Lo ngại từ đỉnh cao lợi nhuận

Khánh Phương| 11/08/2019 07:00

Nhiều doanh nghiệp (DN) mới đây công bố lợi nhuận quý II và 6 tháng đầu năm đạt mức rất cao, kéo theo giá cổ phiếu không ngừng tăng. Tuy nhiên, giữa lúc mọi thứ đang “tuyệt vời” thì đã có không ít lo ngại về thời kỳ tăng trưởng mạnh sắp qua.

Lo ngại từ đỉnh cao lợi nhuận

Lợi nhuận cao, cổ phiếu leo thang

Trong số 10 DN đạt lợi nhuận cao nhất trong 6 tháng đầu năm nay, nhóm ngân hàng đóng góp đến 6 cái tên: Vietcombank lãi 9.068 tỷ đồng, Techcombank lãi 4.491 tỷ đồng, Vietinbank lãi 4.295 tỷ đồng, MBBank lãi 3.777 tỷ đồng, BIDV lãi 3.737 tỷ đồng và VPBank lãi 3.471 tỷ đồng.

Đáng lưu ý là Vietcombank dù vẫn giữ vị trí số một trong nhóm ngân hàng, nhưng ngôi vị quán quân lợi nhuận đã rơi vào tay Công ty CP Vinhomes (HOSE: VHM) thuộc Vingroup, với mức lợi nhuận 9.783 tỷ đồng, cao hơn 8% so với Vietcombank. Hàng loạt công trình được triển khai trong thời gian qua đã đẩy kết quả kinh doanh riêng trong quý II của VHM tăng đột biến, với doanh thu đạt 20.917 tỷ đồng và lãi ròng 7.243 tỷ đồng, lần lượt tăng 309% và 75% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, Vingroup (HOSE: VIC) có doanh thu quý II đạt hơn 39.400 tỷ đồng, cao nhất từ khi niêm yết, giúp lãi ròng quý II tăng 687% và 6 tháng tăng 120% so với cùng kỳ 2018.

Thị trường cũng chứng kiến hàng loạt DN khác tăng trưởng nhảy vọt so với cùng kỳ 2018, như TPBank tăng 58%, SHB tăng 53%, Sacombank tăng 50%, VHC tăng 64%, PVI tăng 90%, HDG tăng 777%, AAA tăng 303%, BCC tăng 340%... Có gần 50 DN đã gần đạt hoặc vượt kế hoạch sản xuất, kinh doanh cả năm đề ra, dù chỉ mới đi được một nửa chặng đường.

Nhưng điều mà giới đầu tư chứng khoán quan ngại nhất là lợi nhuận rất cao của nhiều DN công bố vừa qua có thể là kết thúc một thời kỳ tăng trưởng vững mạnh trong giai đoạn lãi suất thấp và nền kinh tế tăng trưởng ổn định. Và một khi tăng trưởng mạnh không thể tiếp tục thì giá cổ phiếu có thể diễn biến tiêu cực trở lại.

Lợi nhuận tăng vọt đi kèm với giá cổ phiếu của nhiều DN lên cao nhất từ trước đến nay, hoặc tiến sát mức đỉnh cũ, bất chấp thị trường chung ảm đạm. Như cổ phiếu Vietcombank đã lập kỷ lục mới ở 82.500 đồng/CP vào ngày 30/7/2019, cổ phiếu VIC lập kỷ lục mới ở gần 125.000 đồng/CP và dao động quanh vùng này trong những ngày gần đây, cổ phiếu VHM lên lại vùng 90.000 đồng/CP, chỉ còn cách đỉnh cũ hơn 5%, trong khi cổ phiếu BID cách đỉnh cũ chưa đến 5%.

Lo ngại từ đỉnh cao

Trong tuần từ 29/7 đến 2/8/2019, đã có đến 186 mã cổ phiếu vượt qua đỉnh cao trong 250 phiên gần nhất, cho thấy nhiều cổ phiếu cận kề vùng giá cao nhất trong một năm trở lại đây. Tuy nhiên, điều này cũng hàm chứa rủi ro đang ngày càng tăng, nhất là trong bối cảnh có nhiều yếu tố gây áp lực lên thị trường.

Bất chấp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã giảm lãi suất như dự báo, thị trường chứng khoán Mỹ vừa qua liên tiếp điều chỉnh khi Chủ tịch FED là Jerome Powell cho biết đây chỉ là đợt điều chỉnh tạm thời trong xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ. Đáng lo ngại hơn khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đánh thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc kể từ ngày 1/9/2019 tới.

Hệ quả là chứng khoán toàn cầu giảm mạnh, đặc biệt là chứng khoán Trung Quốc, điều này càng tạo thêm áp lực lên chứng khoán Việt Nam khi chỉ số VN-Index mới đây lại một lần nữa thất bại ở mốc 1.000 điểm.

Nhưng điều mà giới đầu tư chứng khoán quan ngại nhất là lợi nhuận rất cao của nhiều DN công bố vừa qua có thể là kết thúc một thời kỳ tăng trưởng vững mạnh trong giai đoạn lãi suất thấp và nền kinh tế tăng trưởng ổn định. Và một khi tăng trưởng mạnh không thể tiếp tục thì giá cổ phiếu có thể diễn biến tiêu cực trở lại.

Hiện tại, hầu hết DN chỉ mới công bố báo cáo tài chính quý II, do đó cũng có nhiều người lo ngại báo cáo tài chính bán niên kiểm toán mới phản ánh thật sự lợi nhuận đạt được trong 6 tháng đầu năm nay. Quá khứ cũng cho thấy lợi nhuận sau kiểm toán của không ít DN sai lệch rất lớn so với con số công bố ban đầu, làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư, đặc biệt là không ít DN không minh bạch về thông tin.

Thời kỳ đỉnh cao lợi nhuận của nhiều DN chưa biết đã sắp kết thúc hay chưa, nhưng với xung đột thương mại, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, kinh tế thế giới giảm tốc, xu hướng lãi suất và tỷ giá đối mặt với biến động khó lường, thì rõ ràng môi trường kinh doanh đang ngày càng trở nên khó khăn hơn. Do đó để duy trì hiệu quả hoạt động và tăng trưởng lợi nhuận ở vùng kỷ lục như hiện nay không phải là dễ dàng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lo ngại từ đỉnh cao lợi nhuận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO