Để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu cho VAMC

KHÁNH PHƯƠNG| 15/03/2017 08:36

NHNN vừa đưa ra dự thảo quy định chi tiết việc thẩm định giá khởi điểm khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và...

Để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu cho VAMC

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa đưa ra dự thảo quy định chi tiết việc thẩm định giá khởi điểm khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và việc thành lập Hội đồng Đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đối với tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn. 

Đọc E-paper

Dự thảo được đưa ra trong bối cảnh việc xử lý nợ xấu của VAMC rất chậm. Cụ thể trong năm 2016 VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng thu hồi nợ và bán tài sản bảo đảm của các khoản nợ trị giá hơn 20.697 tỷ đồng.

Tính chung sau hơn 3 năm từ khi hoạt động đến nay, VAMC đã thu hồi được 42.856 tỷ đồng trị giá nợ xấu trên sổ sách, trong đó, bán nợ thu về 3.692 tỷ đồng "tiền thật", bán tài sản bảo đảm thu về 11.359 tỷ đồng và ủy quyền cho tổ chức tín dụng thu hồi được 27.805 tỷ đồng.

Theo NHNN, tính đến 31/12/2016, nợ còn phải xử lý tại VAMC khoảng 190.000 tỷ đồng, nợ tồn đọng tại khâu thi hành án tính đến 30/9/2016 là khoảng 58.998 tỷ đồng.

Vào tháng 6/2016, NHNN ban hành Thông tư số 08/2016 trao nhiều quyền hạn hơn cho VAMC về việc bán nợ xấu đã mua. Thông tư quy định chi tiết hơn về số lần bán đấu giá, định giá, phương thức chào giá và bổ sung thêm quy định bán nợ xấu được mua theo giá thị trường.

Quy định mới này cho phép VAMC chủ động bán đấu giá khoản nợ xấu trong trường hợp VAMC và tổ chức tín dụng bán nợ không thống nhất được phương thức hoặc điều kiện bán nợ, tuy nhiên việc xác định giá khởi điểm để bán vẫn là một vướng mắc lớn.

>>Bán nợ xấu: Hướng đi chủ lực mới của VAMC

Đối với tài sản bảo đảm muốn thanh lý, bán đấu giá thì cũng gặp khó khăn về giá khởi điểm do VAMC rất khó nhận được sự đồng thuận từ chủ sở hữu, chưa kể bị các chủ sở hữu tài sản bảo đảm gây cản trở. Trong khi đó, hiện nay VAMC cũng còn gặp nhiều vướng mắc trong cơ chế xử lý tài sản bảo đảm, như không được nhận thế chấp quyền sử dụng đất, việc thu giữ tài sản bảo đảm, quyền xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản, việc khởi kiện và tham gia tố tụng tại tòa án khi muốn xử lý tài sản bảo đảm.

Theo thống kê của NHNN thì đến 14/2, số lượng các khoản nợ có giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên là 432 khoản với tổng giá trị là 117.290 tỷ đồng. Đáng lưu ý, mặc dù số lượng khoản nợ xấu có giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên chỉ chiếm 2,06% nhưng xét theo giá trị thì chiếm đến 49,6%.

Trong khi đó, số lượng tài sản bảo đảm có giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên là 554 tài sản, chiếm 1,04%, trong đó số lượng tài sản có giá trị từ 500 tỷ đồng trở lên là 137 và từ 1.000 tỷ trở lên là 125 tài sản.

Với những khó khăn trong việc thỏa thuận giá với tổ chức tín dụng, xác định giá khởi điểm khi muốn bán lại các khoản nợ xấu đã mua, NHNN đang xây dựng dự thảo nghị định cho phép VAMC được quyền chủ động hơn. Nếu có quy định chi tiết về thẩm định giá khởi điểm cho các khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của nợ xấu thì kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến độ các khoản nợ xấu đang nằm tại VAMC.

Vì với những trường hợp khoản nợ xấu mà VAMC đã mua lại của các tổ chức tín dụng và giờ muốn bán cho một đối tác khác nhưng không thỏa thuận được giá khởi điểm, hay tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà VAMC muốn bán nhưng không thỏa thuận được với bên bảo đảm thì sẽ nhờ đến các doanh nghiệp thẩm định giá xác định giá khởi điểm, từ đó có cơ sở rõ ràng hơn để đẩy nhanh tiến độ xử lý.

Quy định mới trong dự thảo nghị định cũng yêu cầu VAMC thông báo công khai việc thuê doanh nghiệp thẩm định giá ít nhất 5 ngày làm việc trên website của NHNN và của VAMC, tạo cơ hội cho doanh nghiệp thẩm định giá đủ điều kiện tham gia. Sau đó, VAMC sẽ có quyền lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá dựa trên các tiêu chuẩn, quy trình xem xét của VAMC.

Theo quy định thì kết quả thẩm định giá sẽ được sử dụng chính thức để xác định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Trong trường hợp đấu giá lần đầu không thành, VAMC được quyết định giảm giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, với mức giảm mỗi lần không quá 10% giá khởi điểm của lần đấu giá không thành công trước đó.

Đối với những khoản nợ xấu lớn, tài sản bảo đảm có giá trị lớn thì sẽ buộc phải thành lập hội đồng đấu giá để đảm bảo khách quan, chính xác. Hội đồng đấu giá sẽ bao gồm đại diện lãnh đạo của VAMC làm chủ tịch, một đấu giá viên, một đại diện tổ chức tín dụng bán nợ nếu là khoản nợ được mua theo giá trị ghi số bằng tài sản bảo đảm và các đại diện đơn vị có liên quan thuộc VAMC.

VAMC cũng định nghĩa các khoản nợ xấu lớn, tài sản bảo đảm giá trị lớn là từ 100 tỷ đồng trở lên, dựa trên giá VAMC đã mua từ các tổ chức tín dụng trước đây hoặc theo giá khởi điểm gần nhất, riêng đối với tài sản bảo đảm sẽ dựa trên biên bản định giá gần nhất.

>>Tín hiệu khả quan từ xử lý nợ xấu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu cho VAMC
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO