Dòng tiền nước ngoài quay trở lại - VN-Index liệu có tránh khỏi điều chỉnh?

Khánh Phương| 26/06/2020 04:58

Sau bốn tháng bán ròng liên tiếp, các nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu đang quay lại mua ròng trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Liệu sự đảo chiều của khối ngoại có giúp thị trường tránh khỏi xu hướng điều chỉnh đang diễn ra?

Mua ròng khủng

Phiên giao dịch ngày 15/6/2020 có mức thanh khoản đạt kỷ lục với giá trị hơn 1 tỷ USD, tương ứng 838,5 triệu cổ phiếu trao tay, trong đó riêng sàn HoSE đạt 22.733 tỷ đồng. Đóng góp lớn vào giá trị đột biến này là giao dịch thỏa thuận tại cổ phiếu Vinhomes (HoSE: VHM), khi khối ngoại thỏa thuận mua lại hơn 201 triệu cổ phiếu từ khối nội tại giá tham chiếu 75.000đ/CP, tương ứng hơn 15.000 tỷ đồng, theo đó thị trường ghi nhận giá trị mua ròng khủng của khối ngoại trong ngày này.

bai-2-ngoai-te-1-3488-1593141934.jpg

Tuy nhiên, nếu loại trừ giao dịch khủng tại VHM, tính từ đầu tháng 6 đến phiên ngày 17/6/2020, khối ngoại vẫn mua ròng hơn 312 tỷ đồng trên toàn thị trường, riêng sàn HoSE đã mua ròng gần 300 tỷ đồng. Đây là diễn biến đáng chú ý, khi nhóm này đã liên tiếp bán ròng từ tháng 2 đến tháng 5, với tổng giá trị gần 19.700 tỷ đồng trên cả ba sàn.

Theo một nhận định gần đây của hãng tin Bloomberg, các quỹ đầu tư toàn cầu đang bắt đầu quay trở lại TTCK Việt Nam trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này nổi lên là một trong số ít ỏi những nơi gần như không bị tổn thương trước đại dịch Covid-19. Cụ thể, từ tháng 3, các quỹ như Ashmore Group Plc và Coeli Asset Management đã tăng lượng vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Andrew Brudenell - nhà quản lý quỹ tại Ashmore cho rằng: "Những hành động mạnh mẽ và quyết đoán trong cuộc chiến với Covid-19 và giờ là đẩy mạnh đầu tư đều là những chính sách có lợi cho nền kinh tế Việt Nam". Ông cũng cho biết, từ cuối năm 2019 quỹ này đã tăng 50% tỷ trọng đầu tư vào Việt Nam, và hiện Việt Nam đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong quỹ chuyên đầu tư vào các thị trường cận biên trị giá 77 tỷ USD.

Trong khi đó, quỹ đầu tư của Thụy Điển Coeli Asset cũng nâng tỷ trọng vốn phân bổ vào thị trường Việt Nam trong danh mục thị trường cận biên trị giá 350 triệu USD từ mức 18,6% ở thời điểm đầu năm lên 25%. Nhà quản lý quỹ James Bannan cho rằng: "Tỷ lệ P/B của cổ phiếu Việt Nam đã giảm mạnh trong 18 tháng qua".

Còn Ruchir Desai - nhà quản lý quỹ của Asia Frontier Capital hứng thú với việc tiền đồng chỉ giảm 0,2% so với USD, giúp VND nằm trong nhóm những đồng tiền tốt nhất ở châu Á kể từ đầu năm đến nay, nhờ được hỗ trợ bởi thặng dư cán cân vãng lai lớn và dự trữ ngoại hối ổn định. Về cơ bản, giá trị tiền tệ ổn định sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm hơn khi không phải quá lo ngại về các khoản đầu tư bị “ăn mòn” với các chính sách phá giá đồng nội tệ.

Liệu có điều chỉnh trong ngắn hạn?

Bất chấp động thái quay lại mua ròng của khối ngoại, VN-Index vẫn đang giảm hơn 3% trong nửa đầu tháng 6, sau hai phiên giảm mạnh vào ngày 11 và 15/6/2020. Thị trường chứng khoán Mỹ sụt giảm trước lo ngại về đợt bùng phát mới dịch Covid-19 đã thúc đẩy các nhà đầu tư nước này một lần nữa bán tháo các tài sản rủi ro như chứng khoán.

83432434-3698-1593141934.jpg

Tại Việt Nam, sau giai đoạn phục hồi mạnh mẽ từ đầu tháng 4, đặc biệt là tăng nóng trong tháng 5, TTCK cũng có vẻ đã “thấm mệt” và nhiều nhà đầu tư đẩy mạnh chốt lời, càng gây áp lực đẩy mức giảm sâu thêm. Vì vậy mà dù chứng khoán Mỹ sau đó có những phiên phục hồi mạnh, nhưng VN-Index vẫn không thể nối gót theo sau, với điểm số và khối lượng ngày càng suy yếu.

Các nhà đầu tư vẫn lo ngại có thể xuất hiện các tin xấu trong giai đoạn tới, từ căng thẳng Mỹ - Trung đang nóng trở lại, khi mới đây Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành đạo luật về người Duy Ngô Nhĩ cho phép trừng phạt những người chịu trách nhiệm giam hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo khác ở Tân Cương. Đáp lại, Trung Quốc cũng cảnh báo đáp trả bằng cách trừng phạt Mỹ.

Trong khi đó, thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết, khi những điều khoản theo thỏa thuận sơ bộ giai đoạn 1 dường như chưa được thực thi đầy đủ, một phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ từ tháng 2 đến nay. Những căng thẳng địa - chính trị đang nóng trở lại cũng khiến tâm lý các nhà đầu tư trở nên bất ổn.

Một yếu tố khác gây áp lực lên TTCK là sự lo ngại về các báo cáo kinh tế quý II sắp được công bố. Giới phân tích nhận định nhiều nền kinh tế sẽ ghi nhận mức suy thoái nặng nề do chính sách giãn cách xã hội, phong tỏa trong thời gian vừa qua. Đối với Việt Nam, việc giãn cách xã hội trong tháng 4 rõ ràng cũng có những ảnh hưởng nhất định, trong khi sự phục hồi từ đầu tháng 5 vẫn khá chậm.

Theo đó, kết quả kinh doanh quý II của nhiều doanh nghiệp chắc chắn sẽ thụt lùi, thậm chí báo cáo lỗ cũng là điều bình thường. Với những rủi ro phía trước, các nhà đầu tư có lẽ không mấy hào hứng mua vào trong thời điểm hiện nay, theo đó thị trường sẽ có thêm thời gian điều chỉnh, củng cố trong giai đoạn tới. Dù vậy, với việc khối ngoại đã quay lại mua ròng và nếu xu hướng này tiếp tục được duy trì, kỳ vọng sẽ giúp TTCK không điều chỉnh quá sâu và sớm phục hồi trở lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dòng tiền nước ngoài quay trở lại - VN-Index liệu có tránh khỏi điều chỉnh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO