Tín dụng doanh nghiệp: Cửa vẫn hẹp

QUỲNH CHI| 14/05/2010 08:31

Theo các ngân hàng, kể từ tháng 5/2010, mặt bằng lãi suất cho vay thỏa thuận một lần nữa sẽ được thiết lập lại khả năng ở mức 12 - 14%/năm áp dụng cho doanh nghiệp, dao động 15 - 17%/năm đối với khách hàng cá nhân.

Tín dụng doanh nghiệp: Cửa vẫn hẹp

Theo các ngân hàng (NH), kể từ tháng 5/2010, mặt bằng lãi suất cho vay thỏa thuận một lần nữa sẽ được thiết lập lại khả năng ở mức 12 - 14%/năm áp dụng cho doanh nghiệp (DN) và dao động 15 - 17%/năm đối với khách hàng cá nhân. Song mức áp dụng bình quân này vẫn còn là rào cản khiến các DN ngại vay. Do đó, tâm lý DN là mong lãi suất giảm thêm để dễ dàng hơn trong việc tiếp cận vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Giảm lẻ tẻ

Vừa qua, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) có công văn tiếp tục kêu gọi các hội viên giảm dần mặt bằng lãi suất thị trường. Lý do lần vận động này, theo VNBA, vì kinh tế thế giới chưa phục hồi mạnh, thị trường “đầu ra” của Việt Nam còn gặp khó khăn, mức lãi vay hiện tại của các NH thương mại ở mức 14 - 14,5%/năm vẫn chưa khuyến khích được phần đông DN.

Ngày 7/5, Chính phủ yêu cầu NHNN khẩn trương hạ lãi suất huy động xuống khoảng 10%, lãi suất cho vay khoảng 12% - Ảnh: Q.H

Vì vậy, VNBA kêu gọi toàn thể các tổ chức hội viên trên cơ sở tiết kiệm chi phí để xem xét tiếp tục giảm mức lãi suất cho vay đối với DN xuất khẩu, DN thuộc khu vực nông nghiệp, nông thôn và DN vừa và nhỏ sản xuất - kinh doanh có hiệu quả.

Trên thực tế, sau kêu gọi của VNBA, các NH bắt đầu bước vào lộ trình giảm lãi suất cho vay thỏa thuận. Cụ thể, NH BIDV điều chỉnh lãi suất cho vay giảm thêm từ 0,5 - 1%/năm so với giữa tháng 4/2010. Sau khi điều chỉnh ở đợt này, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khoản vay/dự án phục vụ sản xuất, kinh doanh được BIDV áp dụng ở mức tối đa là 13%/năm.

NH ACB cũng điều chỉnh lãi suất cho vay giảm còn 13,5 -14%/năm. Eximbank cũng cho biết sẽ xem xét mặt bằng lãi vay chung của thị trường để giảm tiếp lãi suất cho vay thỏa thuận, giúp khách hàng tiếp cận được vốn vay. Không thuộc nhóm nói trên, nhưng ABBank cũng thực hiện chính sách ưu lãi suất cho vay ngắn hạn dành cho các DN.

Theo đó, ABBank tài trợ xuất khẩu trước khi giao hàng với mức lãi suất ưu đãi từ 14 - 14,5%/năm đối với VND và 5 - 5,25%/năm đối với vay bằng đồng USD; chiết khấu bộ chứng từ xuất khẩu lãi suất ưu đãi 13,5 - 14%/năm đối với VND và 4,5 - 4,75%/năm đối với vay bằng đồng USD...

Chờ là chính

Tuy nhiên, đó mới chỉ là phát pháo dạo đầu của một vài NH lớn. Điều này không có gì đặc biệt, bởi từ trước tới nay, việc điều chỉnh lãi suất dù tăng hay giảm của các NH vẫn theo kiểu giảm cho khách hàng thân thiết chứ không giảm một cách đồng bộ.

Nguyên nhân được các vị này đưa ra là muốn giảm lãi suất cho vay thì các NH phải giảm lãi suất huy động. Tuy nhiên, trên thực tế, lãi suất huy động của các ngân hàng cổ phần, đặc biệt là những NH nhỏ, vẫn còn khá cao, nếu tính luôn cả khuyến mãi thì thấp nhất cũng là 12%/năm, còn cao thì đến 14%/năm.

Trong văn bản gửi NH Nhà nước, VNBA cũng thừa nhận, hiện vẫn còn có một số NH thương mại chưa thật sự minh bạch lãi suất. Ngoài các mức lãi suất huy động đã công bố vẫn còn thực hiện “khuyến mãi” dưới nhiều hình thức như thưởng tiền, thưởng thêm lãi suất..., đã làm lãi suất huy động thực cao hơn mức lãi suất đã công bố, người gửi tiền vẫn tiếp tục kỳ vọng vào lãi suất tiền gửi còn cao, tạo tâm lý không thuận cho việc thực hiện chính sách giảm lãi suất cho vay mà Thủ tướng và NH Nhà nước đang chỉ đạo.

Ngoài ra, hạn chế rủi ro tín dụng, NH vẫn siết điều kiện cho vay. Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó tổng giám đốc NH Maritime Bank, cho biết, ngoài chi phí huy động vốn, một NH trung bình phải cộng thêm ít nhất là 3,5% chi phí hoạt động và lãi để đưa ra mức lãi suất cho vay đối với khách hàng. Một số NH vẫn đang còn nguồn vốn phải huy động với lãi suất cao trước kia nên chưa thể giảm lãi suất cho vay trong một thời gian ngắn được.

Điều này lý giải vì sao các DN vẫn ngại vay và tiếp tục chờ lãi suất giảm thêm. TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cũng nói rằng, một cuộc điều tra mới đây được thực hiện bởi một cơ quan thuộc chính phủ Đức và Viện nghiên cứu & quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, có đến ba phần tư doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của Việt Nam phải đi vay vốn từ những nguồn phi chính thức để tồn tại và phát triển.

Theo ông Thành, các hình thức hỗ trợ của Nhà nước đối với DNNVV như quỹ hỗ trợ trợ tín dụng cho DNNVV vừa qua chưa thực sự hiệu quả vì chỉ có hai quỹ tại hai thành phố lớn hoạt động. Trong khi đó, mặc dù các NH hiện nay đã chuyển hướng sang các DNNVV nhiều hơn trước nhưng điểm yếu nhất của các NH là rất ngại xếp hạng tín dụng DNNVV. “Điều này cho thấy rằng, khả năng tiếp cận các nguồn tín dụng chính thức của các DNNVV Việt Nam là rất thấp”, ông Thành nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tín dụng doanh nghiệp: Cửa vẫn hẹp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO