Mùa cổ đông về

NGỌC THỦY| 21/03/2014 07:07

Phải sang tháng 4 mới thực sự là thời điểm các doanh nghiệp ồ ạt tổ chức đại hội đồng cổ đông. Nhưng những vấn đề nóng nhất đã được các cổ đông dồn dập đặt câu hỏi từ lúc này.

Mùa cổ đông về

Phải sang tháng 4 mới thực sự là thời điểm các doanh nghiệp ồ ạt tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ). Nhưng những vấn đề nóng nhất đã được các cổ đông dồn dập đặt câu hỏi từ lúc này.

Đọc E-paper

>Xét lại giá trị cổ phiếu ngân hàng
>Trong ngắn hạn, khó có đột phá cổ phiếu ngân hàng
>
Cổ phiếu ngân hàng lao dốc sau tin bầu Kiên bị bắt

Câu chuyện sáp nhập

Từ cuối tháng 2, tin tức về Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) sẽ sáp nhập vào Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã râm rang trong dư luận.

Dự kiến, tại ĐHĐCĐ của Sacombank sắp tới (ngày 25/3), ngoài những vấn đề sẽ phải bàn đến như phân phối lợi nhuận, kế hoạch tăng vốn điều lệ và sử dụng vốn, thay đổi nhân sự..., HĐQT Sacombank sẽ trình và xin ý kiến cổ đông về chủ trương cho Southern Bank sáp nhập vào Sacombank.

Nếu được chấp thuận, các công việc tiếp theo như nghiên cứu xây dựng đề án khả thi, chuẩn bị các thủ tục, thực hiện sáp nhập sẽ giao HĐQT thực hiện. Thời gian sáp nhập có thể sẽ hoàn tất ngay trong năm nay.

Nhưng để Southern Bank về một nhà với Sacombank trước hết phải được cổ đông đôi bên đồng ý. Theo luật, ít nhất 65% cổ đông có quyền biểu quyết thông qua thì việc sáp nhập hai ngân hàng mới được tính tiếp.

Hiện tại, nhìn trên cơ cấu cổ đông và bỏ qua số cổ phiếu quỹ cùng cổ phần do những người liên quan đến ông Trầm Bê nắm giữ thì quyền quyết định để Sacombank và Southern Bank sáp nhập đang nghiêng về một số cổ đông lớn tại Sacombank như: Eximbank (10,3%), Đầu tư Sài Gòn Exim (4,73%) và Đầu tư Tài chính Sài Gòn Á Châu (2,49%).

Gộp chung, nhóm Eximbank đang giữ gần 18% cổ phần ở Sacombank. Khi nhóm Eximbank ủng hộ, kế hoạch sáp nhập sẽ được dự báo thuận lợi. Nhưng ngoài nhóm Eximbank, cổ đông nước ngoài và các cổ đông nhỏ lẻ khác cũng đang giữ tỷ lệ cổ phần khá lớn.

Các cổ đông này có tán thành phương án sáp nhập không và Sacombank sẽ thuyết phục ra sao về các cơ hội sau sáp nhập? Với những thắc mắc còn chưa sáng tỏ này, dự báo sức nóng của ĐHCĐ ở Sacombank sẽ không kém gì kỳ ĐHCĐ năm ngoái.

Bài toán kinh doanh

Năm 2013 là năm của nhiều biến động. Vì thế, kinh doanh ở một số doanh nghiệp niêm yết có những kết quả bất ngờ. Điển hình, Công ty XNK Thủy sản An Giang- Agrifish (AGF) lần đầu tiên báo lỗ sau 12 năm niêm yết. Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất mới nhất, AGF lỗ hơn 9,3 tỷ đồng trong quý IV/2013.

Mặc dù lãnh đạo AGF đã có giải trình rằng thua lỗ này là do trích dự phòng khoản phải thu khó đòi nhưng trong ĐHĐCĐ sắp đến (25/3), câu chuyện thua lỗ này có thể sẽ được khơi lại. Theo tài liệu công bố trước ĐHĐCĐ, AGF dự kiến trình cổ đông thông qua chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2014 ước đạt 110 triệu USD, doanh thu 3000 tỷ đồng, lãi trước thuế 120 tỷ đồng.

Các con số này giống với kế hoạch năm 2013 của AGF. Tuy nhiên, nhìn trong quá khứ, từ năm 2011, AGF chỉ đạt được chỉ tiêu doanh thu, còn mức lợi nhuận thực hiện chỉ trong khoảng 40-50% kế hoạch đề ra. Năm 2014, AGF sẽ còn đối diện với nhiều khó khăn khi thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ dự kiến áp chính sách thuế mới lên AGF.

Theo đó, cá của AGF vào Mỹ có thể sẽ chịu thuế cao nhất 2,15 USD/kg. Với mức thuế này, giới chuyên gia trong ngành dự báo, AGF khó cầm cự được ở thị trường Mỹ và buộc phải chuyển hướng thị trường.

Rủi ro thị trường, rủi ro khách hàng sẽ là những áp lực lớn, đòi hỏi ở lãnh đạo công ty một chiến lược hợp lý. Chiến lược đó ra sao sẽ được bàn đến chi tiết hơn trong ngày ĐHĐCĐ sắp tới.

Ở chiều ngược lại, Công ty CP Ngoại thương và Đầu tư TPHCM (Fideco-FDC) chuẩn bị cho ngày ĐHĐCĐ thường niên năm 2014 (18/3) trong tâm thế thoải mái hơn. Năm 2013, Fideco đã đạt kết quả kinh doanh rất ấn tượng với doanh thu 247,5 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 326,5 tỷ đồng, tăng 58% về doanh thu và tăng 735% về lợi nhuận so với năm 2012.

Con số lãi vượt cả doanh thu cho thấy yếu tố bất thường trong kinh doanh của Fideco. Mặc dù phía Fideco đã giải thích về lãi lớn trong năm 2013 nhờ thoái vốn khỏi CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư Địa ốc Châu lục (Fidecoland Jsc), nhưng nhà đầu tư vẫn muốn biết liệu năm 2014, Fideco còn thêm nguồn nào đáng kể? Được biết, HĐQT của Fedico dự kiến sẽ tiếp tục thoái vốn khỏi công ty con Đức Lợi.

Nhưng đây là công ty nhỏ và theo chia sẻ của đại diện Fedico, Đức Lợi làm ăn không thuận lợi. Do đó, nếu thoái vốn thành công thì nguồn thu về cũng không đáng kể. Fedico đã xây dựng kế hoạch cho năm 2014 khá thận trọng với chỉ tiêu doanh thu gần 72 tỷ đồng, lãi trước thuế chỉ hơn 45 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động tài chính sẽ là đóng góp chính.

Tương tự, HĐQT của Công ty CP Cơ điện lạnh REE (REE) dự kiến sẽ trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận giảm 8,6%, dù mục tiêu doanh thu cho năm 2014 là 2.654 tỷ đồng, tăng 10%. Lý do REE giảm kế hoạch lợi nhuận trong năm 2014 sẽ được trả lời chính xác, đầy đủ ở ĐHĐCĐ dự kiến tổ chức ngày 28/3 tới.

Chia cổ tức

Năm nào cũng vậy, chủ đề được chú ý và gây tranh luận tại các kỳ ĐHCĐ vẫn là câu chuyện chi trả cổ tức. Đặc biệt năm nay, khi tình trạng doanh nghiệp khất trả cổ tức xảy ra phổ biến, khả năng cổ đông tranh thủ "đòi" thanh toán cổ tức ngay trong ĐHĐCĐ là rất cao.

Theo thống kê sơ bộ, còn hơn 50% doanh nghiệp đang nợ cổ tức của năm 2013, 2012. Nghiêm trọng hơn, như Petroland (PTL) nợ cổ tức năm 2011 đến nay vẫn chưa trả.

Theo các tài liệu công bố, mức cổ tức phổ biến cho năm 2014 ở nhiều doanh dự kiến trong khoảng 10-20%. Riêng các doanh nghiệp như Công ty CP Đá Núi Nhỏ (NNC), Công ty CP CNG Việt Nam (CNG) vẫn duy trì mức cổ tức cao. Theo kế hoạch, ĐHĐCĐ thường niên sắp tới của NNC sẽ bàn về kế hoạch chia cổ tức ở mức 40 - 60%.

Hay CNG dự định trả cổ tức 35% bằng tiền. Đây là những mức cổ tức hấp dẫn nếu so với mặt bằng thị trường nhưng so với các năm trước thì không cao. Năm 2012, mức cổ tức ở NNC là 70%, năm 2013 là 66%.

Thực tế, NNC không chỉ giảm cổ tức mà còn giảm chỉ tiêu lợi nhuận năm 2014. Cụ thể, kế hoạch lợi nhuận sau thuế của NNC là 64 tỷ đồng, giảm 11,1% so với năm 2013.

Tuy nhiên, điều yên tâm cho NNC là nhóm cổ đông lớn như công ty Vật tư xây dựng Bình Dương, giày Thái Bình... đang nắm gần 60% vốn ở NNC và ĐHĐCĐ ở NNC thường diễn ra yên ả. Câu chuyện cổ tức thường sục sôi hơn ở những doanh nghiệp đưa ra mức cổ tức không thỏa mong đợi của nhà đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mùa cổ đông về
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO