi cung ứng lạnh.
Vấn đề đặt ra
Công nghệ sau thu hoạch tại Việt Nam vẫn phát triển chậm và chưa đồng bộ, dẫn đến tỷ lệ thất thoát nông sản còn cao, có khi lên đến 20 - 25%. Nhiều trường hợp nông dân phải đổ bỏ dưa hấu, củ cải là một ví dụ cho thấy sự thiếu đầu tư phương tiện vận chuyển và đứt gãy trong chuỗi cung ứng lạnh.
Sự đứt gãy đó có thể xảy ra ở bất cứ khâu nào, từ kho lạnh, vận chuyển lên xuống xe tải lạnh, cho đến chất lượng của phương tiện vận chuyển lạnh. Có thể nhận ra những vấn đề tồn tại của chuỗi cung ứng lạnh ở Việt Nam dưới góc độ nhà phân phối từ những chuỗi siêu thị bán lẻ như Auchan, CJ-Gemadept, Co.opmart... với tình trạng nông sản và thực phẩm có thể không đảm bảo chất lượng, thậm chí hư hỏng.
Việt Nam cần phát triển, hoàn thiện chuỗi logistics cung ứng lạnh trong một thị trường ngày càng kết nối với thế giới. Hiện nay, do thiếu sự tiếp cận với những nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, một số doanh nghiệp xuất khẩu riêng lẻ tự đầu tư công nghệ lưu kho lạnh rẻ tiền nhập khẩu từ Trung Quốc nên hiệu quả kinh tế rất thấp.
Các doanh nghiệp vận tải lạnh thì đối diện với nhiều khó khăn, như việc chưa tối ưu hóa được công suất xe, đặc biệt là xe tải lạnh giao hàng trong thành phố, cũng như việc hạn chế thời gian di chuyển của xe tải.
Chuỗi cung ứng lạnh không chỉ chú ý tới các điều kiện về nhiệt độ và độ ẩm tạo ra cho hàng hóa, mà thời gian cũng phải được kiểm soát chặt chẽ để cung ứng kịp thời. Để tạo ra những lợi thế này, về mặt tổ chức các chuỗi lạnh, nhà quản trị cần tập trung vào ba hợp phần chính. Đó là trang bị thiết bị dự trữ và vận chuyển hàng hóa an toàn, đồng bộ trong điều kiện khí hậu được kiểm soát, đào tạo nhà quản trị và nhân viên có chuyên môn trong điều hành, sử dụng và duy trì các thiết bị chuyên dụng, đồng thời xây dựng thủ tục để quản lý quá trình vận hành, quy trình kiểm soát và sử dụng thiết bị tối ưu.