Đu game chuyển sàn: Nhà đầu tư cần tỉnh táo

Gia Lê| 27/11/2020 07:36

Để có thể đẩy giá cổ phiếu tăng, ngoài các yếu tố cơ bản được cải thiện, phần nhiều phải có "chất xúc tác" đến từ một thông tin hỗ trợ nào đó, có thể là kế hoạch tăng vốn, tăng tỷ lệ chia cổ tức, kế hoạch thâu tóm hoặc sáp nhập, hay đôi khi chỉ là kế hoạch chuyển sàn niêm yết.

Trước khi chính thức chuyển sang niêm yết trên sàn HoSE từ ngày 9/11/2020, cổ phiếu Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (HoSE: LPB) đã có một đợt tăng dài trên sàn UPCoM, nhưng đà tăng mạnh chỉ diễn ra từ nửa cuối tháng 9 đến nửa đầu tháng 10, trước thời điểm chuyển sàn đúng ba tuần, với mức tăng hơn 40%. 

Một nhà băng khác là Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam cũng tăng hơn 45% trên UPCoM trong cùng khoảng thời gian, trước khi chính thức niêm yết trên sàn HoSE từ ngày 10/11/2020. 

Cổ phiếu LPB có màn tăng tốc từ giữa tháng 9 trên UPCoM trước khi chuyển sang HoSE

Cổ phiếu LPB có màn tăng tốc từ giữa tháng 9 trên UPCoM trước khi chuyển sang HoSE

Việc các cổ phiếu có kế hoạch chuyển sàn thường tăng giá mạnh, do nhà đầu tư luôn kỳ vọng việc chuyển từ những sàn như UPCoM, HNX sang HoSE sẽ giúp doanh nghiệp (DN) thu hút được sự chú ý nhiều hơn, từ đó dòng tiền đổ vào có thể gia tăng, cũng như buộc DN phải hoạt động hiệu quả hơn dưới áp lực từ các điều kiện và nghĩa vụ niêm yết khắt khe.

Luận điểm này không phải không có cơ sở, khi thực tế nhiều cổ phiếu sau khi chuyển sang HoSE đã tăng giá rất mạnh. Như trường hợp của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (HoSE:BCM), sau khi chuyển từ UPCoM sang giao dịch trên HoSE từ ngày 31/8/2020, cổ phiếu BCM đã có 6 phiên tăng trần liên tiếp, với mức tăng đến 57%. 

Hay như cổ phiếu Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HoSE: GVR), kể từ khi chào sàn HoSE với giá tham chiếu 11.560đ/CP vào ngày 17/3/2020, thời gian qua GVR luôn thu hút dòng tiền lớn tham gia và tính đến nay đã tăng lên gần mốc 20.000đ/CP. Còn Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang cũng đã tăng 47% sau khi chuyển từ HNX sang HoSE từ cuối tháng 7.

Thời gian tới sẽ tiếp tục chứng kiến không ít DN sẽ "chuyển nhà" sang HoSE. Trong nhóm nhà băng có thể kể đến ACB, khi hồi đầu tháng 8 vừa qua, HĐQT ACB đã thông qua triển khai phương án chuyển đăng ký niêm yết toàn bộ cổ phiếu từ HNX sang HoSE. Tương tự ACB, đại hội đồng cổ đôngcủa SHB đã thông qua chuyển niêm yết cổ phiếu ngân hàng này từ HNX sang HoSE trong năm 2020.

3343423-4963-1606377962.jpg

Đối với DN, thị trường sẽ chú ý đến thương vụ chuyển sàn của Tổng công ty CP Cảng Hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) - DN mới đây đã được Chính phủ giao làm chủ đầu tư nhà ga sân bay Long Thành. Việc chuyển sàn ACV đã được thông qua từ năm 2017, nhưng do gặp nhiều rào cản khiến ACV chưa đủ điều kiện chuyển sàn, dù vậy để đảm bảo Nhà nước thoái vốn thành công đã buộc ACV phải sớm chuyển sàn. 

Còn có một loạt DN khác đang niêm yết trên UPCoM cũng có kế hoạch chuyển sàn như Cao su Dak LaK, Bảo hiểm Quân đội (MIG), hay Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cũng muốn chuyển từ UPCoM sang HNX. Đáng lưu ý là cổ phiếu DRI và MIG cũng đã tăng giá khá tốt trong những tuần gần đây.

Nếu được niêm yết trên HNX, BSR trở thành DN có quy mô vốn điều lệ lớn nhất sàn chứng khoán tại Hà Nội, với khối lượng chứng khoán hơn 3,1 tỷ cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lệ 31.005 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo quy định niêm yết trên HNX, cổ phiếu phải không có lỗ lũy kế tại thời điểm niêm yết, trong khi DN này vẫn đang lỗ ròng hơn 4.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay, do đó khả năng chuyển sàn của BSR có lẽ sẽ chưa thực hiện được.

Dù vậy, cũng cần lưu ý là "game" chuyển sàn thường chỉ mang tính chất hỗ trợ ngắn hạn, còn có thực sự thu hút được dòng tiền đầu tư và ở lại lâu dài với cổ phiếu hay không vẫn phụ thuộc vào hiệu quả kinh doanh và giá trị của DN. Do đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ khi đu theo game chuyển sàn cần tỉnh táo và sớm hiện thực hóa lợi nhuận khi đã đạt mục tiêu phù hợp.

Cũng cần biết rằng, nhiều DN dù đưa ra kế hoạch chuyển sàn nhưng có thể sẽ chưa thể thực hiện ngay được, như BSR kể trên hay như Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam đã đưa ra kế hoạch chuyển sang HoSE từ năm 2017 nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện. Trong khi đó, với việc nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng từ đầu năm đến nay, những DN lớn chuyển sang HoSE trong giai đoạn hiện nay có lẽ cũng chưa thể sớm thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư ngoại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đu game chuyển sàn: Nhà đầu tư cần tỉnh táo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO