Lặng sóng

HÀ LINH| 23/08/2013 09:55

Chứng khoán, ngân hàng và bất động sản là nhóm các cổ phiếu có giá trị vốn hóa vào hàng lớn nhất và số lượng đông đảo nhất trên thị trường. Nhưng thời gian vừa qua, cả ba nhóm này đã không gây được ấn tượng nào về sự đột biến.

Lặng sóng

Chứng khoán, ngân hàng và bất động sản là nhóm các cổ phiếu có giá trị vốn hóa vào hàng lớn nhất và số lượng đông đảo nhất trên thị trường. Nhưng thời gian vừa qua, cả ba nhóm này đã không gây được ấn tượng nào về sự đột biến.

Đọc E-paper

Nửa đầu tháng 8, VND (Chứng khoán VN Direct) dao động quanh mức giá 8.600 - 8.700 đồng/cổ phiếu, KLS (Chứng khoán Kim Long) dù có tăng nhưng cũng chỉ ở mức "nhẹ nhàng" khi từ 8.100 đồng lên 8.600 đồng mỗi cổ phiếu. Một cổ phiếu chứng khoán tiêu biểu khác là SSI (Chứng khoán Sài Gòn) cũng ở trạng thái đi ngang trong thời gian qua tại mốc khoảng 16.600 đồng.

Còn những cổ phiếu của các công ty chứng khoán nhỏ thì không những giá bèo, chỉ vài ngàn đồng cho mỗi cổ phiếu, mà thanh khoản cũng tê liệt luôn. Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng ở trạng thái tương tự khi VCB (Vietcombank) chỉ dao động trong mốc 27.000 - 28.000 đồng trong khoảng 20 phiên gần đây, CTG (VietinBank) nằm trong vùng giá 19.000 - 20.000 đồng.

Trong các cổ phiếu bất động sản, trừ VIC (Vingroup) và Hoàng Anh Gia Lai (HAG) là những mã vốn hóa lớn, có những đợt tăng giảm nhất định, hầu hết các mã còn lại đều trở thành "cổ phiếu buồn". Licogi 16 (LCG) mới báo lỗ 60 tỷ đồng trong nửa đầu năm và cổ phiếu này hiện đang ở mức dưới 6.000 đồng.

Nếu như LCG giảm giá do thua lỗ thì NTL (Nhà Từ Liêm) dù làm ăn có lãi, 6 tháng đạt lợi nhuận sau thuế hơn 25 tỷ đồng nhưng giá cổ phiếu gần 3 tháng qua cũng đã giảm từ 15.000 đồng xuống còn 12.000 đồng rồi mới bắt đầu tăng nhẹ trở lại.

Lý giải cho sự kém ấn tượng của ba nhóm cổ phiếu trên có thể kể ra một số nguyên nhân sau đây: Cả ba ngành đang trong giai đoạn khó khăn và cần tiến hành tái cấu trúc triệt để. Nếu xem thị trường chứng khoán giao dịch dựa trên kỳ vọng thì rõ ràng trong ngắn hạn, kỳ vọng về khả năng giải quyết các vấn đề trong các ngành này là khó xảy ra, cần thời gian dài.

Nhưng thực tế, yếu tố khó khăn chung chỉ là một phần, bởi lẽ những công ty chứng khoán như SSI, VND hoặc các ngân hàng như VCB, CTG thì dù gặp thách thức nhưng kết quả kinh doanh cũng vẫn ở mức tốt, vẫn duy trì được vị thế trong ngành. Việc cổ phiếu không biến động mạnh, nói theo ngôn ngữ thị trường là "không có sóng" còn nằm ở xu hướng lựa chọn của dòng tiền.

Dòng tiền trên thị trường 1-2 năm gần đây không quá dồi dào, nên cũng chỉ tập trung tại những mã nào có yếu tố đặc biệt thu hút, kiểu như kết quả kinh doanh đột biến, doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng mạnh như Vinamilk (VNM).

Những cổ phiếu có kết quả kinh doanh mang tính đột biến như DRC (Cao su Đà Nẵng) hay CSM (Casumina) cũng được ưa thích. Trong ngắn hạn, khả năng tạo đột biến của các ngân hàng, công ty chứng khoán hay các doanh nghiệp bất động sản e rằng khó.

Nhưng ở đây, cũng cần xem xét đến một "điểm sáng" trong xu hướng có phần giống nhau của những nhóm cổ phiếu này, đó là yếu tố thanh khoản. Dù không tăng giá mạnh, nhưng các cổ phiếu hàng đầu vẫn duy trì được thanh khoản, đây là điều quan trọng không kém việc tăng hay giảm giá.

Cả SSI, VND, KLS đều là những cổ phiếu có tính thanh khoản hàng đầu không chỉ trong nhóm chứng khoán mà tính trên cả thị trường. Như vậy, cả ba vẫn đóng góp đáng kể cho thị trường, và tất nhiên là cho cả nguồn thu của các công ty chứng khoán.

Tương tự như vậy, VCB và CTG dù có những phiên khối ngoại bán ròng thì khối lượng giao dịch vẫn đạt mức cao, có người bán, có kẻ mua. Về mặt dài hạn, đây vẫn là những cổ phiếu có giá trị, vị thế hàng đầu, và cũng chỉ ở giai đoạn hiện nay thì việc mua vào cũng dễ dàng như vậy.

Hơn nữa, cả VCB và CTG đều có thêm lợi điểm là những mã có vốn hóa lớn tác động trực tiếp đến diễn biến của VN - Index nên cũng thu hút một lượng tiền đáng kể từ các quỹ đầu tư theo chỉ số.

Nhìn chung, khi không còn tạo được nhiều ấn tượng với các nhà đầu tư, khả năng có thể tạo đột biến của ba nhóm cổ phiếu trong ngắn hạn khó xảy ra, nếu có sẽ chỉ diễn ra trong phạm vi hẹp, tại một vài cổ phiếu.

Dòng tiền tham gia đối với ba cổ phiếu này sẽ mang tính chất chọn lọc, dài hạn nhiều hơn là để lướt sóng. Vậy nên, với những chiến thuật mang tính chờ đợi, rằng những mã này, cổ phiếu kia chưa tăng, đang rẻ lắm rồi thì kiểu gì cũng phải tăng sẽ trở nên rất rủi ro.

Rủi ro không nằm ở khả năng giá sẽ giảm mạnh nữa, vì sau một thời gian dài không biến động, nhìn chung một khu vực giá tương đối ổn định đã được thiết lập, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn, có những lợi thế riêng mà rủi ro nằm ở yếu tố bị động.

Vì cổ phiếu không còn hấp dẫn như trước, nên mua vào sẽ phải chờ đợi, nhưng chờ đợi quá lâu trong khi những cổ phiếu khác tăng giá có thể khiến nhà đầu tư nào đó mất cơ hội sinh lời. Trong trường hợp không thể chờ được nữa và muốn xoay sang các nhóm cổ phiếu tăng giá, thì khả năng phải mua ở mức giá cao, hoặc giá đỉnh rất dễ xảy ra.

Vậy nên, cần một cách tiếp cận có phần chủ động, thận trọng và mang tính dài hạn với nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng và bất động sản thay vì kỳ vọng sẽ tăng nóng, tăng mạnh để lướt sóng và có lẽ những dòng tiền (không hề nhỏ) đang vào ra tại những cổ phiếu này cũng đã xác định được điều này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lặng sóng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO