Quỹ khẩn cấp - dây an toàn tài chính cá nhân

TUẤN THÀNH/DNSGCT| 11/10/2016 08:30

Quỹ khẩn cấp là lượng tiền tiết kiệm giúp đảm bảo cuộc sống bình thường cho một cá nhân hoặc gia đình khi có chuyện bất ngờ xảy ra như tai nạn xe cộ, thất nghiệp, bệnh tật…

Quỹ khẩn cấp - dây an toàn tài chính cá nhân

Quỹ khẩn cấp (Emergency Fund) được định nghĩa là lượng tiền tiết kiệm nhằm đảm bảo cuộc sống bình thường cho cá nhân cũng như gia đình nếu chẳng may có những chuyện bất ngờ xảy ra như tai nạn, thất nghiệp, bệnh tật…

Đọc E-paper

Theo Ted Halpern - một chuyên gia tài chính cá nhân đồng thời là người sáng lập và điều hành công ty tài chính Halpern Financial, quỹ khẩn cấp luôn là lời khuyên đầu tiên của ông dành cho bất cứ khách hàng nào, bởi nó giống như chiếc dây an toàn, giúp họ không phải thay đổi kế hoạch tài chính cá nhân, không phải bán đi những khoản đầu tư sinh lợi, vay nợ lãi suất cao… để giải quyết tình hình khó khăn trước mắt.

Dưới đây là 3 lưu ý kèm với lời khuyên về quỹ khẩn cấp mà Ted Halpern luôn chú trọng:

Không nên lẫn lộn giữa quỹ khẩn cấp và các khoản đầu tư

Quỹ khẩn cấp nên là một khoản riêng, khoảng từ 3 - 6 tháng tiền lương của bạn, sử dụng được ngay lập tức và là tiền mặt. Không nên gộp chung quỹ này với bất cứ khoản tiền nào, đặc biệt là những khoản đầu tư, bởi chúng luôn có mục đích khác nhau trong kế hoạch tài chính của bạn.

Ví dụ, nếu bạn xây dựng quỹ khẩn cấp dựa trên nền tảng là các cổ phiếu đầu tư trong danh mục của mình, điều tồi tệ sẽ xảy ra khi thị trường chứng khoán gặp một cú sốc như năm 2008, hầu hết cổ phiếu bị mất giá thê thảm. Lúc ấy, quỹ khẩn cấp của bạn sẽ mất ít nhất 30 – 40% giá trị, chưa kể tính thanh khoản cũng không cao. Nếu ngay sau đó bạn mất việc, kinh doanh thua lỗ hoặc bất ngờ bị trộm đột nhập… thì lúc này những quỹ khẩn cấp không cứu được cú sốc tài chính mà bạn đang phải gánh chịu.

Theo Ted Halpern, ngay cả khi chúng ta đã có nền tảng tài chính độc lập, sự lẫn lộn trong quỹ khẩn cấp và các khoản đầu tư cũng khiến chúng ta lâm nguy. Nước xa không thể cứu lửa gần, những khoản đầu tư luôn cần thời gian lâu dài cũng như sự ổn định để sinh lợi, trong khi quỹ khẩn cấp cần sự nhanh chóng, kịp thời.

Đừng để quỹ khẩn cấp có quá nhiều... tiền

Quỹ khẩn cấp rất quan trọng, nhưng không nên vì vậy mà chúng ta lại “gửi” vào quá nhiều tiền, bởi điều đó sẽ lấy đi những cơ hội kinh doanh, đầu tư khác.

Chẳng hạn, một người để quỹ dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn (lãi suất 0,5%/năm) và giả sử 6 tháng lương của người ấy là 200 triệu đồng, nhưng thay vì chỉ dùng chừng đó làm quỹ khẩn cấp thì lại “nâng” lên 1 tỷ đồng. Chỉ cần chuyển khoản “chênh” 800 triệu đồng ấy sang hình thức gửi tiết kiệm có kỳ hạn (lãi suất 7%/năm), người ấy sẽ có thêm số tiền 52 triệu đồng mỗi năm.

Giữ quá nhiều tiền mặt luôn gặp nhiều rủi ro, vì thế, chỉ nên giữ đủ số lượng tiền mặt trong quỹ khẩn cấp. Bên cạnh đó, con số tương ứng 3 - 6 tháng lương chỉ là ước lượng chung cho mọi trường hợp.

Theo Ted Halpern, nếu muốn tính chính xác hơn con số này, bạn có thể dùng cách xác định chi phí sống “cốt lõi” của mình hoặc của gia đình hằng tháng, tức số tiền tối thiểu giúp mọi việc vẫn có thể “thoải mái” mà không bị dính đến nợ. Sau đó nhân số tiền này với số thời gian tối đa bạn phải bỏ ra cho một “tai nạn” được dự trù là khó khăn nhất. Chẳng hạn như tình hình xấu nhất của gia đình bạn là công việc kinh doanh thua lỗ và tình trạng này có thể kéo dài tối đa 6 tháng, trong khi mức sinh hoạt tối thiểu của gia đình khoảng 20 triệu đồng/tháng thì lượng tiền cần có trong quỹ khẩn cấp của gia đình bạn là 120 triệu đồng.

Khi nào nên "chạm vào" quỹ khẩn cấp?

Có rất nhiều người xin tư vấn sau khi đã xây dựng cho mình một quỹ khẩn cấp rồi, thường hỏi Ted Halpern rằng khi nào thì nên sử dụng quỹ. Nhiều trường hợp họ phân vân giữa việc tự cắt giảm chi tiêu, vay mượn người thân, trích các khoản tiền thưởng… hay sử dụng quỹ để giải quyết tình hình.

Ted Halpern luôn đưa ra lời khuyên duy nhất, rằng hãy ghi ra giấy thật chi tiết, đâu là những trường hợp khẩn cấp với gia đình và với cá nhân bạn, lưu ý rằng trường hợp khẩn cấp không phải lúc nào cũng là ranh giới của sự sống và cái chết.

Nếu đó là một khoản chi phí buộc phải dùng đến vay nợ, dùng đến thẻ tín dụng… để thanh toán, và nếu nó không thể tránh khỏi, như việc bạn shopping và mua “quá tay” một số thứ nhưng không thể trả lại hàng, thì đó cũng được xem là một khoản cần sử dụng quỹ khẩn cấp. Tuy bất đắc dĩ, nhưng nợ có lãi suất luôn là điều tối kỵ với bất cứ một kế hoạch tài chính nào. Điều quan trọng ở đây là bạn có chịu “thắt lưng buộc bụng” để hoàn trả khoản tiền đó vào quỹ hay không.

Ngoài ra, một khoản chi phí thường xuyên lặp lại, 1 - 3 tháng một lần, như chi phí bảo dưỡng xe cộ, nhà cửa, đồ dùng… thì chưa hẳn là khẩn cấp. Đó chỉ mới là những khoản bội chi nho nhỏ trong ngân sách. Chỉ cần theo dõi sát sao các khoản thu chi hằng tháng là bạn đã có thể đưa ra dự trù thích hợp cho những khoản chi như vậy.

>5 lời khuyên xây dựng nền tảng tài chính

>Những lời khuyên tài chính dễ gây "nhầm lẫn"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quỹ khẩn cấp - dây an toàn tài chính cá nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO