Ngày dài chờ đợi

QUỲNH CHI| 14/04/2010 06:04

Thị trường đang chờ đợi quyết định của Ngân hàng Nhà nước thực hiện cho vay các khoản ngắn hạn theo lãi suất thỏa thuận.

Ngày dài chờ đợi

Thị trường đang chờ đợi quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện cho vay các khoản ngắn hạn theo lãi suất thỏa thuận. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến lo ngại, nếu không xử lý khéo sẽ tạo ra cuộc đua giữ chân khách hàng và hệ quả là lãi suất huy động tăng lên và làm khó cho các ngân hàng (NH).

Ngân hàng phấn khởi

Nếu đầu ra được mở cả ngắn hạn và trung - dài hạn thì trần lãi suất huy động cũng chờ đợi được gỡ bỏ để tạo điều kiện cho các NH cân đối trong hoạt động. Điều này giải thích vì sao hầu hết các NH đều dự kiến trong vòng hai tháng tới, thị trường NH sẽ được chứng kiến cuộc đua giảm lãi suất. Đó là lãi suất cho vay có thể giảm mạnh từ đỉnh cao gần 20% hiện nay xuống mặt bằng mới 14 - 14,5%, thậm chí có nơi dưới 12%. Rõ ràng, những dự báo trên phần nào thừa nhận rằng, nếu lãi suất cho vay thỏa thuận được mở hết thì chẳng còn lý do gì để lãi suất huy động tiếp tục vượt rào và leo thang như hiện nay.

Thực vậy, nói như lãnh đạo của các NH, do bị khống chế mức trần, để huy động được tiền trong dân các NH phải khuyến mãi, cộng thêm lãi suất, vô hình chung tạo ra hệ thống lãi suất ngầm, thiếu minh bạch và khó quản lý. Lãi suất huy động sau khi đã cộng các khoản khuyến mãi lên tới 11% ở các NH quốc doanh và 12% ở các NH cổ phần, cao hơn nhiều so với mức trần 10,5%. Vậy nếu các khoản cho vay thỏa thuận được mở hết thì không lý do gì các NH tiếp tục duy trì cuộc đua lãi suất như hiện nay.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank cũng khẳng định, ổn định lãi suất đầu vào mới có được lãi suất đầu ra hợp lý cho doanh nghiệp (DN). Bởi cơ chế thỏa thuận đã mở với các khoản vay trung dài hạn từ cuối tháng 2 nhưng Vietcombank đến nay chưa áp dụng nhiều, vẫn cứ lấy lãi suất tiết kiệm cộng với chênh lệch vài phần trăm để cho ra lãi suất cho vay 14 - 14,5%.

Tương tự, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank nói rằng, thời gian tới, nếu lãi suất huy động được giữ dưới mức 12% thì NH có thể cho vay ở khoảng 14 - 15% vẫn đảm bảo hiệu quả. “Khi NHNN đã cho áp dụng lãi suất thỏa thuận với cả vốn vay ngắn hạn sau khi đã cho áp dụng với vốn trung - dài hạn, lãi suất khó có thể tăng mà ngược lại sẽ giảm”, ông Bình nói. Thậm chí, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch LienVietBank còn dự báo chắc chắn rằng, từ nay đến giữa tháng 5, thị trường sẽ chứng kiến cuộc đua xuống đáy, các NH sẽ phải cạnh tranh nhau để giảm lãi suất. Mặt bằng lãi suất cho vay khi đó có thể chạm tới 12%, trong khi lãi suất huy động sẽ xuống dưới 10%.

Doanh nghiệp vẫn lo

Có thể nói, mọi lời dự báo về thị trường lãi suất đều khả quan. Thế nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng, với quyết định bỏ lãi suất trần cho cả cho vay ngắn hạn và huy động tiền gửi của dân chúng và DN, mặt bằng lãi suất được dự đoán sẽ tăng cao và có tác dụng trực tiếp đến hoạt động của các NH. Nói như thế vì khi đó, NH có thể thu hút một lượng tiền nhàn rỗi đáng kể của dân cư và DN vì lãi suất huy động cao, đồng thời cũng thuận lợi hơn khi cho vay vì không bị kiềm chế trên danh nghĩa bởi mức lãi suất trần. Như vậy, bỏ trần có thể đẩy mặt bằng lãi suất lên ngoài tầm kiểm soát.

Trên quan điểm của mình, TS. Lê Thẩm Dương (Đại học NH TP.HCM) cũng cho rằng, hiện nay việc “thả” lãi suất là cần thiết. Theo TS. Dương, khi “thả” lãi suất thì sẽ lo biến động, leo thang, nhưng thị trường sẽ điều chỉnh. NHNN điều tiết thông qua việc nới lỏng chính sách tiền tệ ở mức độ nhất định, tăng cung tiền, tăng hỗ trợ qua thị trường mở...

Nhưng về phía DN, việc nới lỏng lãi suất hay không vào thời điểm này cũng vẫn gây nhiều hoang mang. Lãnh đạo một DN tại KCN Tân Bình nói rằng, NHNN nên cân nhắc việc thả nổi lãi suất. Bài học nhãn tiền về việc thả nổi giá xăng dầu mới có hơn ba tháng nhưng các DN và người tiêu dùng đã không chịu nổi, buộc lòng Bộ Tài chính đã phải có văn bản khống chế lại, khi tăng giá xăng dầu phải xin phép liên bộ.

Một điều đáng lo ngại khác là các DN vì thiếu vốn nên phải vay NH, nhưng thực tế nhiều DN thua lỗ vì phải trả lãi quá cao. Vì thế, về lâu dài NHNN vẫn phải tìm cách đưa mặt bằng lãi suất xuống một mức hợp lý hơn, qua việc điều chỉnh cung tiền. Lãi suất cho vay hiện nay quá cao, bất lợi cho các DN vay vốn từ NH. Mặt bằng lãi suất cho vay cần được giảm xuống dưới 10%/năm để các DN có khả năng trả lãi đồng thời tạo lợi nhuận cho chính mình. “Nếu giảm xuống 12 - 14%/năm như các NH dự báo vẫn là một chi phí quá lớn”, vị này nói.

Trên thực tế, việc bỏ hay không trần lãi suất đến thời điểm này vẫn còn là một câu hỏi khó. Theo phân tích của một chuyên gia tài chính, trong bối cảnh hiện nay, việc NHNN cho rằng cần duy trì lãi suất cho vay thấp thể hiện cam kết nguồn cung vốn cho thị trường sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Tuy nhiên, để thành công trong việc hạ lãi suất, NHNN cần phải tăng cung tiền một cách có trọng điểm, có nghĩa để nhận được những nguồn vốn này NH thương mại phải đáp ứng tiêu chí về lĩnh vực sử dụng vốn chứ không phải NHNN bơm tiền ra cho NH thương mại thích cho vay lĩnh vực nào cũng được. Một khi NHNN tính toán chặt chẽ để thực hiện được biện pháp trên và với việc tăng lượng cung tiền có chi phí thấp thì không lý do gì NH thương mại lại đẩy mạnh lãi suất để huy động vốn trong khi NHNN có thể đáp ứng được nhu cầu này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngày dài chờ đợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO