Cơ hội được giảm lãi suất cho vay

LÊ PHAN| 26/04/2017 08:31

Việc mập mờ lãi suất cơ sở để tính lãi suất cho vay tại một số ngân hàng khiến khách hàng phải chịu mức lãi suất cao so với mặt bằng sau khi hết giai đoạn ưu đãi.

Cơ hội được giảm lãi suất cho vay

Việc mập mờ lãi suất cơ sở để tính lãi suất cho vay tại một số ngân hàng khiến khách hàng phải chịu mức lãi suất cao so với mặt bằng sau khi hết giai đoạn ưu đãi. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có quy định mới để bảo vệ quyền lợi khách hàng. 

Đọc E-paper

Thả con săn sắt bắt con cá rô

Những năm gần đây, các ngân hàng đã triển khai nhiều chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi, đặc biệt là cho vay mua nhà, mua xe. Lãi suất ưu đãi thường được áp dụng thấp hơn mức lãi suất thị trường từ 1 - 2%, thậm chí là 3% trong 1 - 2 năm đầu tiên.

Chính mức ưu đãi trên cộng với mặt bằng lãi suất đang ổn định đã tạo động lực cho khách hàng vay vốn để mua nhà, mua xe hoặc vay tiêu dùng, kinh doanh, giúp mảng cho vay bán lẻ của nhiều ngân hàng tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, khi hết thời hạn ưu đãi thì nhiều khách hàng tại một số ngân hàng đã chịu mức lãi suất được điều chỉnh khá cao so với mặt bằng lãi suất trên thị trường.

Mấu chốt vấn đề chính là mức lãi suất cơ sở để tính lãi suất cho vay. Trong khi nhiều ngân hàng công bố mức lãi suất cơ sở định kỳ trên website dựa trên chi phí vốn bình quân của ngân hàng, mức độ thanh khoản và rủi ro thì một số ngân hàng lại áp dụng lãi suất cơ sở là lãi suất huy động ở kỳ hạn 12 tháng hoặc 13 tháng của chính ngân hàng đó niêm yết. Và các ngân hàng này luôn niêm yết mức lãi suất ở kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng ở mức rất cao, nhưng chỉ áp dụng cho các khoản tiền gửi với giá trị lớn.

>>Hỗ trợ lãi suất: Bài học kinh nghiệm

Cụ thể, có 13 ngân hàng đang áp dụng mức lãi suất ở kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng ở mức rất cao so với mặt bằng lãi suất thị trường, nhưng chỉ áp dụng cho các khoản tiền gửi có giá trị từ 100 tỷ, 200 tỷ, 300 tỷ hoặc 500 tỷ đồng trở lên, trong khi nhóm khách hàng nhỏ chỉ được áp dụng mức lãi suất thấp bình thường. Một số ngân hàng lại áp dụng các mức lãi suất khác nhau cho các giá trị tiền gửi khác nhau ở từng kỳ hạn.

Việc cố tình giới hạn giá trị tiền gửi cao như trên giúp ngân hàng ổn định được chi phí vốn, vì khách hàng nhỏ lẻ với số tiền gửi thấp không thể được hưởng mức lãi suất cao như trên, trong khi khách hàng lớn cũng gần như không có ai có số tiền lớn như trên mà lại đem gửi ngân hàng, vì họ có thể đa dạng hóa tài sản ở kênh bất động sản, chứng khoán, vàng và USD.

Vì vậy, với chính sách lãi suất niêm yết như trên vừa giúp ngân hàng ổn định được chi phí vốn vừa duy trì mức lãi suất cơ sở cao để đẩy lãi suất cho vay lên cao, từ đó mở rộng biên độ lãi suất, cải thiện khả năng sinh lời. Tuy nhiên, điều này trong thời gian tới có thể bị hạn chế.

Quy định mới bảo vệ khách hàng

Theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN của NHNN ban hành vào cuối năm 2016, Khoản 5 Điều 13 quy định về lãi suất cho vay xác định "trường hợp áp dụng lãi suất cho vay điều chỉnh, tổ chức tín dụng và khách hàng phải thỏa thuận nguyên tắc và các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh lãi suất cho vay. Trường hợp căn cứ các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh dẫn đến có nhiều mức lãi suất cho vay khác, thì tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất cho vay thấp nhất".

Các tổ chức tín dụng đã đề nghị NHNN giải thích mức lãi suất cho vay thấp nhất tại Khoản 5, Điều 13, và theo văn bản giải đáp thắc mắc về vay vốn tại Thông tư 39 vừa công bố gần đây thì NHNN đã giải thích rõ điều khoản trên nhằm tăng tính minh bạch về lãi suất trong trường hợp cho vay theo lãi suất điều chỉnh.

Cụ thể, "trường hợp tổ chức tín dụng thỏa thuận với khách hàng về mức lãi suất cho vay điều chỉnh trong từng thời kỳ, như lãi suất cho vay bằng mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm 12 tháng cộng biên độ 4%/năm và tại thời điểm xác định lãi suất cho vay, tổ chức tín dụng đang niêm yết 3 mức lãi suất tiền gửi khác nhau áp dụng đối với kỳ 12 tháng, thì tổ chức tín dụng cần lựa chọn mức lãi suất tiền gửi 12 tháng thấp nhất để xác định lãi suất cho vay của kỳ điều chỉnh".

>>Với người gửi tiền, lãi suất không là tất cả?

Như vậy, quy định trên tại Thông tư 39 nhằm bảo vệ khách hàng vay tiền tại các ngân hàng áp dụng lãi suất cơ sở là lãi suất kỳ hạn 12 tháng hoặc 13 tháng và có chính sách các mức lãi suất khác nhau cho các khoản tiền gửi khác nhau. Do đó, những khách hàng này có cơ hội được điều chỉnh giảm lãi suất cho vay theo quy định "áp dụng mức lãi suất cho vay thấp nhất" như trên.

NHNN cũng giải thích rõ hơn về việc "tổ chức tín dụng và khách hàng phải quy đổi và thỏa thuận thêm mức lãi suất cho vay theo tỷ lệ %/năm (365 ngày) theo phương pháp tính lãi theo số dư nợ cho vay thực tế theo đúng quy định tại Khoản 3, Điều 3 Thông tư 39. Ví dụ tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay, thời hạn cho vay là 30 ngày, mức lãi suất cho vay là 7,5%/năm (360 ngày).

Như vậy tổ chức tín dụng phải tính mức lãi suất cho vay quy đổi theo tỷ lệ %/năm (365 ngày), phương pháp tính lãi theo số dư nợ cho vay thực tế và thỏa thuận với khách hàng tại hợp đồng cho vay. Theo đó, tại hợp đồng cho vay ngoài mức lãi suất theo thỏa thuận (7,5%/năm), tổ chức tín dụng phải quy đổi và thỏa thuận thêm mức lãi suất theo tỷ lệ %/năm (365 ngày) là: (7,5%/năm: 360 ngày) x 365 ngày = 7,6042%/năm (365 ngày)".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cơ hội được giảm lãi suất cho vay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO