Ngành ngân hàng 2018: Đã đến lúc tăng tốc

ANH KHOA| 07/04/2018 03:37

Sau một năm phục hồi, kết quả kinh doanh năm 2018 của nhiều ngân hàng tiếp tục được dự báo sẽ thêm khởi sắc.

Ngành ngân hàng 2018: Đã đến lúc tăng tốc

Ảnh: QH

Tăng tốc

Sau giai đoạn trì trệ với kết quả kinh doanh xuống dốc khi phải đối mặt với rủi ro nợ xấu và những yếu kém trong quản lý, theo lộ trình tái cơ cấu, năm 2017 ngành ngân hàng phục hồi khá ấn tượng với tổng tài sản và tín dụng tăng trưởng khả quan, đặc biệt con số lợi nhuận nghìn tỷ đã trở lại tại một số nhà băng, thậm chí như Vietcombank lãi trước thuế hơn 11.300 tỷ đồng, tăng gần 3.000 tỷ đồng, tương đương 33% so với năm 2016.

Chính kết quả kinh doanh tích cực đã giúp giá cổ phiếu của các ngân hàng tăng mạnh trên thị trường chứng khoán, như Vietcombank tăng gấp đôi từ quanh 35.000đ/CP lên 70.000đ/CP, ACB từ quanh 20.000đ/CP lên mức cao nhất hơn 48.000đ/CP, BIDV từ mức thấp 16.000đ/CP lên gần 45.000đ/CP, Quân đội từ 14.000đ/CP lên gần 37.000đ/CP, Vietinbank tăng quanh 16.000đ/CP lên hơn 36.000đ/CP, SHB từ quanh 5.000đ/CP lên hơn 13.000đ/CP.

Link bài viết

Một số ngân hàng khác cũng đã có một năm IPO khá thành công, như HDbank, VPBank, VIB hoặc như cổ phiếu của Techcombank trên OTC đã tăng lên hơn 90.000đ/CP.

Tận dụng những điều kiện thuận lợi trên, các ngân hàng đang bắt đầu tăng tốc khi đặt ra những kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng cho năm 2018, với các chỉ tiêu như tổng tài sản, huy động vốn hay tín dụng tiếp tục ở mức cao. Đặc biệt trong bối cảnh giá cổ phiếu liên tiếp lên cao, nhiều ngân hàng đặt mục tiêu tăng vốn mạnh mẽ để gia tăng nội lực tài chính.

VPbank đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ hơn 12.000 tỷ đồng, lên mức 27.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng 77%. Nếu tăng vốn thành công thì VPbank sẽ vượt qua SCB, Sacombank và Quân đội để trở thành ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có vốn điều lệ cao nhất hệ thống và chỉ còn thua nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước là Agribank, Vietcombank, Vietinbank và BIDV.

Một số ngân hàng khác cũng đặt kế hoạch tăng vốn thêm hàng nghìn tỷ đồng, như Quân đội tăng hơn 3.400 tỷ đồng, Lienvietpostbank tăng hơn 2.800 tỷ đồng, OCB tăng 2.500 tỷ đồng, VIB tăng hơn 2.400 tỷ đồng, SCB tăng hơn 2.000 tỷ đồng. Trong khi đó, Vietcombank và BIDV đã lên kế hoạch tăng vốn bằng cách phát hành thêm cổ phiếu cho các đối tác chiến lược nước ngoài trong năm nay.

Nếu nguồn vốn tăng thêm dễ dàng trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng có thể rơi vào tình trạng sử dụng vốn kinh doanh những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, như đầu tư, kinh doanh ở các thị trường ngoại hối, chứng khoán - điều từng xảy ra trong giai đoạn trước đây.

Đi kèm với kế hoạch tăng vốn là mục tiêu lợi nhuận cũng tăng trưởng mạnh. "Quán quân lợi nhuận" Vietcombank năm 2018 dự kiến lãi 12.000 tỷ đồng, tuy nhiên nếu thoái vốn thành công tại Ngân hàng Quân đội và Eximbank thì lợi nhuận có thể cán mốc 15.000 tỷ đồng. Ngân hàng Quân đội cũng đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 47% so với 2017, lên mức 6.800 tỷ đồng và chỉ quý I đã đạt khoảng 1.600 tỷ đồng.

VIB đặt mục tiêu lợi nhuận 2.005 tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2017 dù thực tế có thể đạt 2.300 - 2.500 tỷ đồng và chỉ riêng trong quý I đã ước đạt 500 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so cùng kỳ năm 2017. OCB cũng đề ra mục tiêu lợi nhuận 2.000 tỷ đồng năm 2018, tăng gần gấp đôi so với năm trước.

Con số 2.000 tỷ đồng này chưa bao gồm khoản hoàn nhập dự phòng rủi ro tín dụng dự kiến thu về trong năm nay. Ước tính riêng trong quý I/2018, OCB đạt trên 600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương 30% kế hoạch năm. Còn nhiều ngân hàng khác dự kiến sẽ trình kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng trong đại hội cổ đông sắp tới.

Nhưng phải dè chừng

Hầu hết các ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận cao đều đã phần nào giải quyết được lượng nợ xấu trong những năm qua, do đó lợi nhuận không còn bị ảnh hưởng quá mạnh do trích lập chi phí dư phòng. Như Vietcombank đã xử lý xong nợ xấu, trong khi OCB năm 2018 dự kiến sẽ tất toán trái phiếu đặc biệt VAMC. Do đó, nếu tiếp tục xử lý nợ xấu tốt thì những năm tới, các ngân hàng sẽ được hoàn nhập phần dự phòng được xem như "của để dành" đã trích trước đây.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là các ngân hàng phải tránh phát sinh thêm nợ xấu. Với mục tiêu tăng vốn mạnh mẽ, để tránh tình trạng "pha loãng" cổ phiếu và làm giảm hiệu quả sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE), các ngân hàng buộc phải có kế hoạch tăng mạnh lợi nhuận để duy trì hiệu quả đồng vốn đầu tư cho cổ đông. Và để làm được điều này, các ngân hàng buộc phải đẩy mạnh cho vay nhiều hơn, thậm chí tham gia vào những lĩnh vực có nhiều rủi ro với độ sinh lời cao hơn, thì khi đó rủi ro nợ xấu quay trở lại là có thể thấy trước.

Nếu nguồn vốn tăng thêm dễ dàng trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng có thể rơi vào tình trạng sử dụng vốn kinh doanh những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, như đầu tư, kinh doanh ở các thị trường ngoại hối, chứng khoán - điều từng xảy ra trong giai đoạn trước đây. Và rủi ro nếu thực sự xảy ra sẽ càng ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận của các ngân hàng.

Thời gian qua cũng đã chứng kiến do thanh khoản dồi dào nên các ngân hàng đổ vốn vào thị trường trái phiếu, bất chấp lợi suất xuống thấp mức kỷ lục. Nếu lãi suất đi lên trở lại, các khoản lỗ khi đầu tư vào thị trường này trong giai đoạn hiện nay có thể sẽ được ghi nhận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành ngân hàng 2018: Đã đến lúc tăng tốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO