Những yếu tố giúp ổn định lãi suất

ANH KHOA| 04/09/2018 08:23

Kiểm soát tăng trưởng tín dụng và tỷ giá hạ nhiệt được xem là 2 trong số những yếu tố quan trọng giúp hỗ trợ mặt bằng lãi suất ổn định theo định hướng của Chính phủ.

Những yếu tố giúp ổn định lãi suất

Ngân hàng BIDV - một trong 4 ngân hàng thương mại nhà nước gần đây đã tăng lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng lên 4,3%/năm, tăng 0,2 điểm phần trăm so với mức 4,1%/năm áp dụng nhiều tháng qua. Kỳ hạn 5 tháng cũng được tăng thêm 0,2 điểm phần trăm, từ 4,6% lên 4,8%/năm và kỳ hạn 6 tháng tăng từ 5,1% lên 5,3%/năm. Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của ngân hàng có nguồn vốn huy động lớn nhất này sau 3 lần liên tiếp giảm từ cuối năm 2017 đến 6 tháng đầu năm nay.

Trước đó, đã có nhiều ngân hàng như ACB, Techcombank, GPBank, OCB, VIB lần lượt tăng lãi suất, cộng với lãi suất trên thị trường liên ngân hàng "leo thang", nhiều ý kiến cho rằng mặt bằng lãi suất sẽ chịu thêm nhiều sức ép trong thời gian còn lại của năm nay, nhất là khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm từ mức 45% về 40% kể từ đầu năm 2019.

Dù vậy, bên cạnh đó vẫn có những yếu tố có thể hỗ trợ mặt bằng lãi suất tiếp tục giữ được sự ổn định.

Tránh nới lỏng chính sách tiền tệ

Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục kiên định mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó định hướng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống cũng như từng tổ chức tín dụng theo đúng mục tiêu, định hướng đề ra qua chỉ thị 04/CT-NHNN ban hành hồi đầu tháng 8 này.

NHNN cũng nói rõ không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng - điều đã từng được thực hiện trong năm 2017, cũng như những năm trước đó. Đáng lưu ý là đối với những tổ chức tín dụng không chấp hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thì sẽ bị xử lý. Có thể thấy NHNN đã chủ động đi trước một bước khi tránh việc nới lỏng chính sách tiền tệ quá mức và duy trì quá lâu có thể tạo ra những tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế.

Rõ ràng khi tín dụng của các ngân hàng được mặc sức tăng trưởng sẽ dẫn đến cạnh tranh huy động vốn, từ đó đua nhau tăng lãi suất - điều đã từng xảy ra trước đây. Chẳng những vậy, tăng trưởng tín dụng nóng sẽ đẩy giá các loại tài sản lên và đối mặt với nguy cơ bong bóng, gây áp lực lên lạm phát và từ đó tác động lên mặt bằng lãi suất.

Nếu tín dụng được kiềm hãm trở lại, các kênh đầu tư có thể hạ nhiệt theo cách có kiểm soát và tránh được rủi ro đổ vỡ, trong khi các ngân hàng không cần phải huy động vốn bằng mọi giá để có đủ nguồn cho vay, vì đã bị kiểm soát và kiềm chế. Và vì vậy, các ngân hàng hoặc phải tìm cách sử dụng vốn hiệu quả vào những kênh đầu tư khác, hoặc phải chủ động tiết giảm chi phí vốn thay vì đẩy lãi suất lên cao.

Nếu tín dụng được kiềm hãm trở lại, các kênh đầu tư có thể hạ nhiệt theo cách có kiểm soát và tránh được rủi ro đổ vỡ, trong khi các ngân hàng không cần phải huy động vốn bằng mọi giá để có đủ nguồn cho vay, vì đã bị kiểm soát và kiềm chế. Và vì vậy, các ngân hàng hoặc phải tìm cách sử dụng vốn hiệu quả vào những kênh đầu tư khác, hoặc phải chủ động tiết giảm chi phí vốn thay vì đẩy lãi suất lên cao.

Nhân tố mới đến từ tỷ giá?

Tỷ giá bắt đầu biến động mạnh kể từ giữa tháng 6 đến gần đây, và trở thành một trong những yếu tố gây áp lực lên mặt bằng lãi suất. Vì với khả năng tiền đồng bị phá giá, lãi suất huy động VND phải giữ được sức hấp dẫn tối thiểu để hạn chế người gửi tiền rút ra chuyển dịch sang ngoại tệ, nhất là khi theo dự báo USD trên thị trường quốc tế sẽ còn tăng từ nay đến cuối năm với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ còn đến 2 lần tăng lãi suất. Và thực tế là trong khoảng 2 tháng qua, không ít ngân hàng đã phải tăng lãi suất VND để duy trì lượng tiền gửi và giữ chân khách hàng.

Tuy nhiên, mọi thứ có vẻ như đang đảo chiều. Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây một lần nữa chỉ trích FED về chính sách thắt chặt tiền tệ, đồng thời yêu cầu FED phải ngừng việc tăng lãi suất. Thị trường tài chính ngay lập tức phản ứng mạnh khi đồng USD trên thị trường quốc tế lẫn trong nước đã liên tiếp sụt giảm nhanh trở lại trong tuần qua.

Và một khi tỷ giá hạ nhiệt trở lại thì áp lực lên lãi suất theo đó cũng dần tiêu tan. Cùng với yếu tố hỗ trợ đến từ thị trường quốc tế, NHNN cũng có thể tích cực can thiệp thị trường để đạt mục tiêu kiểm soát tỷ giá đã đề ra mà vẫn kiên định ở mục tiêu để tiền đồng mất giá không quá 2% so với USD trên thị trường chính thức. Tỷ giá trung tâm tính đến cuối tuần qua cũng chỉ mới tăng chưa đến 1,2% so với đầu năm nay.

Một báo cáo cho thấy thời gian qua, NHNN đã bán hơn 3 tỷ USD để hỗ trợ thị trường, riêng trong hơn 2 tuần gần đây đã bán thêm 550 triệu USD. Và nếu như lộ trình tăng lãi suất của FED có thể chậm lại, cùng với khủng hoảng tiền tệ ở Thổ Nhĩ Kỳ khó lây lan như dự báo, thì tỷ giá từ nay đến cuối năm sẽ ổn định.

Thực tế cho thấy bên cạnh các ngân hàng tăng lãi suất, cũng có một số ngân hàng vẫn có thể giảm thêm lãi suất huy động. Ngân hàng Quân đội sau khi giảm từ 0,1 - 0,2% lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 - 4 tháng hồi cuối tháng 7, thì giữa tháng 8 tiếp tục giảm 0,5% lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng, 0,6% ở kỳ hạn 2 tháng, 0,2% ở kỳ hạn 3 tháng, 0,3% ở kỳ hạn 6 tháng, 0,15% ở kỳ hạn 7 tháng và 0,1% ở kỳ hạn 8 tháng.

Hay như tại VPBank cũng bắt đầu áp dụng biểu lãi suất mới từ ngày 23/8 với mức lãi suất giảm 0,2 điểm phần trăm cho tất cả các kỳ hạn. Hiện kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng chỉ còn 4,6%/năm với các khoản tiền dưới 500 triệu còn khoản từ 5 tỷ trở lên thì được 4,9%/năm. Ở kỳ hạn 6 tháng cho đến 11 tháng, lãi suất huy động là 6,4 - 6,6%/năm, còn kỳ hạn dài hơn dao động trong khung 6,8 - 7,1%/năm. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những yếu tố giúp ổn định lãi suất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO