Chứng khoán Việt Nam: Kỳ vọng khả năng ngược dòng của VN-Index

KHÁNH PHƯƠNG| 18/10/2018 08:23

Sự tương quan của chứng khoán Việt Nam và thế giới đang ngày càng chặt chẽ hơn, nhất là khi nhìn vào diễn biến điều chỉnh mạnh trong những phiên vừa qua. Tuy nhiên, với triển vọng nền kinh tế phát triển ổn định và có những đặc thù riêng, kỳ vọng chứng khoán Việt Nam sẽ lại ngược dòng trước xu hướng tiêu cực của chứng khoán thế giới.

Chứng khoán Việt Nam: Kỳ vọng khả năng ngược dòng của VN-Index

Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 11/10 đã có một trong những phiên lao dốc mạnh nhất với chỉ số VN-Index mất gần 50 điểm. Lần này không phải đến từ việc một lãnh đạo ngân hàng nào đó bị bắt như Nguyễn Đức Kiên tháng 8/2012, hay bất ổn địa - chính trị như sự kiện Trung Quốc kéo giàn khoan vào Biển Đông vào tháng 6/2014, càng không phải là thêm một sự kiện ly khai như Brexit vào tháng 6/2016, mà đơn thuần chỉ là ảnh hưởng từ sự điều chỉnh của thị trường chứng khoán Mỹ đêm hôm trước.

Đêm 10/10, chứng khoán Mỹ đã trải qua một trong những phiên điều chỉnh mạnh nhất với chỉ số Dow Jones mất hơn 831 điểm, trở thành ngày giao dịch có mức điểm số giảm lớn thứ 3 trong lịch sử của chỉ số này. Đến ngày hôm sau, đồng loạt các thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu nối gót giảm điểm và Việt Nam cũng không tránh khỏi số phận chung.

Nếu như cách nay 10 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam chưa có nhiều mối liên hệ với những thị trường lớn trên thế giới, do lúc đó quy mô còn quá nhỏ để thu hút các nhà đầu tư có danh tiếng trên thế giới, thì thời gian gần đây, mối tương quan ngày càng chặt chẽ hơn và chứng khoán Việt Nam trở nên nhạy cảm, phản ứng rất nhanh với bất kỳ biến động nào của các thị trường lớn trên toàn cầu.

Điều này cũng dễ hiểu khi mà trong thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với tốc độ rất nhanh, thị trường tài chính, chứng khoán của Việt Nam ngày càng có sự tham gia rộng rãi của các nhà đầu tư nước ngoài với quy mô vốn gia tăng liên tục và tỷ lệ sở hữu dành cho nhà đầu tư nước ngoài liên tiếp được điều chỉnh, trong khi sự ổn định và tăng trưởng mạnh của kinh tế cũng trở thành điểm nóng thu hút giới đầu tư các nước.

Với việc các chỉ số chứng khoán toàn cầu nói chung và chứng khoán Mỹ nói riêng đang ở thời điểm cận kề các mức cao nhất trong lịch sử, bất kỳ sự điều chỉnh mạnh nào cũng có thể là dấu hiệu phân phối đỉnh và cho thấy khả năng đảo chiều đi vào thị trường con gấu, nhất là khi rủi ro khủng hoảng và suy thoái kinh tế đang ngày càng được nhắc đến nhiều hơn.

Cụ thể, nếu như thời điểm năm 2007, tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài chỉ có 8.140 tài khoản cá nhân và 477 tài khoản tổ chức, giao dịch của khối này chiếm khoảng 25% tổng giá trị vốn hóa trên sàn HoSE (khoảng 5,3 tỷ USD), thì tính đến cuối quý III vừa qua, đã có hơn 24.204 tài khoản cá nhân và 3.208 tài khoản tổ chức, chiếm tỷ trọng tương ứng 1,1% và 26,2% trong tổng số tài khoản đang giao dịch và tổng giá trị danh mục đầu tư của khối ngoại hơn 34,3 tỷ USD chỉ tính riêng trên sàn HoSE, chiếm hơn 25% tổng giá trị vốn hóa trên sàn này.

Có thể thấy mặc dù tỷ trọng giao dịch tăng không đáng kể, nhưng số lượng nhà đầu tư tăng thêm tính bằng lần, đặc biệt là số lượng nhà đầu tư tổ chức, thì những tác động của khối ngoại ảnh hưởng lên thị trường Việt Nam là không hể nhỏ, không chỉ ở giá trị giao dịch mà còn là ảnh hưởng về tâm lý, hành vi và dẫn dắt xu thế mua bán của nhà đầu tư trong nước.

Trong khi đó, giao dịch của khối ngoại phụ thuộc rất lớn vào diễn biến của chứng khoán thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ, nên bất kỳ sự biến động nào của Dow Jones, S&P 500 cũng ngày càng có ảnh hưởng lớn đến VN-Index, VN30. Chẳng những vậy, các nhà đầu tư trong nước ngày càng theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường chứng khoán Mỹ, không chỉ là nhà đầu tư tổ chức mà còn là nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, vì nhóm này biết rằng giao dịch khối ngoại thường phụ thuộc vào thị trường quốc tế.

Đặc biệt, với việc các chỉ số chứng khoán toàn cầu nói chung và chứng khoán Mỹ nói riêng đang ở thời điểm cận kề các mức cao nhất trong lịch sử, thì bất kỳ sự điều chỉnh mạnh nào cũng có thể là dấu hiệu phân phối đỉnh và cho thấy khả năng đảo chiều đi vào thị trường con gấu, nhất là khi rủi ro khủng hoảng và suy thoái kinh tế đang ngày càng được nhắc đến nhiều hơn. Do đó, các nhà đầu tư cũng nhìn vào thị trường Mỹ như là nơi phản ánh các quan điểm phân tích đáng tin cậy nhất cho triển vọng của kinh tế toàn cầu cũng như các thị trường tài sản trong giai đoạn tới.

Dù vậy, vẫn luôn có những kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có những lúc ngược dòng, nhất là khi nền kinh tế vẫn tăng trưởng ổn định, nhận được sự đánh giá cao của các định chế quốc tế, và khả năng sẽ được đưa vào danh sách nâng hạng lên thị trường mới nổi vào năm sau. Rõ ràng những triển vọng này sẽ không thể thay đổi chỉ sau một phiên giảm điểm mạnh của chứng khoán, cũng như từ sự điều chỉnh của chứng khoán Mỹ.

Điều quan trọng nhất là với lộ trình cổ phần hóa và đẩy mạnh thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn tới, đặc biệt là trong những tháng cuối năm nay, thì việc giữ được chứng khoán tăng trưởng ổn định và bền vững luôn là mục tiêu trọng tâm của nhà điều hành, để có thể tạo điều kiện cho các đợt thoái vốn tiếp tục thành công như đã từng diễn ra trong năm 2017 cũng như những tháng đầu năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chứng khoán Việt Nam: Kỳ vọng khả năng ngược dòng của VN-Index
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO