![]() |
Có lẽ không ai ngờ rằng, sau khi các ngân hàng (NH) cam kết đồng thuận giảm lãi suất cho vay, thì chẳng mấy chốc lãi suất huy động đã không ngừng tăng lên.
Có nhiều lý giải cho việc tăng lãi suất huy động hiện nay, như: nếu không tăng lãi suất huy động, tiền gửi của NH sẽ bị giảm nhiều hơn vì thời gian vừa qua khi lãi suất chưa tăng, tiền gửi của dân cư lẫn các DN đều giảm. Hoặc nhiều người cũng cho rằng, chỉ cần có sự can thiệp mạnh tay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bằng cách bơm tiền ra thì vấn đề lãi suất sẽ được giải quyết...
![]() |
Song, trên thực tế, dù có muốn cung ứng một lượng tiền lớn hơn cho các NH thương mại, NHNN cũng phải dè chừng nguy cơ lạm phát đang đuổi sau lưng. Ngoài ra, ít có ai nghĩ rằng, việc kêu gọi theo kiểu mệnh lệnh hành chính sẽ rất khó thực hiện, trong khi giảm lãi suất lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là lạm phát...
Và khi còn quá nhiều lý do cũng đồng nghĩa với việc giảm lãi suất huy động và cho vay sẽ rất khó thực hiện. Chính vì vậy, sẽ dễ hiểu việc sử dụng cùng một lúc thị trường mở, và tăng cường cho vay tới từng NH trở thành lựa chọn của NHNN vào thời điểm này.
Cũng không thể phủ nhận thực tế có khá nhiều cơ sở để biện giải lãi suất sẽ giảm. Bản thân NHNN vẫn cho rằng, lãi suất sẽ giảm nhiệt ngay khi lãi suất trái phiếu Chính phủ đã được điều chỉnh giảm để làm định hướng cho lãi suất trên thị trường. Đợt đấu thầu trái phiếu Chính phủ ngày 17/6, Kho bạc Nhà nước chỉ đưa ra đầu thầu 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm và 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm, nhưng số lượng đăng ký lên đến 6.720 tỷ đồng cho kỳ hạn 3 năm và 3.600 tỷ đồng cho kỳ hạn 5 năm.
Như vậy có thể nói, các chính sách tiền tệ thường có độ trễ từ 1 - 2 tháng nên việc hy vọng lãi suất giảm dù mỏng manh nhưng không phải là vô vọng.
Chỉ có điều, trong thời gian chờ đợi lãi suất giảm, thị trường đang phải đối mặt với nhiều vấn đề không mấy lạc quan. Đó là lạm phát 6 tháng đầu năm đã ở mức 8,75% (theo báo cáo của Tổng cục Thống kê ngày 25/6).
Như vậy, mục tiêu của Chính phủ là cố gắng giữ tỷ lệ lạm phát của cả năm dưới 8% rõ ràng rất khó thực hiện. Không chỉ vậy, theo đánh giá của NH Thế giới (WB), Việt Nam khó giữ được tỷ lệ lạm phát ở mức này mặc dù dự đoán giá cả các mặt hàng tiêu dùng vẫn giữ ở mức một con số.
Điều đó lý giải vì sao WB cho rằng, các cơ quan quản lý của Việt Nam cần cởi mở hơn với một số thông tin như dự trữ ngoại hối, giải thích rõ các biện pháp, chính sách phi chính thống để thị trường không bị hiểu sai, như việc điều chỉnh mức lãi suất hợp lý để tránh bị hiểu nhầm rằng tiền đồng có thể bị suy giảm. Một trong những ví dụ WB đưa ra là sự bất định của thị trường trước các thông tin về gói kích cầu. Ngoài ra, thị trường luôn thiếu các thông tin về dự trữ ngoại hối, gây xáo động về tỷ giá hối đoái...