Vì sao quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động chưa hiệu quả?

THIÊN TOÀN/DNSGCT| 29/03/2016 08:35

Trong khi nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vẫn đang chật vật tiếp cận vốn ngân hàng, hoạt động của các Quỹ bảo lãnh tín dụng được khởi xướng từ 15 năm trước đến nay vẫn chưa phát huy hiệu quả.

Vì sao quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động chưa hiệu quả?

Trong khi nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vẫn đang chật vật tiếp cận vốn ngân hàng, hoạt động của các Quỹ bảo lãnh tín dụng được khởi xướng từ 15 năm trước đến nay vẫn chưa phát huy hiệu quả do thiếu cơ chế hoạt động và sự phối hợp của các tổ chức tín dụng.

Đọc E-paper

Những bất cập trong cơ chế hoạt động

Quy chế thành lập, tổ chức hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm hỗ trợ họ tiếp cận tín dụng được ban hành vào năm 2001.

Thế nhưng, sau 15 năm, cả nước chỉ có 27 quỹ được thành lập với tình trạng hoạt động èo uột hoặc “ngồi không”. Hàng loạt khó khăn liên quan đến cơ chế, chính sách đã khiến các quỹ không thể hoạt động hiệu quả như kỳ vọng.

Một thực trạng dễ thấy là hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều gặp khó khăn khi tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng do không có tài sản thế chấp, chưa có khả năng đáp ứng các điều kiện về bảo đảm tiền vay.

Quỹ bảo lãnh tín dụng ra đời với mục tiêu là cầu nối giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, khả thi với ngân hàng, nhằm tạo điều kiện để họ có cơ hội tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Thế nhưng, vai trò “bà mối” đã không thể phát huy tác dụng khi đa số các ngân hàng không tin tưởng vào các quỹ bảo lãnh.

Trong hoạt động bảo lãnh, có ba đối tượng là doanh nghiệp, ngân hàng và quỹ bảo lãnh. Bất cập rõ nhất cho sự tồn tại của Quỹ bảo lãnh tín dụng là hiện nay, dù các quỹ này không cho vay đồng nào, không thu lãi nhưng phải chịu trách nhiệm nhiều mặt.

Khi việc cho vay xảy ra sự cố, quỹ bảo lãnh phải gánh hết nhưng lại không được hưởng lợi gì. Trong khi đó, ngân hàng được hưởng toàn bộ lãi suất, nhưng lại không phải chịu trách nhiệm gì.

Mặt khác, một số ngân hàng cũng muốn cho doanh nghiệp vay nhưng lại sợ rủi ro nên hoạt động bảo lãnh lại tiếp tục bị ách tắc. Sau khi có quỹ, doanh nghiệp lại tiếp tục quay về với bài toán ban đầu là phải có tài sản thế chấp mới được vay tiền.

Theo Điều 23 trong Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng quy định về Biện pháp bảo đảm cho hoạt động bảo lãnh vay vốn, thì bên được bảo lãnh phải sử dụng tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai thuộc quyền sở hữu của mình để thực hiện các biện pháp bảo đảm cho bảo lãnh vay vốn tại bên bảo lãnh.

Thế nhưng hiện nay các Quỹ bảo lãnh tín dụng đều không có nguồn quỹ chung, thế nên tiêu chuẩn bảo lãnh tại một số quỹở địa phương lại quay về giải pháp an toàn là đòi hỏi doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp, vì thế, doanh nghiệp ngày càng không mặn mà với các quỹ bảo lãnh.

Ngay cả TP.HCM được xem là địa phương có quỹ này hoạt động tốt hơn so với những tỉnh thành khác thì tỷ lệ bảo lãnh cho vay cũng đạt rất thấp. Một số ít quỹ được đánh giá hoạt động tốt nhưở Cần Thơ hiện cũng đang hoạt động một cách dè chừng.

Thêm vào đó, hiện nay các ngân hàng thương mại vẫn chưa coi những khoản tín dụng có bảo lãnh như khoản vay có tài sản thế chấp. Thế nên dù được quỹ ra chứng thư bảo lãnh, ngân hàng vẫn tính lãi suất cao hơn, bên cạnh đó doanh nghiệp phải mất thêm phí bảo lãnh.

Điều này tạo ra vòng luẩn quẩn khiến cả doanh nghiệp và Quỹ bảo lãnh tín dụng đều gặp khó.

Cần “cởi trói” cho Quỹ bảo lãnh tín dụng

Việt Nam có khoảng 600.000 doanh nghiệp thì có đến 500.000 là doanh nghiệp tư nhân, có quy mô nhỏ, khả năng tài chính yếu. Đa số doanh nghiệp này đều rất khó tiếp cận vốn ngân hàng vì không có tài sản đảm bảo…

Việc hoàn thiện cơ chế hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng không chỉ góp phần giải quyết bài toán về tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp muốn mở rộng đầu tư kinh doanh mà còn là đòn bẩy cho phòng trào “khởi nghiệp” đang sôi động hiện nay.

Để quỹ hoạt động có hiệu quả, rất cần sự vào cuộc, phối hợp, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Đặc biệt là các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trong công tác thẩm định để quỹ hoạt động hiệu quả, minh bạch, giúp doanh nghiệp tiếp cận cơ hội vay vốn tín dụng một cách thuận lợi nhất.

Trong một hội thảo gần đây về giải pháp cho hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước nên ban hành một mức tiêu chuẩn thấp hơn cho các doanh nghiệp tìm đến quỹ.

Tiêu chuẩn có thể lấy thước đo từ một ngân hàng thương mại, sau đó thì hạ chuẩn cho vay đối với doanh nghiệp có dự án khả thi. Từ đó tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận được vốn ngân hàng mà trách nhiệm và rủi ro của quỹ cũng được giảm bớt.

Tuy nhiên, việc các ngân hàng chưa có niềm tin và sợ rủi ro với các trường hợp bảo lãnh từ quỹ này cũng cần được cải thiện, khi mà mô hình này đang hoạt động rất hiệu quả tại nhiều quốc gia và mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Nguyệt – Trưởng đại diện phía Nam Hiệp hội quỹ tín dụng nhân dân, hiệp hội của các nước được phép bảo lãnh doanh nghiệp vay vốn vì có uy tín và hoạt động rất tốt.

Bên cạnh đó, hiệp hội còn được doanh nghiệp đóng góp hội phí nên cũng có nguồn chi phí tốt để hoạt động. Đây là điều khiến các ngân hàng tin tưởng và không ngần ngại cho vay.

Bà nhấn mạnh, vấn đề trọng tâm là cần tìm cách kết nối đồng bộ giữa hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan bảo hiểm và quỹ bảo lãnh thì mới giải quyết được vấn đề.

Việc thay đổi các cơ chế chính sách để hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao tiềm lực tài chính, uy tín cho các quỹ bảo lãnh, “cởi trói” cho các quỹ này khỏi những quy định khắt khe, cải thiện nguồn vốn bảo lãnh từ ngân sách Nhà nước là những điều cần làm lúc này để Quỹ bảo lãnh tín dụng phát huy được vai trò, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, bên cạnh đó là việc xác định quyền và nghĩa vụ các bên liên quan khi xảy ra những rủi ro và cơ chế phối hợp giải quyết việc thu hồi nợ.

Về phía doanh nghiệp, cần nâng cao trình độ quản trị, quản lý tài chính, xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh… vì đây là những yếu tố để doanh nghiệp tăng cơ hội tiếp cận các chính sách hỗ trợ và nguồn vốn.

>Quỹ bảo lãnh tín dụng: Có như không!

>Vay vốn ngân hàng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng

> "Tiếp cận nguồn vốn từ NH thông qua quỹ bảo lãnh tín dụng"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì sao quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động chưa hiệu quả?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO