Ngân hàng nhỏ và vừa: Nặng gánh hai vai

QUỲNH VŨ| 09/07/2009 09:44

Đầu ra bị giới hạn 10,5% trong khi lãi suất huy động đạt gần mức trần, chênh lệch lãi suất giữa cho vay và huy động vốn quá thấp khiến nhiều ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ và vừa như ngồi trên đống lửa.

Ngân hàng nhỏ và vừa: Nặng gánh hai vai

Đầu ra bị giới hạn 10,5% trong khi lãi suất huy động đạt gần mức trần, chênh lệch lãi suất giữa cho vay và huy động vốn quá thấp khiến nhiều ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ và vừa như ngồi trên đống lửa. Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm 2009, các ngân hàng đã lên kế hoạch cho việc tăng vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỷ đồng, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn thì việc tăng vốn quả là một chặng đường đầy chông gai.

Tín dụng: khó có lãi  

Có lẽ chưa bao giờ người gửi tiền tiết kiệm có nhiều lựa chọn cũng như được ngân hàng o bế như hiện nay. Ngân hàng đưa ra nhiều tiện ích gia tăng quyền lợi cho người gửi. Tuy vậy, theo đại diện của các ngân hàng, đến nay lượng vốn gửi vào cũng không tăng nhiều.

Giao dịch lại Ngân hàng ABBank

Ông Phạm Quốc Thanh, Phó tổng giám đốc ABBank cho biết, người gửi hiện chỉ thích các kỳ hạn ngắn nên ngân hàng phải cấu trúc lại cơ cấu nguồn vốn huy động dựa trên dự báo về xu hướng lãi suất trong dài hạn và cũng để có thể chủ động hơn về nguồn vốn trong tương lai. Hiện nay, vốn trung dài hạn của ABBank chiếm khoảng 20 - 30% tổng nguồn vốn huy động và có kế hoạch sẽ tăng dần tỷ trọng này lên mức 40 - 50%. Tuy nhiên, ông Thanh cho biết: “Mặc dù lãi suất các kỳ hạn dài có tăng lên, nhưng người dân cũng sẽ rất đắn đo khi chọn kỳ hạn để gửi tiền vì còn nhiều kênh đầu tư hấp dẫn khác”.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần nhỏ hiện có lãi suất thuộc loại cao trên thị trường cũng cho hay, dù có tăng thì lượng tiền gửi kỳ hạn dài của người dân cũng không tăng bao nhiêu. Hiện nay, huy động vốn trung dài hạn của ngân hàng này chiếm không đến 10% tổng vốn huy động. Ông cũng cho biết, do tỷ trọng vốn trung dài hạn trên tổng huy động không cao, nên dù có tăng mạnh lãi suất huy động của các kỳ hạn dài thì giá vốn trung bình của ngân hàng cũng không tăng cao.

Một số ý kiến cho rằng, huy động khó, cho vay càng khó hơn. Chẳng hạn như các ngân hàng cho vay tiêu dùng chủ yếu dựa trên nguồn vốn trung và dài hạn, mà cho vay tiêu dùng thì bị giới hạn lãi suất là không quá 150% vốn sở hữu. Ngoài ra, một số ngân hàng lớn không bị sức ép về huy động vốn lại đẩy nhanh quá trình phát triển để nâng cao năng lực tài chính và thương hiệu. Điều này dẫn đến cuộc chạy đua lãi suất giữa các ngân hàng sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Chính vì vậy mà đại diện của ngân hàng nhỏ và vừa cho biết, đã gần hết quý II/2009 nhưng lợi nhuận ngân hàng đạt được chỉ bằng 1/3 kế hoạch đề ra.

Áp lực tăng vốn điều lệ

Cũng chính những kết quả không mấy khả quan trên càng tăng thêm áp lực cho các ngân hàng đang nằm trong diện phải tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng trong năm 2009 này. Trước đây, thị trường tài chính phát triển ổn định, các ngân hàng khi muốn tăng vốn thường nhắm đến các công ty, tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước, các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư..., nhưng đến nay, do tình hình thị trường chung, nên việc huy động vốn đầu tư của các kênh này dường như bị khép lại.Chẳng hạn, trông chờ vào khối đầu tư ngoại là hết sức khó khăn. Vì những tiêu chí để các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn là xét về tính minh bạch, quản trị rủi ro, lợi nhuận đạt được, chỉ số ROE, ROA... Những tiêu chí trên chỉ có một số ít ngân hàng VN có thể đáp ứng được, còn lại đều yếu, nhất là các ngân hàng nhỏ và vừa.

Chuyên gia tài chính chứng khoán TS Đinh Thế Hiển cho biết, việc tăng vốn của các ngân hàng theo lộ trình dễ mà không dễ. Những năm trước, một số ngân hàng có mức chia cổ tức khá cao: 25 - 30%/năm, còn hiện nay, việc tăng vốn điều lệ liên tục khiến cổ phiếu bị pha loãng, tỷ lệ chia cổ tức chỉ còn khoảng 10%/năm. Vì vậy, nhiều cổ đông lớn sẵn sàng bỏ thêm tiền mua vào với số lượng lớn nhưng cũng có nhiều cổ đông ngao ngán với kết quả hoạt động của các ngân hàng.

Hầu hết các chuyên gia cho rằng, việc tăng vốn theo lộ trình của các ngân hàng có đạt hay không phần lớn phụ thuộc vào sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Việc tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành cổ phiếu trong thời điểm hiện nay là một phương án khó đối với các ngân hàng, do thị trường chứng khoán đang chờ đợi một loạt cổ phiếu ngân hàng thuộc hàng đại gia sắp chào sàn như Vietcombank và Vietinbank...

Do vậy, việc mở cánh cửa huy động cho ngân hàng hiện nay chỉ còn trông chờ vào các cổ đông hiện hữu là chính. Tuy nhiên, đây cũng không phải là phương án khả thi, bởi nếu thị trường tiếp tục ảm đạm và không có dấu hiệu tích cực thì việc tăng vốn thực sự sẽ rất gian nan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngân hàng nhỏ và vừa: Nặng gánh hai vai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO