Thâu tóm, sáp nhập và kéo giá cổ phiếu

Gia Lê| 16/03/2020 06:15

Thông tin thâu tóm hay sáp nhập để kéo giá cổ phiếu không còn là điều quá hiếm hoi trên thị trường chứng khoán Việt Nam, khi các nhà đầu tư lẫn đầu cơ lướt sóng đều xem đó là chất xúc tác để tác động lên giá cổ phiếu.

Thâu tóm, sáp nhập và kéo giá cổ phiếu

Giá cổ phiếu Công ty Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HOSE: HHS) tính từ giữa tháng 1 đến nay đã tăng xấp xỉ 80%, từ mức quanh 3.000đ/CP lên 5.400đ/CP - mức giá cao nhất đạt được trong phiên giao dịch ngày 4/3/2020 vừa qua. Đà tăng giá trên rõ ràng không đến từ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này, khi doanh thu năm 2019 chỉ đạt 590 tỷ đồng, giảm gần 49% so với năm trước, dù lãi ròng tăng 4%, lên mức 190 tỷ đồng.

Sự phục hồi của HHS dường như ăn theo đà bứt phá của cổ phiếu "người anh em" là Công ty CP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HOSE: TCH), vốn đã tăng hơn gấp đôi từ quanh 20.000đ/CP vào cuối tháng 10/2019 lên hơn 45.000đ/CP vào giữa tháng 2 vừa qua, trước khi bước vào đợt điều chỉnh mạnh cho đến nay. Dù vậy, sự tăng giá của cổ phiếu HHS còn đến từ thông tin về việc TCH có thể tăng tỷ lệ sở hữu ở HHS.

Dự báo trên đã thành hiện thực, khi ngày 28/2/2020, theo tài liệu đại hội cổ đông thường niên vừa được công bố, HHS sẽ trình cổ đông thông qua việc TCH nâng sở hữu tại HHS lên mức tối đa 50,2%, thông qua việc mua nhiều nhất 25 triệu cổ phiếu. HHS cũng lên phương án trả cổ tức 4% bằng tiền mặt cho năm 2019 và cổ tức 6% cho năm 2020. Chỉ sau thông tin trên, giá cổ phiếu HHS đã phục hồi đến 35% với khối lượng khớp lệnh tăng mạnh.

Link bài viết

Thương vụ trên vẫn chưa là gì so với thông tin Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (HOSE: AMD) công bố thông qua phương án sáp nhập vào Công ty CP Đầu tư Khai khoáng và Quản lý Tài sản FLC (HOSE: GAB). Cả hai công ty trên đều thuộc nhóm cổ phiếu FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết.

Sau thông tin trên, cổ phiếu AMD đã có 5 phiên tăng trần, từ ngày 2-6/3/2020, và có đến 6 phiên tăng trần trong số 7 phiên giao dịch tính từ ngày 27/2/2020. Theo đó, giá cổ phiếu AMD đã tăng từ mức quanh 2.000đ/CP lên 3.060đ/CP, tức đạt suất sinh lời hơn 50% chỉ trong thời gian ngắn. Việc thị trường phản ứng mạnh là điều tất yếu, khi giá cổ phiếu của hai doanh nghiệp này hiện nay chênh lệch quá lớn.

Cụ thể, cổ phiếu GAB lên sàn vào ngày 11/7/2019 với giá tham chiếu 12.000đ/CP. Chỉ sau khi niêm yết hơn nửa năm thì hiện tại GAB đã lên hơn 120.000đ/CP, tức tăng giá gấp 10 lần. Đáng lưu ý là đà tăng mạnh chỉ khởi phát từ đầu năm nay, từ mức giá quanh 15.000đ/CP.

Đà kéo giá của cổ phiếu GAB có lẽ chỉ mỗi cổ phiếu Công ty CP Xây dựng FLC Faros (HOSE: ROS) - cũng là một cổ phiếu thuộc họ FLC, trong giai đoạn tăng giá trước đây mới có thể so sánh được. Đáng lưu ý là cổ phiếu ROS mới đây cũng đã bị loại khỏi FTSE Vietnam Index sau chuỗi ngày dài giảm mạnh.

Việc các thông tin thâu tóm hay sáp nhập để kéo giá cổ phiếu không còn là điều quá hiếm hoi trên thị trường chứng khoán Việt Nam, khi các nhà đầu tư lẫn đầu cơ lướt sóng đều xem đó là chất xúc tác để tác động lên giá cổ phiếu và tạo ra cơ hội "kiếm ăn" theo đà thị trường. 

Dù vậy, việc tỉnh táo luôn là điều cần thiết, vì thực tế cho thấy các thương vụ thâu tóm sáp nhập không phải luôn là điều tốt đẹp, thậm chí giá cổ phiếu của những doanh nghiệp này sau đó giảm mạnh đã gây ra biết bao thiệt hại cho những nhà đầu tư quá tin tưởng vào tiềm năng của các thương vụ, mà không rút ra kịp lúc để có lợi nhuận. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thâu tóm, sáp nhập và kéo giá cổ phiếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO