Thị trường chứng khoán Việt: Khối ngoại sẽ rút vốn nếu lạm phát cao?

KHÁNH PHƯƠNG| 14/06/2018 08:26

Lạm phát cao khiến các kênh đầu tư có tính rủi ro như chứng khoán trở nên bi quan hơn và có thể gây áp lực lên tỷ giá và thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài rút vốn.

Thị trường chứng khoán Việt: Khối ngoại sẽ rút vốn nếu lạm phát cao?

Mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 5 là 0,55% so với tháng trước, đây cũng là tháng có mức tăng CPI cao nhất trong vòng 6 năm qua. Như vậy, sau 2 tháng suy yếu trước đó thì CPI so với cùng kỳ đã tăng trở lại ở mức cao 3,86%, khá gần với mục tiêu 4% đặt ra trong năm nay. Áp lực lạm phát đang ngày càng lớn cần phải đặc biệt chú ý trong thời gian tới.

Mặc dù tỷ giá trung tâm USD/VND từ đầu năm đến nay chỉ tăng khoảng 0,6%, khá ổn định so với sự mất giá trầm trọng của các đồng tiền khác trước sự mạnh lên của đồng USD, tuy nhiên điều này vẫn không có gì là đảm bảo cho tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định trong thời gian tới, đặc biệt là trước tình hình thị trường ngoại hối có dấu hiệu nóng trở lại trong những tuần gần đây.

Nếu tỷ giá chịu áp lực tăng nhanh có thể càng thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng trên thị trường chứng khoán, hoặc ít nhất là chưa dám mua trở lại vì lo ngại rủi ro có thể xóa sạch mức lợi nhuận đã đạt được trong khoảng thời gian thị trường tăng trưởng mạnh như vừa qua.

Cụ thể, ngoài khoản mua ròng đột biến ở mã Vinhomes (VHM) hơn 28.500 tỷ đồng (ngày 18/5) và 1.100 tỷ đồng ở mã VIS với mục tiêu thâu tóm (ngày 10/5), thì tổng giá trị khối ngoại đã bán ròng trong tháng 5 lên tới gần 7.000 tỷ đồng. Diễn biến nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên thị trường chứng khoán và rút vốn có thể lại càng khiến đồng nội tệ mất giá mạnh hơn, diễn biến đã xảy ra gần đây tại các thị trường mới nổi như Argentina, Indonesia hay Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ảnh hưởng đến tỷ giá, nếu lạm phát tăng cao có thể buộc Ngân hàng Nhà nước phải thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế, theo đó có thể tăng lãi suất, giảm cung tiền.

Việt Nam có điểm khác biệt là dù khối ngoại tuy bán ròng nhưng vẫn đầu tư mạnh vào các mã mới niêm yết, các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc được Nhà nước thoái vốn, thêm vào đó là chưa cho phép tự do hóa tài khoản vốn nên dòng vốn dường như chưa tháo chạy hoàn toàn, vì vậy vẫn chưa có dấu hiệu gây áp lực lên tỷ giá như các nền kinh tế khác. Tuy nhiên, điều này cần tiếp tục theo dõi.

Ngoài ảnh hưởng đến tỷ giá, nếu lạm phát tăng cao có thể buộc Ngân hàng Nhà nước phải thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế, theo đó có thể tăng lãi suất, giảm cung tiền. Những giải pháp này đều tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng, khi mà chi phí vay cao hơn sẽ khiến hiệu quả sinh lời của doanh nghiệp giảm sút, trong khi dòng vốn vay không còn rẻ cũng khiến nhà đầu tư hạn chế sử dụng để kiếm lời trên thị trường cổ phiếu.

Trong khi đó lại đang có khá nhiều yếu tố gây áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng. Giá dầu vẫn đang trong xu hướng đi lên khiến giá xăng dầu trong nước phải có 2 lần tăng trong tháng 5, làm CPI chung tăng 0,16%. Giá thịt heo sau khi rớt mạnh trong năm trước thì 2 tháng gần đây tăng mạnh trở lại khi nguồn cung trở nên khan hiếm. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ riêng giá thực phẩm tăng 1,2% là do giá thịt heo tăng mạnh 5,85%, làm CPI chung tăng 0,25% trong tháng 5 vừa qua.

Nhiều tổ chức tài chính quốc tế gần đây cho rằng Việt Nam khó có thể giữ vững mục tiêu lạm phát đã đặt ra ở mức 4%, trong bối cảnh giá hàng hóa tăng trở lại và ảnh hưởng từ sự phục hồi của đồng USD trên thị trường thế giới.

Theo Ngân hàng ANZ, lạm phát tại Việt Nam thời gian qua có xu hướng tăng dần và có khả năng sẽ tiếp tục tăng khi giá gạo và giá dầu phải chịu sức ép tăng giá. Chi phí đi lại, chi phí dịch vụ y tế cũng được dự báo sẽ có nguy cơ tăng mạnh nếu tiếp tục duy trì quá lâu mức giá kể từ lần điều chỉnh 3,9% gần đây nhất, bởi lẽ trong năm ngoái mức giá dịch vụ y tế đã tăng tới 16,8%.

ANZ cho biết đồng tiền Việt Nam được dự báo sẽ phải đối mặt với một số rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Hàn Quốc có thể tác động đến kinh tế Việt Nam.

Khi lạm phát tăng có thể gây áp lực lên tỷ giá, và ngược lại. Do đó, vòng xoáy lạm phát và tỷ giá nếu không được kiểm soát tốt lại càng thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài bán ròng và xa hơn là làm dòng vốn đảo chiều, khi đó nhà đầu tư trong nước cũng có thể nhanh chóng thoát khỏi thị trường trước những dự báo bi quan.

Trong bối cảnh đó, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá diễn ra ngày 29/5, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu một số bộ, ngành phải kiểm soát chặt chẽ, không tăng giá các mặt hàng, lĩnh vực thiết yếu như điện, thuốc chữa bệnh, thực phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường chứng khoán Việt: Khối ngoại sẽ rút vốn nếu lạm phát cao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO