Doanh nghiệp thấm đòn và số ít đi ngược xu hướng

Khánh Phương| 11/05/2023 06:00

Kết thúc tháng 4/2023, chỉ số VN-Index giảm gần 3%, dù hàng loạt thông tin tích cực, chính sách hỗ trợ nền kinh tế được ban hành, từ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, cho đến chính sách tái cơ cấu nợ cho ngành ngân hàng và nỗ lực kéo giảm lãi suất trong nền kinh tế.

Doanh nghiệp thấm đòn và số ít đi ngược xu hướng

Thấm đòn

Kết quả kinh doanh suy yếu của nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn được cho là một trong những nguyên nhân chính yếu đã kìm chân thị trường trong những tuần vừa qua, ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư và khiến dòng tiền vẫn thận trọng tiếp tục đứng ngoài quan sát. Thế giằng co của VN-Index nói chung và nhiều cổ phiếu nói riêng là diễn biến thể hiện rõ rệt nhất.

Cụ thể, tính đến cuối tuần qua (ngày 5/5/2023), đã có xấp xỉ 590 doanh nghiệp trên sàn HoSE và HNX công bố báo cáo tài chính quý I/2023, trong đó có đến 100 doanh nghiệp báo lỗ, chiếm tỷ trọng gần 17%. Những doanh nghiệp lỗ lớn nhất có thể kể đến như Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (HoSE: NVL) lỗ ròng hơn 377 tỷ đồng; Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) lỗ gần 321 tỷ đồng; Công ty CP Tập đoàn KIDO (HoSE: KDC) lỗ 319 tỷ đồng; Công ty CP Thép Pomina (HoSE: POM) lỗ hơn 186 tỷ đồng.

Hay như Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HNG) lỗ 112 tỷ đồng, dù vậy nếu so với kế hoạch lỗ 2.300 tỷ đồng đặt ra trong năm nay, mức lỗ trong quý I vừa qua của doanh nghiệp này là khá thấp. Trong khi đó, Tổng công ty CP Hàng không Việt Nam (HoSE: HVN) báo lỗ hơn 103 tỷ đồng, đánh dấu quý thứ 11 liên tiếp ghi nhận lỗ. Mới đây hơn, 2,2 tỷ cổ phiếu HVN cũng đã bị chuyển sang diện kiểm soát.

Nếu so với cùng kỳ năm 2022, có đến 280 doanh nghiệp báo cáo lợi nhuận sụt giảm, chiếm tỷ trọng hơn 47%. Tổng thể cho thấy, nhóm doanh nghiệp bất động sản, thép hay xây dựng hầu hết báo cáo kết quả lợi nhuận khá bi quan, hoặc lỗ hoặc giảm sút mạnh so với cùng kỳ. Không chỉ bị ảnh hưởng thị trường chung khó khăn, sản phẩm đầu ra tiêu thụ chậm lại, giá đầu vào tăng cao, đây cũng là những nhóm ngành thâm dụng vốn vay lớn, nên với xu hướng lãi suất tăng mạnh vừa qua đã khiến chi phí tài chính của nhóm doanh nghiệp này tăng mạnh.

-7216-1683618937.jpg

Ngoài ra, 3 nhóm ngành nói trên cũng có những mối liên thông chặt chẽ. Đơn cử như nhóm bất động sản, khi lãi suất tăng không chỉ khiến chi phí trả lãi vay tăng lên như đã nói, mà tốc độ bán hàng cũng bị chậm lại do lãi suất cao làm giảm nhu cầu vay mua nhà ở cả mục tiêu đầu tư, đầu cơ hay mua để ở lâu dài. Thị trường nhà đất khó khăn dẫn đến nhu cầu xây dựng suy yếu, tiếp đó làm ảnh hưởng lên khả năng tiêu thụ của nhóm doanh nghiệp thép hay vật liệu xây dựng. Trong khi đó, dù các giải pháp thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng được triển khai gần đây nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng.

Dữ liệu công bố gần nhất cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 4, khi giảm về mức 46,7 so với 47,7 điểm của tháng 3. Chỉ số cho thấy các điều kiện kinh doanh giảm lần thứ năm trong 6 tháng qua và lần giảm này là mạnh nhất trong năm tính đến thời điểm này. Cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm tháng thứ hai liên tiếp, các công ty đã giảm tương ứng việc làm và hoạt động mua hàng.

Ngược xu hướng

Dĩ nhiên, vẫn có một số ít doanh nghiệp thoát khỏi xu hướng khó khăn chung, khi công bố kết quả lợi nhuận quý I khả quan cùng với kế hoạch đầy tham vọng trong mùa đại hội cổ đông vừa qua. Như Công ty CP Vinhomes (HoSE: VHM) báo lãi ròng quý I đầu năm nay lên đến 11.917 tỷ đồng, tăng 163% so với cùng kỳ. Đáng lưu ý, doanh nghiệp này tiếp tục đặt kế hoạch lãi sau thuế cho năm 2023 lên đến 30.000 tỷ đồng, ngang với năm 2022 bất chấp những khó khăn của nền kinh tế. Dù vậy, chỉ mới quý I/2023, VHM đã đạt 40% kế hoạch lợi nhuận.

Tương tự, Công ty CP Vincom Retail (HoSE: VRE) quý I/2023 báo lãi gần 1.024 tỷ đồng, tăng mạnh 174% so với cùng kỳ. Được biết, năm 2023 VRE đặt mục tiêu doanh thu 10.350 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.680 tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với kế hoạch năm ngoái đặt ra chỉ ở mức 2.400 tỷ đồng lẫn số thực hiện là 2.777 tỷ đồng. 

Công ty CP Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP) cũng báo lãi quý I/2023 hơn 280 tỷ đồng, tăng hơn 120% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lãi sau thuế theo quý cao nhất kể từ năm 2014. So với kế hoạch 2023 là 6.357 tỷ đồng doanh thu và 651 tỷ đồng lãi sau thuế, hết quý I/2023, BMP đã đi được gần 1/4 chặng đường (23%) về doanh thu và gần  nửa chặng đường (43%) về lãi sau thuế. Gần đây, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã có thông báo về việc dự kiến triển khai bán hết toàn bộ gần 20.000 cổ phiếu đang nắm giữ của BMP.

Tổng thể cho thấy, nhóm doanh nghiệp bất động sản, thép hay xây dựng hầu hết báo cáo kết quả lợi nhuận khá bi quan, hoặc lỗ hoặc giảm sút mạnh so với cùng kỳ. Không chỉ bị ảnh hưởng thị trường chung khó khăn, sản phẩm đầu ra tiêu thụ chậm lại, giá đầu vào tăng cao, đây cũng là những nhóm ngành thâm dụng vốn vay lớn, nên với xu hướng lãi suất tăng mạnh vừa qua đã khiến chi phí tài chính của nhóm doanh nghiệp này tăng mạnh.

Đặc biệt, trường hợp của Công ty CP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (HNX: NDN) là khá bất ngờ. Sau khi hàng loạt lãnh đạo bị khởi tố trong năm 2022, quý I năm nay, NDN ghi nhận doanh thu thuần 215 tỷ đồng và lãi ròng 106 tỷ đồng, tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ. Lý giải về kết quả tăng đột biến, đại diện NDN cho biết đây là kết quả từ hoạt động chuyển nhượng căn hộ dự án Monarchy (block B). 

Ngoài ra, trong bối cảnh thị trường chứng khoán hồi phục, NDN còn có thêm phần hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh hơn 37,5 tỷ đồng. Bên cạnh mảng cốt lõi là bất động sản, NDN còn là một "tay chơi" lớn trên sàn chứng khoán. Trong quý vừa qua, doanh nghiệp này vừa mua mới DGC, MWG, STB và VND, đồng thời đầu tư thêm hàng chục tỷ đồng vào HPG và TCB. Tổng giá trị danh mục mà NDN đầu tư đã lên tới 365 tỷ đồng. 

Ở nhóm ngân hàng, dù đối mặt với không ít thách thức, từ nợ xấu gia tăng trở lại làm tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, chi phí vốn đầu vào cao hơn sau các đợt tăng mạnh lãi suất vào cuối năm 2022, các nguồn thu ngoài lãi bị suy yếu, đặc biệt sau các giải pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng và tư vấn, bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp, một số nhà băng vẫn báo lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ. 

Có thể kể đến như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HoSE: BID) báo lãi sau thuế quý I/2023 đạt 5.468 tỷ đồng, tăng hơn 53% so với cùng kỳ. Ngoài các hoạt động có sự tăng trưởng như thu nhập lãi thuần tăng 9% (đạt 13.936 tỷ đồng), lãi từ dịch vụ tăng 19% (1,517 tỷ đồng), lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 15% (673 tỷ đồng), nguyên nhân chính là nhờ ngân hàng cắt giảm chi phí dự phòng 25%, chỉ còn trích hơn 5.527 tỷ đồng. Ngoài ra, có thể kể đến như Ngân hàng ACB lãi 5.156 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ; Ngân hàng Bắc Á lãi 269 tỷ đồng, tăng 37%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp thấm đòn và số ít đi ngược xu hướng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO