Hiểu đúng về bảo hiểm tiền gửi

GIA LÊ| 08/12/2018 08:51

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây cho biết, với hạn mức 75 triệu đồng, bảo hiểm tiền gửi có khả năng bảo vệ được 87,32% số lượng người gửi tiền, khá gần với khuyến nghị của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi Thế giới...

Hiểu đúng về bảo hiểm tiền gửi

Ảnh minh họa: Quý Hòa

Nhiều người từ trước đến nay vẫn hiểu rằng bảo hiểm tiền gửi là phải có nhiệm vụ đảm bảo hoàn trả được đầy đủ lượng tiền gửi của khách hàng một khi tổ chức tín dụng nào đó phá sản. Vì vậy, khi quy định về bảo hiểm tiền gửi tối đa 75 triệu đồng cho bất kỳ số tiền gửi nào tại ngân hàng đã khiến không ít người bất ngờ và cho rằng quy định trên là bất hợp lý. Và nhiều người chọn cách chia nhỏ giá trị tiền gửi đem gửi tại nhiều ngân hàng để giảm thiểu rủi ro.

Dù vậy, cần biết rằng quy định về bảo hiểm tiền gửi đã có từ khá lâu, với hạn mức trước đây chỉ là 50 triệu đồng, và vừa rồi mới được nâng lên 75 triệu đồng, tức tăng rất cao so với hạn mức cũ. Về việc tại sao lại đưa ra con số này thì người đứng đầu NHNN đã giải đáp vào cuối năm 2017 là có bốn cơ sở, gồm năng lực tài chính của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, thực trạng tình hình kinh tế Việt Nam, quy mô tiền gửi, thông lệ, chuẩn mực quốc tế.

Link bài viết

Đầu tiên, cần hiểu rằng bảo hiểm tiền gửi không phải như bảo hiểm nhân thọ hay bảo hiểm tai nạn, mà theo quy định là các công ty bảo hiểm sẽ đền bù số tiền gấp nhiều lần hoặc ít nhất bằng với số tiền bảo hiểm đã đóng. Nếu như khách hàng tham gia các hình thức bảo hiểm trên buộc phải đóng một số tiền tối thiểu hoặc theo định kỳ với giá trị không hề nhỏ cho công ty bảo hiểm, thì người gửi tiền chỉ đơn thuần gửi tiền vào ngân hàng, còn phí bảo hiểm tiền gửi là do tổ chức tín dụng đóng cho cơ quan bảo hiểm tiền gửi.

Phí bảo hiểm tiền gửi hiện nay chỉ ở mức 0,15%/năm tính trên số dư tiền gửi bình quân được bảo hiểm, như vậy giả sử một ngân hàng có lượng tiền gửi bình quân năm là 100.000 tỷ đồng, thì phí bảo hiểm tiền gửi mà ngân hàng này đóng cho cơ quan bảo hiểm tiền gửi trong năm đó chỉ vào khoảng 150 tỷ đồng. Rõ ràng với phí thu khiêm tốn như thế, trong khi cơ quan bảo hiểm tiền gửi lại hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, do đó không thể đem vốn đầu tư mạo hiểm như các công ty bảo hiểm để kiếm lời lớn, thì rất khó để cơ quan này đủ nguồn lực hoàn trả 100% giá trị cho người gửi tiền.

Theo báo cáo thường niên cập nhật năm 2016 của Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi thì tổng tài sản đến cuối năm 2016 là gần 33.099 tỷ đồng, còn thấp hơn nhiều so với lượng tiền gửi tại một ngân hàng thương mại có quy mô trung bình. Trong khi đó, tổng giá trị tiền gửi toàn hệ thống trong cùng thời điểm là gần 6 triệu tỷ đồng, đã lên hơn 7,4 triệu tỷ đồng vào cuối tháng 8/2018.

Vì vậy, yêu cầu bảo hiểm tiền gửi phải hoàn trả 100% cho khách hàng vừa bất khả thi, thiếu hợp lý mà lại không hiệu quả, vì khi đó người gửi tiền sẽ không còn cân nhắc đến rủi ro để lựa chọn tổ chức có uy tín mà gửi tiền, thay vào đó cứ chạy theo lãi suất cao và nghĩ rằng rủi ro đã có cơ quan bảo hiểm tiền gửi gánh chịu.

Một điều nữa mà người gửi tiền cần hiểu rõ là giá trị bảo hiểm 75 triệu đồng chỉ đơn thuần là khoản thanh toán đền bù đến từ phía cơ quan bảo hiểm tiền gửi khi có rủi ro xảy ra và người gửi tiền sẽ còn được tổ chức tín dụng thanh toán dựa trên phần tài sản còn lại. Thực tế là gần như không có tổ chức tín dụng nào mất sạch tài sản hay không thể thu hồi các khoản cho vay để gửi trả lại cho khách hàng gửi tiền, vì dù có nợ xấu nhưng vẫn còn nắm tài sản đảm bảo của khách hàng vay để xử lý, hoặc khởi kiện người vay ra tòa để thu hồi nợ.

Cũng theo quy định hiện nay, khi một tổ chức tín dụng phá sản, sau khi xử lý, thu hồi các khoản vay và thanh lý các tài sản còn lại, sau khi thanh toán các khoản nợ thuế, bảo hiểm cho cơ quan nhà nước và chi trả cho người lao động, thì thứ tự chi trả đầu tiên sẽ là các khoản vay đặc biệt từ NHNN, tiếp đến là những người gửi tiền, thứ ba là các tổ chức tín dụng trên thị trường liên ngân hàng, thứ tư là người sở hữu trái phiếu ngân hàng, thứ năm là các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ và thứ 6 là trả cho cổ đông của ngân hàng phá sản. Do đó, con số 75 triệu đồng chắc chắn không phải là con số cuối cùng mà người gửi tiền nhận được khi rủi ro xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hiểu đúng về bảo hiểm tiền gửi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO