Kế sách tài chính thời khủng hoảng

15/08/2012 06:11

Hàng hóa không bán được, chủ nợ hối thúc, những chi phí cố định phải chi trả đều đều mỗi tháng… Trước tình cảnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã phải áp dụng không ít chiêu thức tài chính.

Kế sách tài chính thời khủng hoảng

Hàng hóa không bán được, chủ nợ hối thúc, những chi phí cố định phải chi trả đều đều mỗi tháng… Trước tình cảnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã phải áp dụng không ít chiêu thức tài chính. Nhưng tóm gọn lại tất cả đều nằm ở câu: Giữ tiền bằng mọi giá.

Tăng cường nguồn vốn, giải quyết nợ vay đến hạn là mục tiêu hàng đầu của không ít doanh nghiệp

1. Phát hành trái phiếu quốc tế

Trước tình cảnh tín dụng trong nước khó khăn, để huy động được vốn, một số doanh nghiệp đã tìm đến thị trường quốc tế. Trong 6 tháng đầu năm nay, Vingroup đã huy động được 300 triệu USD, gấp 1,5 lần doanh thu năm 2011, nhờ phát hành trái phiếu chuyển đổi quốc tế với lãi suất 5% năm. Đại diện của Vingroup cho hay, bí quyết thành công nằm ở tiềm năng, sự minh bạch và công tác chuẩn bị.

Ngược với Vingroup, Vinacomin cũng từng thực hiện một số chương trình giới thiệu trái phiếu quốc tế, song đã phải từ bỏ ý định phát hành vì tín hiệu thị trường quá yếu.

2. Vay cổ đông

Không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được nguồn vốn quốc tế. Do vậy, nhiều doanh nghiệp đã hướng tới nhà đầu tư trong nước, trước hết là cổ đông lớn.

Vừa qua, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) đã thoát được cảnh mất sạch vốn chủ sở hữu, chìm trong nợ, không tiền mặt để hoạt động nhờ 800 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi bán cho cổ đông lớn Sacombank.

Công ty Cổ phần Nhà Việt Nam cũng đã phải vay 80 tỷ đồng của bà Quách Thu Thanh, chị ruột của một thành viên hội đồng quản trị, để giải quyết khó khăn.

3. Vay nhân viên

Tập Đoàn Mai Linh thì chọn cách vay vốn từ nhân viên với lãi suất 12%/năm. Số tiền mà doanh nghiệp này huy động được lên tới 20% tổng nguồn vốn. Ngoài ra, Mai Linh còn phối hợp với nhà cung cấp và ngân hàng để cho nhân viên mua xe với giá rẻ. Sau đó, những nhân viên này cho Công ty thuê lại xe.

“Nếu các tổ chức tín dụng không đáp ứng được yêu cầu vay vốn của doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể tìm được nguồn vốn dù khiêm tốn nhưng bền vững trong nhân viên”, ông Hồ Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Mai Linh, cho biết.

4. Chuyển nợ thành vốn

Đối với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do đi vay quá nhiều, việc giảm nợ vay là yêu cầu cấp thiết. Thế nhưng, lấy tiền ở đâu ra? Công ty Thủy sản Bình An (Bianfishco) đã đưa ra câu trả lời cho vấn đề này. Đó là chuyển nợ thành vốn. Biện pháp này sẽ có thể giúp Bianfishco nhanh chóng hoạt động trở lại và thực hiện tái cơ cấu với sự tham gia tích cực của những chủ nợ cũ.

5. Đảo nợ

Nếu không muốn (hoặc không thể) chuyển nợ thành vốn góp, doanh nghiệp cũng có thể thương lượng để chuyển vốn vay ngắn hạn sang dài hạn. Nhiều doanh nghiệp đã mắc phải sai lầm khi dùng vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn. Vì thế, việc đảo nợ sẽ giúp điều chỉnh lại cơ cấu nguồn vốn.

Đầu tháng 3, Công ty Vạn Phát Hưng đã chuyển toàn bộ 402 tỷ đồng nợ vay ngắn, trung hạn thành nợ vay dài hạn. Các khoản nợ vay này chiếm 90% tổng dư nợ của Công ty tại ngân hàng và đang được sử dụng để phát triển dự án mới.

6. Giảm lãi

Theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 15/7 các ngân hàng phải giảm lãi suất các khoản vay cũ xuống mức 15%/năm. Nhưng không phải mãi tới khi Ngân hàng Nhà nước ra thông báo trên, các ngân hàng cũng như doanh nghiệp mới thực hiện việc này.

Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thái Hòa, cho biết Tập đoàn đang thương lượng với ngân hàng để giảm hoặc không tính lãi đối với các khoản vay cũ. Tuy vậy, cho đến nay vẫn chưa có thông tin gì khác về các khoản vay của tập đoàn này.

7. Cổ đông góp thêm vốn

Phương án này có nhiều lợi thế như chi phí phát hành thấp, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, đối tác. Tuy vậy, nó thường không được cổ đông ưa chuộng. Vì thế, đây chỉ là phương án phụ thêm trong các đợt tăng vốn.

Khoáng sản Bình Thuận Hamico (KSA), một trong số những cổ phiếu đã tăng mạnh 2 quý đầu năm nay, vừa quyết định tăng gấp đôi vốn điều lệ lên 308 tỷ đồng qua việc phát hành 15,4 triệu cổ phần. Trong đó, chỉ khoảng 3 triệu cổ phần được bán cho cổ đông hiện hữu, còn lại bán cho nhà đầu tư chiến lược.

8. Cổ đông chiến lược

Cổ đông chiến lược thường là các tổ chức có uy tín, năng lực tài chính, có khả năng hỗ trợ doanh nghiệp trong quản trị, điều hành và có lợi ích phù hợp với chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Vì thế, năm 2011, Vietcombank (VCB) đã bán 15% cổ phần cho ngân hàng Nhật Mizuho và đây sẽ là đối tác chiến lược duy nhất của VCB. Đối tác này sẽ giữ một vị trí thành viên Hội đồng quản trị của VCB và cung cấp cho Ngân hàng các dịch vụ hỗ trợ về đào tạo, kỹ thuật…

Ngoài VCB, nhiều doanh nghiệp lớn khác cũng đã chào đón những cổ đông mới như Masan, Habeco.

9. Không chia cổ tức

Kinh doanh thua lỗ nên không chia cổ tức là chuyện bình thường. Nhưng cả khi có lợi nhuận, doanh nghiệp cũng có thể không chia cổ tức. Masan đã quyết định không chia cổ tức năm 2011 dù lợi nhuận chưa phân phối còn đến 4.680 tỉ đồng. Quyết định này của Masan dựa vào nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó quan trọng nhất là nhu cầu vốn để mở rộng hoạt động của Công ty.

10. Hoãn trả cổ tức

Những ngày cuối năm 2011, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (SHN) đã quyết định hoãn trả cổ tức năm 2010 đến ngày 30/6/2012 do chưa thu được nợ từ Công ty cổ phần Beta. Chưa đầy 4 tháng sau, Chủ tịch Công ty lại bất ngờ tuyên bố doanh nghiệp đang trên bờ vực phá sản do đối tác Beta vi phạm hợp đồng.

Ngoài SHN, một số doanh nghiệp khác cũng đã hoãn trả cổ tức vì chưa thu xếp được nguồn tiền để trả cổ tức như Công ty cổ phần Sông Đà 9.06, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex.

11. Giảm cổ tức

Công ty Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí PVC (PTL) đã hoãn trả cổ tức từ tháng 2 sang tháng 6 rồi tới tháng 9. Không chỉ vậy, Công ty còn giảm mạnh tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2011 từ 18% xuống còn 4%. Thay đổi chính sách kế toán để chuyển lợi nhuận từ năm 2010 sang năm 2011, nhưng PTL không thể đòi lại cổ tức đã chia năm 2010. Thế nên cổ đông mới phải cam chịu, chấp nhận mức cổ tức thấp.

Cùng với PTL, một loạt tên tuổi lớn khác cũng giảm cổ tức như Công ty LICOGI 16, Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA).

12. Trả bằng cổ phiếu thưởng

Dù giảm hay hoãn trả cổ tức, ít nhất doanh nghiệp cũng chi một khoản lợi tức nhất định cho các cổ đông. Thế nhưng, nếu trả cổ tức bằng phát hành cổ phiếu thưởng thì doanh nghiệp vừa không phải chi ra đồng nào (trừ chi phí hành chính) vừa xoa dịu được cổ đông.

Công ty cổ phần Sông Đà 9.09, dù lỗ hoạt động kinh doanh hơn 4 tỷ đồng, cũng đã trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỉ lệ 15% (100 cổ phiếu cũ được nhận 15 cổ phiếu mới).

Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư không đánh giá cao việc này. Bởi lẽ, về bản chất, khi chia cổ tức bằng cổ phiếu, tổng giá trị cổ phiếu đang sở hữu của cổ đông không hề tăng lên, có chăng chỉ là gia tăng số lượng cổ phần sở hữu mà thôi.

13. Trả cổ tức bằng sản phẩm

Ngành bất động sản đang gặp khó khăn, hàng hóa không bán được nhưng doanh nghiệp thì vẫn phải trả cổ tức cho cổ đông. Vì thế, Công ty Đầu tư và Xây dựng số 8 (CIC8) đã nảy ra một sáng kiến là trả cổ tức bằng sản phẩm. Cổ đông của CIC8 có thể được nhận cổ tức bằng căn hộ hoặc nền đất tại các dự án do CIC8 làm chủ đầu tư với chính sách ưu đãi. Những cổ đông nào không chọn cách này buộc phải đến cuối năm nay mới nhận được cổ tức năm 2011.

14. Trả cổ tức bằng cổ phiếu quỹ

Công ty cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH) chắc chắn sẽ đi vào lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam với phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu quỹ. Cuối tháng 4, TLH đã đưa ra phương án chia cổ tức năm 2011 bằng cổ phiếu theo tỉ lệ 100 cổ phiếu cũ nhận 9 cổ phiếu mới từ nguồn cổ phiếu quỹ. Như vậy, TLH vừa không phải tăng vốn điều lệ vừa có thể trả cổ tức cho cổ đông.

Tuy đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt nhưng phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu quỹ của Công ty đã phải tạm dừng vì… quá độc. Bởi lẽ, thị trường chứng khoán Việt Nam chưa có tiền lệ, cũng chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan quản lý cho việc này.

15. Bán cổ phiếu quỹ

Lúc tiền mặt dư giả, doanh nghiệp mua lại cổ phiếu quỹ để tạo nguồn hàng dự trữ. Đến lúc gặp khó khăn, họ lại bán cổ phiếu quỹ ra để tạo nguồn tiền. Đây cũng là cách một số doanh nghiệp đã sử dụng.

Giữa tháng 7 vừa qua, Tập đoàn Hòa Phát đã chấp nhận bán rẻ cổ phiếu quỹ để thu về tiền mặt. Trước đó, Công ty Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL) cũng đã thu được khoảng 38 tỷ đồng từ việc bán cổ phiếu quỹ.

16. Sáp nhập công ty con

Sau thời gian tích cực mở rộng hoạt động tại các công ty con, công ty liên kết, trong 2 năm gần đây, đã xuất hiện xu hướng ngược lại là sáp nhập các công ty con, công ty liên kết vào công ty mẹ. Điển hình là Công ty cổ phần FPT.

Năm 2011, FPT đã tái cấu trúc doanh nghiệp bằng cách sáp nhập các công ty FPT Software, FPT Trading, FPT Telecom… vào Tập đoàn. Một mặt, việc sáp nhập có thể giúp FPT tránh trường hợp các công ty con giẫm chân lên nhau, giảm chi phí hành chính, lãng phí nguồn lực; mặt khác, còn có thể giúp nâng cao khả năng huy động vốn nhờ tổng tài sản tăng lên.

17. Bán công ty con

Một xu hướng khác cũng đang diễn ra khá mạnh mẽ là thoái vốn khỏi các công ty con, công ty liên kết. Công ty Địa ốc Hoàng Quân vừa quyết định thoái vốn khỏi 4 công ty liên kết, dự kiến thu về ít nhất 68 tỉ đồng. Ngoài Hoàng Quân, hàng loạt doanh nghiệp khác cũng đã thoái vốn khỏi các công ty con, công ty liên kết như Công ty cổ phần Xây dựng số 11, Công ty Bất động sản Phát Đạt.

18. Bán dự án

Hoàng Quân chỉ phải lùi một bước trong chiến lược dài hạn của mình, nhưng một số doanh nghiệp khác đã bị buộc phải bán đi những đứa con cưng của mình - các dự án giá trị - với giá rẻ. Tại Đại hội cổ đông, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai (QCG), cho biết Công ty sẽ bán sỉ dự án cho các nhà đầu tư hoặc hạ giá bán để tái đầu tư và giảm áp lực trả lãi vay. Công ty hiện đang thỏa thuận về hình thức hợp tác với một số đối tác tiềm năng ở dự án Khu Dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM. Ngoài ra, dự án 24 Lê Thánh Tôn, quận (TP.HCM) cũng đang trong quá trình thương thảo để bán 50% diện tích theo hình thức góp vốn.

19. Bán tài sản

Một số doanh nghiệp đã giải quyết khó khăn về vốn bằng cách bán tài sản cố định, điển hình là các công ty vận tải tàu biển. Chẳng hạn, năm 2011, Công ty Vận tải biển Việt Nam (VOS) có hơn 505 tỉ đồng lợi nhuận từ việc thanh lý tàu. Nhờ đó, VOS đã thoát khỏi cảnh thua lỗ.

20. Thôn tính

Sự sa cơ của doanh nghiệp này lại mang đến cơ hội thâu tóm cho doanh nghiệp khác. Chỉ trong nửa đầu năm 2012, Công ty Thủy Sản Hùng Vương đã trở thành cổ đông chi phối tại nhiều công ty như Thủy sản Sao Ta, Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng, Thủy sản Tắc Vân… Tháng 7.2011, Hùng Vương cũng đã mua lại gần 25% cổ phần tại Công ty Lâm Thủy sản Bến Tre, một doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

21. Tẩu kế

Đầu năm nay thị trường chứng khoán Việt Nam rộ lên thông tin về khả năng lãnh đạo doanh nghiệp cố tình hủy niêm yết để ép cổ đông nhỏ bán rẻ cổ phiếu, sau đó có khi lại niêm yết trở lại hoặc hủy niêm yết để bán các tài sản có giá trị mà không cần công bố thông tin.

Gần đây, Công ty Hóa - Dược phẩm Mekophar (MKP) đã mua lại cổ phiếu với giá cao để hủy niêm yết. Thế nhưng phần lớn cổ đông đã không chịu bán lại cổ phiếu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kế sách tài chính thời khủng hoảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO