TTCK ngày 17/3: Sức cầu yếu, thị trường dè dặt

P.V| 16/03/2015 03:27

Trong những phiên giao dịch sắp tới, VN-Index sẽ dần phục hồi trở lại, tuy nhiên, trong phiên giao dịch 17/3 sẽ khó có dấu hiệu nào tích cực.

TTCK ngày 17/3: Sức cầu yếu, thị trường dè dặt

Áp lực bán ròng khối ngoại đã kéo dài suốt hai tuần qua cùng chỉ số VN-Index có phiên lao dốc đầu tuần khiến tâm lý nhà đầu tư rất dè dặt.

Nhóm ngân hàng chưa có dấu hiệu dứt điều chỉnh, vốn hoá cao chính là yếu tố khiến VN-index có phiên lao dốc hôm 16.3.

Trong những phiên giao dịch sắp tới, VN-Index sẽ dần phục hồi trở lại, tuy nhiên, trong phiên giao dịch 17/3 sẽ khó có dấu hiệu nào tích cực. Lượng cầu còn thấp và chỉ phục hồi dần vào các phiên tiếp theo. Các giao dịch sẽ cầm chừng, nhà đầu tư chủ yếu quan sát, tránh rủi ro. Những mã tốt, các trading ngắn hạn sẽ hấp dẫn nhà đầu tư vào phiên giao dịch ngày 17/3.

BVSC: Thích hợp cho trading ngắn hạn

Thị trường mở đầu tuần mới với phiên giảm điểm khá mạnh trên cả hai sàn. Tâm điểm 16/3 là hoạt động mua vào của quỹ ETF đối với một số cổ phiếu được thêm mới, điển hình là KDC và KBC. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục điều chỉnh khá sâu đã gây áp lực không nhỏ lên chỉ số chung.

Thanh khoản có sự cải thiện nhờ giao dịch của các quỹ ETF nhưng nhìn chung tâm lý nhà đầu tư trong nước vẫn còn khá thận trọng. Ngành đồ uống có mức tăng trưởng tốt nhất trong phiên 16/3 (+5,64%) trong khi ngành dịch vụ dầu khí giảm điểm mạnh nhất (-3,64%).

Hiện tượng đầu cơ tại một số mã riêng lẻ nương theo hoạt động tái cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF nhiều khả năng sẽ vẫn diễn ra trong tuần này. Tuy nhiên, về xu hướng thị trường chung, chỉ số VN-Index đang có dấu hiệu yếu dần khi nhóm cổ phiếu ngân hàng chưa có dấu hiệu dứt điều chỉnh trong khi thị trường chưa tìm ra được nhóm cổ phiếu dẫn dắt mới.

Ngoài ra, áp lực bán ròng từ khối ngoại (đã diễn ra trong hai tuần gần đây) vẫn đang mang đến nhiều lo ngại cho nhà đầu tư. Ngưỡng hỗ trợ tiếp theo của chỉ số VN-Index sẽ từ 570-575 điểm. Dự kiến chỉ số VN-Index sẽ sớm có sự hồi phục trở lại, tuy nhiên khả năng mang lại lợi nhuận cho các giao dịch T+3 là không thật sự chắc chắn.

Thời điểm hiện tại được đánh giá là thích hợp cho các giao dịch trading ngắn T+. Nhà đầu tư có thể quay vòng một phần danh mục, tiến hành mua vào khi chỉ số chạm ngưỡng hỗ trợ. Tuy nhiên, tỷ lệ cổ phiếu trading nên được giới hạn ở mức vừa phải nhằm tránh rủi ro cho danh mục tổng thể.

SHS: Thích hợp mua tích lũy mã tốt, thận trọng bán tháo

Trong bối cảnh mùa đại hội cổ đông đang tới gần với nhiều thông tin tích cực sắp được công bố liên quan tới chia cổ tức, triển vọng hoạt động kinh doanh 2015, kế hoạch mua bán sáp nhập, thoái vốn…

Chúng tôi đánh giá giai đoạn này là thích hợp để tiến hành mua tích lũy dần các mã tốt bị điều chỉnh kỹ thuật giảm mạnh thời gian qua. Tuy vậy cần tiếp tục thận trọng quan sát diễn biến dòng tiền trong các phiên giao dịch tới và có thể tiến hành mua vào dần nếu thị trường không xuất hiện các phiên bán tháo.

Sacombank SBS: Xác xuất thị trường khó giảm sâu, cầu tăng dần

Chỉ số VN-Index vẫn trong xu hướng giảm ngắn hạn và 16/3 đã chạm ngưỡng 580 sát với đường EMA 50. Hai chỉ báo ngắn hạn STO và RSI đã rơi khá sâu và đang đi vào vùng quá bán. Như đã đề cập ở trên, việc bán ròng một số mã trụ như VCB, MSN, STB của khối ngoại sẽ khiến chỉ số VN-Index bị tác động trong vài phiên tới.

Tuy nhiên xác suất thị trường giảm sâu là thấp và chúng tôi cho rằng lực cầu sẽ tăng dần trong các phiên tới khi VN-Index rơi sâu hơn về 575.

IVS: Khả năng thị trường sẽ chịu sức ép cao

Thị trường có một phiên sụt giảm khá mạnh và đã chạm đến mốc 580 điểm. Đây là giai đoạn thật sự khó bởi những mốc hỗ trợ vừa phải đều đã bị xuyên thủng.

Nhịp giảm này có thể đang khiến cho tâm lý của nhà đầu tư trở nên bi quan hơn. Tuy nhiên, còn một sự kỳ vọng với thị trường nếu như VN-Index có thể bật tăng lại sau khi tiếp cận mốc đáy của phiên 28/10/2014 (tương đương 578 điểm hoặc thấp hơn).

Nếu như điều này xảy ra thì mô hình vai đầu vai lại hình thành và tạo cơ hội cho nhà đầu tư. Một điểm nữa là thanh khoản vẫn duy trì khá tích cực cũng là yếu tố mà nhà đầu tư đang kỳ vọng.

Tuy nhiên, nếu xét trên đồ thị tuần của VN-Index thì thực sự không phải không quan ngại. Cũng là mẫu hình Vai đầu vai nhưng nó có thể cho thấy mức sụt giảm mạnh của chỉ số có thể xảy ra. Vì thế, nếu như mốc 570 điểm không giữ được thì nhiều khả năng có thể thị trường sẽ chịu sức ép giảm mạnh rất cao.

Nhà đầu tư lúc này nên quan sát kỹ thị trường và nên chủ động hạ tỷ lệ đòn bẩy xuống mức an toàn nhất.

VNDS: Sẽ phục hồi nhất định

Phiên 16/3, VN-Index giảm mạnh sau 4 phiên dùng dằng đi ngang và phá vỡ vùng MA20. Như vậy, thị trường tiếp tục điều chỉnh và biểu hiện rõ hơn sau nhịp đi ngang, VN-Index tiến về vùng 575-580 như dự đoán kèm thanh khoản gia tăng nhẹ. Nhóm vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm ngân hàng, đã tăng mạnh trong nhịp trước đóng góp lớn vào sự sụt giảm của index.

Dù dòng tiền vẫn có sự đột biến nhất định ở một số mã nhưng mới chỉ mang tính chất đơn lẻ và phân tán.

Hiện tại, lực cung đang chiếm ưu thế, thị trường chung vẫn chưa hội tụ các yếu tố cho thấy dấu hiệu nhịp điều chỉnh đã kết thúc. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng quanh vùng 575-580, tương ứng với vùng MA50, cầu sẽ quay trở lại giúp index xuất hiện sự hồi phục nhất định.

Trong phiên tới khả năng giằng co mạnh vẫn diễn ra, nhà đầu tư tiếp tục quan sát sức mạnh cung cầu quanh vùng 575-580. Những trường hợp ưa rủi ro, có lượng tiền mặt lớn có thể cân nhắc giải ngân dần trong vùng 575-580, với điều kiện lực cầu có dấu hiệu mạnh lên quanh vùng này và hấp thụ tốt cung. Tỷ lệ cổ phiếu khuyến nghị tối đa 60%.

>VN Index: Lùi một bước để nhảy ba bước? 
>TPP sẽ mang tin vui cho TTCK

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TTCK ngày 17/3: Sức cầu yếu, thị trường dè dặt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO