Dòng chảy của tiền

MINH HẰNG/DNSGCT| 27/10/2012 01:58

Những con số liên quan đến thị trường tài chính - ngân hàng thời gian qua tiềm ẩn những nghịch lý.

Dòng chảy của tiền

Những con số liên quan đến thị trường tài chính - ngân hàng thời gian qua tiềm ẩn những nghịch lý. Lãi suất tín phiếu kỳ hạn của Ngân hàng Nhà nước liên tục giảm, đặc biệt là ở kỳ hạn ngắn (28 ngày) nhưng lượng bán ra vẫn cao, chứng tỏ tiền đang được hút về Ngân hàng Nhà nước từ hệ thống ngân hàng thương mại.

Đọc E-paper

Dự báo một khối lượng lớn tín phiếu sẽ tiếp tục được bán ra nhằm hút thêm tiền từ phía các ngân hàng, cũng là để thực hiệnmục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức một con số trong năm nay. Với tình hình như vậy, nhiều người sẽ nghĩ rằng tình trạng thanh khoản của các ngân hàng đang rất tốt, kéo theo là sự giảm của các lãi suất khác.

Thế nhưng, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đang có xu hướng tăng, cả ở lãi suất qua đêm, lãi suất kỳ hạn một tuần và kỳ hạn một tháng. Nghĩa là đã có một sự phân hóa: có một số ngân hàng lớn dồi dào thanh khoản và nhiều ngân hàng nhỏ vẫn đang căng thẳng về tiền mặt. Với những ngân hàng này, nếu muốn giải quyết tình trạng thanh khoản thì phải chấp nhận vay trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất cao, hoặc phải đẩy mạnh huy động từ khu vực dân cư. Nhiều ngân hàng nhỏ đã phải vay trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất 12%/năm với kỳ hạn sáu tháng.

Còn để cạnh tranh thu hút khách hàng gửi tiền, nhiều ngân hàng đưa ra lãi suất tiền gửi từ 12,5 - 13%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng - những kỳ hạn không bị khống chế trần lãi suất theo quy định (9%/năm). Dĩ nhiên, một hệ thống với nhiều ngân hàng có quy mô khác nhau sẽ khó tránh khỏi các cuộc chạy đua lãi suất, nhất là do quy mô nhỏ và luôn trong tình trạng căng thẳng thanh khoản nên các ngân hàng nhỏ bị sức ép phải chạy đua để huy động vốn.

Hệ quả của việc chạy đua lãi suất là xét về tổng thể, tiền từ khu vực dân cư sẽ đổ nhiều vào hệ thống ngân hàng. Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2011, lượng tiền đổ vào các ngân hàng thương mại đã tăng hơn 11%. Vậy nhưng, tăng trưởng tín dụng tính đến gần hết tháng 10 này chỉ tăng chưa đến 3%. Nếu tiền vào hệ thống ngân hàng xong lại quay về Ngân hàng Nhà nước hoặc loanh quanh đâu đó chứ không vào khu vực sản xuất - kinh doanh làm động lực cho tăng trưởng kinh tế, thì quả là tín hiệu không vui.

Các chuyên gia kinh tế lý giải, giai đoạn vừa qua nền kinh tế bước vào thoái nợ, tức là người đi vay đang muốn giảm nợ nên tín dụng không tăng. Bảng cân đối kế toán của các ngân hàng cho thấy dòng tiền huy động của ngân hàng tập trung vào các hạng mục tài sản khác như trái phiếu chính phủ, hoặc được tái cơ cấu các khoản nợ.

Đầu tư vào trái phiếu chính phủ được các ngân hàng dồi dào thanh khoản ưu tiên chọn lựa do an toàn, dù lãi suất thấp hơn nhiều so với cho vay. Tiền huy động vào hệ thống ngân hàng tăng nhưng không đi vào khu vực doanh nghiệp cũng bởi cầu tiêu dùng từ xã hội yếu khiến doanh nghiệp có ít cơ hội kinh doanh hơn.

Nhiều doanh nghiệp tìm được cơ hội kinh doanh có thể sinh lợi thì lại vướng nợ cũ nên không thể tiếp cận được với nguồn vốn mới. Họ thường bị ngân hàng từ chối vì lo ngại chuyện đảo nợ, vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng kia, hoặc không đáp ứng được những yêu cầu nghiêm ngặt khác.

Những doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt, “mạnh khỏe”, được các ngân hàng sẵn sàng cho vay trong giai đoạn này thì chỉ muốn trả hết nợ cũ, không muốn đầu tư thêm vì chưa kỳ vọng vào lợi nhuận cao trong thời điểm hiện tại. Đó là chưa kể một lượng tiền lớn huy động từ khu vực dân cư được một số ngân hàng dùng để mua vàng nhằm bù đắp khoản thiếu hụt do việc huy động vàng trước đây. Dù gì thì thời điểm đóng trạng thái vàng (25-11) cũng đang đến gần…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dòng chảy của tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO