Cuối năm, lãi suất có tăng khi tín dụng tăng tốc?

LÊ PHAN| 09/09/2016 01:10

Hoạt động tín dụng sẽ tăng cao trong quý IV khi nhu cầu vay vốn chuẩn bị hàng hóa cho kinh doanh cuối năm của doanh nghiệp (DN) tăng cao.

Cuối năm, lãi suất có tăng khi tín dụng tăng tốc?

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng đến ngày 19/8 đạt 8,78%, còn khá xa so với mục tiêu 18 - 20% đặt ra trong năm nay. Tuy nhiên, hoạt động tín dụng sẽ tăng cao trong quý IV khi nhu cầu vay vốn chuẩn bị hàng hóa cho kinh doanh cuối năm của doanh nghiệp (DN) tăng cao. 

Đọc E-paper

Tăng trưởng mạnh vào cuối năm

Thực tế những năm qua cho thấy, hoạt động tín dụng tăng cao trong quý IV. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm 2015 là 9,54%, nhưng đến cuối năm lên tới 18%. Tương tự, tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm 2014 là 5,82% nhưng cả năm đạt 14,39%; năm 2013 tương ứng 8 tháng là 6,44% và cả năm là 12,52%.

Tăng trưởng tín dụng cuối năm không chỉ vì yếu tố mùa vụ mà còn xuất phát từ mong muốn của người cho vay lẫn người đi vay. Về phía ngân hàng, việc tăng tốc tín dụng vào các tháng cuối năm không những giúp các ngân hàng đạt kế hoạch tín dụng đề ra mà còn tăng nhanh thu nhập.

Những năm gần đây, NHNN thường có chính sách giao hạn mức kế hoạch tăng trưởng tín dụng theo từng ngân hàng, do đó, với dư nợ càng cao vào cuối năm thì ngân hàng càng rộng cửa để phát triển cho năm sau. Trong khi đó, phía người vay (các DN và cá nhân) cũng rất cần vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh vào các dịp lễ, Tết.

Ngoài ra, nhu cầu vay vốn tiêu dùng, sửa sang nhà cửa, mua sắm các thiết bị, vật dụng để chuẩn bị cho năm mới trong giai đoạn cuối năm cũng thường tăng cao.

Một lý do khác là với phong tục và tâm lý e ngại vay mượn vào đầu năm cũng sẽ kích thích người có nhu cầu vay vốn chọn vay vào thời điểm cuối năm, thế nên đầu năm cũng trở thành mùa thấp điểm cho vay của các ngân hàng.

Với hạn mức tăng trưởng tín dụng còn đến 10 - 11% trong 4 tháng cuối năm nay, hoạt động cho vay có thể tăng nhanh trong quý IV nhưng e vẫn khó có thể đạt như mong muốn đề ra. Vì mặt bằng lãi suất cho vay dù đã giảm trong thời gian qua, nhưng hiện tại vẫn còn khá cao đối với DN.

Trong khi đó, với lo ngại rủi ro tỷ giá, nhiều DN cũng hạn chế vay ngoại tệ để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Vấn đề nợ xấu đang có xu hướng tiếp tục tăng lên cũng khiến các ngân hàng thắt chặt các điều kiện cho vay và giải ngân, trong khi nhiều DN vẫn đang vướng vào nợ cũ, các tài sản đảm bảo đang bị cầm cố, thế chấp nên khó có thể tiếp cận được những khoản vay mới.

Cầu tăng có khiến lãi suất tăng?

Nhu cầu vay vốn tăng nhanh sẽ ít nhiều tác động đến chính sách lãi suất cho vay của các ngân hàng. Thực tế thời gian gần đây, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng đã có dấu hiệu đi lên. Tuy nhiên, ngoài yếu tố cầu vay vốn tăng cao còn có nhiều yếu tố khác có thể tác động lên chính sách giá bán của các ngân hàng.

Đầu tiên là tình hình thanh khoản của các ngân hàng. Nếu các ngân hàng gặp áp lực về thanh khoản sẽ phải tăng lãi suất, vì thế, giá vốn bán ra cũng phải tăng lên theo nguyên lý "nước lên thuyền lên". Với nguồn vốn đã chảy mạnh vào thị trường trái phiếu chính phủ trong 8 tháng đầu năm nay, mức độ dồi dào về thanh khoản của các ngân hàng đã giảm dần.

Trong khi đó, hoạt động huy động vốn có thể khó giữ được đà tăng trưởng tích cực như 8 tháng qua, do nguồn vốn sẽ tập trung cho các hoạt động kinh doanh cuối năm cũng như hoạt động đầu tư lướt sóng tỷ giá khi thị trường ngoại hối chịu áp lực. Việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động đầu vào 3 tháng gần đây cho thấy phần nào áp lực thanh khoản và đáp ứng các chỉ tiêu an toàn.

Với việc tỷ lệ nguồn vốn huy động ngắn hạn sử dụng cho vay trung, dài hạn được điều chỉnh theo thông tư 06/2016/TT-NHNN và sẽ giảm từ mức hiện tại 60% về còn 50% từ đầu năm 2017, tất yếu sẽ làm tăng nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng để có thể đáp ứng theo chỉ tiêu mới này.

Với những ngân hàng đã tăng mạnh cho vay trung, dài hạn trong giai đoạn trước đây thì áp lực này càng cao. Ngoài ra, những ngân hàng có nợ quá hạn cao cũng sẽ có khuynh hướng phải tăng lãi suất lên cao hơn.

Thứ hai là yếu tố lạm phát và tỷ giá. Nếu lạm phát tăng lên buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất để vừa thu hút người gửi tiền và vẫn đảm bảo nguồn thu nhập ổn định theo giá trị sức mua của đồng tiền. Trong khi đó, tỷ giá tăng vừa ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn và cũng ảnh hưởng lên yếu tố lạm phát, từ đó cũng có thể tác động lên mặt bằng lãi suất. Vì khi tỷ giá USD/VND tăng mạnh có thể buộc lãi suất phải tăng đến đủ mức hấp dẫn để hạn chế dòng vốn chuyển dịch từ VND sang USD.

Trong tình hình lạm phát vẫn đang được kiểm soát ổn định, cụ thể chỉ số giá tiêu dùng đến tháng 8 chỉ tăng nhẹ 0,1% so với tháng trước và tăng 1,91% so với cùng kỳ năm 2015.

Tuy nhiên, vấn đề tỷ giá lại đang chịu áp lực nhiều hơn, khi nhiều khả năng cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể tăng lãi suất ngay trong cuộc họp vào cuối tháng 9 này, từ đó có thể đẩy đồng USD tăng mạnh so với các đồng tiền còn lại và VND cũng không phải là ngoại lệ.

Chính phủ và NHNN đã cam kết sẽ giữ mặt bằng lãi suất ổn định và ban hành chỉ thị yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tiết kiệm chi phí với hoạt động và sử dụng vốn hợp lý nhằm phấn đấu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN.

Tuy nhiên, với những áp lực hiện tại và trong thời gian tới như tỷ giá, thanh khoản và khả năng đáp ứng các chỉ tiêu an toàn theo quy định mới thì mặt bằng lãi suất cho vay sẽ chịu nhiều áp lực, khi đó, giữ được như hiện tại đã là một thành công của nhà điều hành.

>Muốn cho vay, ngân hàng phải “sale off”

>Có nên vay vốn đầu tư bằng mọi giá?

>Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó vay vốn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cuối năm, lãi suất có tăng khi tín dụng tăng tốc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO