Giải quyết sở hữu chéo cổ phần trong các tổ chức tín dụng: Muốn nhanh không dễ

ANH KHOA| 14/06/2018 03:35

3 năm qua, việc sở hữu vốn điều lệ vượt quy định đã ít nhiều được giải quyết, theo đó nhiều cổ đông cá nhân và tổ chức đã giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần về dưới mức trần theo đúng quy định.

Giải quyết sở hữu chéo cổ phần trong các tổ chức tín dụng: Muốn nhanh không dễ

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số cổ đông cá nhân tuy sở hữu dưới 5% vốn điều lệ tại một tổ chức tín dụng này nhưng vẫn sở hữu tại một hoặc nhiều tổ chức tín dụng khác với tỷ lệ lớn thông qua người có liên quan. Quy định cũ lại bỏ lọt trường hợp này.

Từ hạn chế thao túng đến giải quyết triệt để sở hữu chéo

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2015/TT-NHNN quy định thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với việc sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định tại Điều 55 Luật Các tổ chức tín dụng.

Theo Điều 55 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 thì một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, ngoại trừ các trường hợp như chỉ định tổ chức tín dụng khác mua cổ phần tổ chức tín dụng yếu kém, sở hữu cổ phần nhà nước và sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.

Để giải quyết tình trạng sở hữu cổ phần vượt quy định thì vào tháng 6/2015, NHNN đã ban hành Thông tư 06/2015/TT-NHNN quy định các tổ chức tín dụng phối hợp với cổ đông, nhóm cổ đông có liên quan sở hữu cổ phần vượt giới hạn lập kế hoạch khắc phục, đảm bảo chậm nhất ngày 31/12/2015 tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông, nhóm cổ đông có liên quan tại tổ chức tín dụng tuân thủ quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, trừ các trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới hạn đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép hoặc được xử lý theo phương án cơ cấu lại đã được NHNN phê duyệt.

Link bài viết

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng đã bổ sung thêm một quy định về sở hữu chéo, theo đó cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng khác.

Nếu như quy định trần tỷ lệ sở hữu trước đây là nhằm hạn chế việc tổ chức tín dụng bị thao túng bởi các cổ đông lớn, thì quy định mới hạn chế về giới hạn sở hữu cổ phần của cổ đông tại nhiều tổ chức tín dụng là nhằm hạn chế tình trạng sở hữu chéo, theo đó có thể gây ra hệ quả là cổ đông, nhóm cổ đông lạm dụng vị thế cổ đông lớn tại nhiều tổ chức tín dụng để phục vụ cho các lợi ích riêng. 

Do đó, Dự thảo Thông tư sửa đổi lần này là nhằm hướng dẫn thời hạn, trình tự, thủ tục, biện pháp xử lý sau thời hạn chuyển tiếp đối với trường hợp cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng khác, với hạn cuối phải thực hiện là trước ngày 30/6/2019.

Nếu sau thời hạn chuyển tiếp, nếu chưa tuân thủ quy định thì NHNN không chấp thuận nhân sự dự kiến bầu làm thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát, bổ nhiệm tổng giám đốc của tổ chức tín dụng. Cổ đông, nhóm cổ đông có liên quan đang sở hữu cổ phần vượt giới hạn không được tăng số lượng cổ phần nắm giữ tại tổ chức tín dụng, chưa được nhận cổ tức bằng tiền mặt (nếu có) đối với số cổ phần nắm giữ vượt giới hạn cho đến khi đảm bảo tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần theo quy định.

Khó khăn và hệ quả

Có thể nói việc sở hữu chéo cổ phần đã gây ra biết bao hệ lụy trong những năm qua, làm rối loạn thị trường khi tạo ra những liên minh ngân hàng khiến nhà điều hành bất lực và gây thiệt hại đáng kể cho một số ngân hàng.

Những vụ án như vụ án Nguyễn Đức Kiên hay Trầm Bê ít nhiều bắt nguồn từ tình trạng sở hữu chéo khiến các cổ đông lớn này gần như thao túng hoạt động của các ngân hàng họ sở hữu, sử dụng ngân hàng như một nguồn cung cấp tài chính cho các công ty, doanh nghiệp sân sau và gây thiệt hại cho ngân hàng cũng như các cổ đông khác.

Tuy nhiên, việc giải quyết sỡ hữu chéo thường không dễ dàng và mất khá nhiều thời gian, như những gì đã diễn ra trong thời gian qua cho thấy.

Thời gian qua, NHNN càng thắt chặt các quy định về đầu tư góp vốn ngân hàng, theo đó nguồn tài chính đầu tư mua cổ phần ngân hàng đòi hỏi phải minh bạch nhằm tránh tình trạng giải quyết được quan hệ sở hữu chéo này nhưng lại lòi ra quan hệ sợ hữu chéo khác. Như vụ án Phạm Công Danh góp vốn vào Ngân hàng Xây dựng là một minh chứng, khi mà dòng tiền tham gia tái cấu trúc Ngân hàng Đại Tín thực tế là vay của ngân hàng khác.

Chẳng những vậy, đối với nhà đầu tư tổ chức muốn rót vốn vào ngân hàng ít nhiều phải có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tài chính bên cạnh việc chứng minh năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động. Điều này nhằm tránh tình trạng nhiều doanh nghiệp tham gia góp vốn vào ngân hàng chỉ nhằm mục đích biến ngân hàng thành sân sau để cung cấp nguồn vốn rẻ.

Do đó, đối với các cổ đông lớn thì việc thoái vốn để giảm tỷ lệ sở hữu theo đúng quy định không phải là đơn giản, nhất là đối với những ngân hàng chưa niêm yết trên sàn. Chính vì vậy, việc NHNN cho thêm thời hạn trong vòng một năm phải giải quyết dứt điểm tình trạng sở hữu cổ phần vượt quy định là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giải quyết sở hữu chéo cổ phần trong các tổ chức tín dụng: Muốn nhanh không dễ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO