Nhận định thị trường chứng khoán tuần từ 24-28/5

22/05/2010 06:21

Giới thiệu nhận định của một số công ty chứng khoán về diễn biến thị trường tuần từ ngày 24-28/5.

Nhận định thị trường chứng khoán tuần từ 24-28/5

Giới thiệu nhận định của một số công ty chứng khoán về diễn biến thị trường tuần từ ngày 24-28/5.

Cơ hội cho đầu tư giá trị

AVS cho rằng, thời điểm này là cơ hội giải ngân cho các nhà đầu tư giá trị và trường vốn do nhiều cổ phiếu cơ bản tốt đã rơi về vùng giá rất hấp dẫn - Nguồn ảnh: VNDS.

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Âu Việt - AVS)

“Ngược lại với sự bán mạnh của nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài hôm 21/5 vẫn tiếp tục gia tăng lượng mua ròng trên HOSE gần 102 tỷ đồng và hơn 10 tỷ đồng trên HNX.

VN-Index đã có tuần giảm điểm thứ ba liên tiếp. So với cuối tuần trước đó, VN-Index đã để mất 37,03 điểm (7,1%). Tốc độ mất điểm của HNX-Index mạnh hơn với tỷ lệ 11,6%, tương đương 20,02 điểm. Hiện tượng bán mạnh đã xảy ra trên cả hai sàn và nhiều mã cổ phiếu đã giảm giá 20%-30% trong tuần, hầu hết là các mã cổ phiếu tăng nóng trong thời gian qua.

Chúng tôi cho rằng có hai nguyên nhân chính gây ra làn sóng bán mạnh trên cả hai sàn trong tuần qua.

Thứ nhất, làn sóng bán mạnh của các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính. Thứ hai, rủi ro không lường trước được từ cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý nhiều nhà đầu tư.

Mặc dù vậy, các đường chỉ báo kỹ thuật hiện nay đều đang đi vào vùng bán quá mức và có thể đảo chiều tăng bất cứ lúc nào. Chúng tôi cho rằng nhà đầu tư tránh tâm lý bi quan thái quá, không nên bán cổ phiếu bằng mọi giá vì có khả năng bán đúng đáy.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán vẫn đang nhận được những thông tin hỗ trợ tích cực trong trung hạn với các chính sách tiếp tục giữ tăng trưởng tín dụng 25% trong năm, quyết tâm giảm mặt bằng lãi suất và quyết tâm kiềm chế lạm phát của Chính phủ.

AVS cho rằng thời điểm này là cơ hội giải ngân cho các nhà đầu tư giá trị và trường vốn do nhiều cổ phiếu cơ bản tốt đã rơi về vùng giá rất hấp dẫn. Các nhóm ngành đáng chú ý là các nhóm cổ phiếu bất động sản và vật liệu xây dựng có chỉ số cơ bản tốt, đã giảm sâu trong thời gian qua”.

Nhà đầu tư ngắn hạn nên thận trọng

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Tp.HCM - HSC)

“Ngưỡng kháng cự về mặt tâm lý cuối cùng tại 480-483 đã được giữ vững nhiều lần kể từ tháng 1 và nhiều khả năng VN-Index sẽ kiểm tra lại ngưỡng này trong tuần tới.

Trước mắt, thị trường đang bị đẩy đi xuống bởi sự tác động của tổng hợp hai yếu tố: áp lực bán giải chấp mang tính kỹ thuật và sự suy giảm mạnh mẽ của các thị trường chứng khoán thế giới.

Trên thực tế, lần đầu tiên trong một năm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự liên thông trở lại với xu hướng chung của các thị trường chứng khoán thế giới và điều này đã hoàn toàn lấn át tác động tích cực của việc thanh khoản trong nước đang được cải thiện.

Thị trường có thể sẽ giảm thêm một thời gian nữa cho tới khi các thị trường chứng khoán thế giới ổn định trở lại. Thông thường, những đợt điều chỉnh xuất phát từ yếu tố tâm lý thường sâu nhưng chỉ diễn ra trong ngắn hạn và khi mà lượng đặt bán bắt đầu giảm xuống thì các nhà đầu tư sẽ quay trở lại mua vào cổ phiếu.

Cần theo dõi chặt chẽ lượng đặt mua và đặt bán trong phiên ở những mã chủ chốt vì đây là dấu hiệu rõ nhất để thấy được đáy sau cùng của thị trường. Đối với các nhà đầu tư trung hạn, chúng tôi vẫn cho rằng nên mua vào có chọn lọc một số mã khi thị trường tiếp tục giảm. Còn đối với các nhà đầu tư ngắn hạn, chúng tôi cho rằng nên thận trọng”.

Thị trường sẽ tiếp tục biến động theo hướng đi xuống

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Đại Việt - DVSC)

“Hiện tại, những thông tin tích cực từ nền kinh tế vĩ mô trong 4 tháng đầu năm và chỉ số CPI tháng 5 dự kiến ở mức thấp giúp cho chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước sẽ theo hướng thông thoáng hơn.

Tuy nhiên, những thông tin này dường như không có nhiều ý nghĩa khi khủng hoảng tại châu Âu đang khiến cho tâm lý nhà đầu tư lo ngại khủng hoảng lại có khả năng xảy ra một lần nữa và việc bán tháo trên thị trường chứng khoán là điều dễ hiểu.

Mặc dù giảm điểm mạnh nhưng khối lượng giao dịch vẫn đứng ở mức cao cho thấy nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bắt đáy khi giá cổ phiếu về mức thấp, tuy vậy, lực cầu hiện tại chưa thể hấp thụ được áp lực cung quá lớn.

Hiện tại, chưa có số liệu thống kê chính thức về lượng tiền sử dụng đòn bẩy tài chính và điều này cũng khiến cho nhà đầu tư lo sợ thị trường sẽ tiếp tục giảm sâu khi nhà đầu tư dùng đòn bẩy bị buộc phải bán ra.

Chúng tôi cho rằng thị trường tuần tới sẽ tiếp tục biến động theo xu hướng xuống mặc dù sẽ có những phiên hồi phục nhẹ. Thị trường hiện tại biến động rất khó lường, nhà đầu tư nên có chiến lược phòng thủ thích hợp, nên duy trì tỷ lệ tiền mặt cao trong tài khoản để phòng ngừa rủi ro”.

Xu hướng giảm sẽ vẫn còn

(Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT - FPTS)

“Trong tuần tới xu hướng giảm sẽ vẫn còn, tuy nhiên sau gần 3 tuần điều chỉnh giảm hiện nay VN-Index đã mất điểm khá nhiều và khó có thể giảm sâu hơn nữa.

Việc VN-Index giảm kéo theo các nhóm cố phiếu có chỉ số cơ bản tốt cũng giảm theo, các cổ phiếu này đang bắt đầu cho thấy sự hấp dẫn đặc biệt là đối với nhóm nhà đầu tư tổ chức. Yếu tố giải chấp sẽ sớm được hấp thu trong những phiên đầu tuần sau do đã bị bán ròng nhiều phiên rất mạnh tuần vừa qua.

Tuy nhiên, chúng tôi muốn chú ý đến nhà đầu tư không nên tham gia bắt đáy khi những dấu hiệu suy giảm của lực bán chưa xuất hiện. Đặc biệt, trong những phiên thị trường xanh điểm trở lại nhưng khoảng điểm tăng thấp và khối lượng chưa tăng mạnh hỗ trợ thì đó sẽ chưa phải là thời điểm để nhà đầu tư mua đuổi theo.

Trong một xu hướng tăng trở lại, VN-Index luôn có xu hướng đi theo đường “zic-zac” tạo đáy để kiểm tra ngưỡng hỗ trợ trước khi khẳng định xu hướng mạnh mẽ, vì vậy nhà đầu tư nên thận trọng trong những thời điểm VN-Index tăng điểm trở lại để không bị mắc bẫy giá và giảm thiểu rủi ro”.

* Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhận định thị trường chứng khoán tuần từ 24-28/5
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO