Chứng khoán trong vùng thông tin nhạy cảm

THANH TRÚC| 28/07/2016 01:31

Sau bốn tuần tăng lên tiếp đánh bứt đỉnh tám năm, chạm ngưỡng 680 điểm, tuần qua VN-Index đã quay đầu về vùng 640 điểm.

Chứng khoán trong vùng thông tin nhạy cảm

Sau bốn tuần tăng lên tiếp đánh bứt đỉnh tám năm, chạm ngưỡng 680 điểm, tuần qua VN-Index đã quay đầu về vùng 640 điểm. 

Đọc E-paper

Rủi ro ngắn...

Phiên giao dịch cuối tuần qua (22/7), bên bán dứt khoát xả hàng khiến thanh khoản được đẩy lên cao, chỉ số lùi sâu. Lực bán diễn ra trên diện rộng cả ở nhóm cổ phiếu đầu cơ lẫn các bluechips. Khối ngoại mua ròng nhưng không đủ để nâng đỡ thị trường.

Nếu tính từ đáy 513 điểm hồi tháng 1/2016, VN - Index đã tăng gần 170 điểm, hay 33%, nhiều nhà đầu tư đã có lãi lớn. Có thể nói, áp lực chốt lời đã đẩy thị trường giảm điểm và trong vùng chỉ số hiện tại, áp lực chốt lời vẫn có thể còn tiếp tục trong tuần này. Các bluechip như VCB, BVH, VIC, VNM sau một thời gian được các nhà đầu tư "đánh trụ” đã tăng mạnh hỗ trợ VN-Index bứt phá đỉnh tám năm qua, nay đã trở nên có mức định giá cao và chịu áp lực chốt lời mạnh. Nguy cơ giảm điểm của thị trường là hiện hữu.

Trong hai ngày nghỉ cuối tuần, một số công ty chứng khoán đã email khuyến nghị nhà đầu tư nên giảm nắm giữ cổ phiếu, không sử dụng margin ở thời điểm hiện tại. Nếu khuyến nghị này được số đông nhà đầu tư nghe theo, nguồn tiền đổ vào thị trường sẽ giảm, trong khi cung cổ phiếu tăng cao, thị trường sẽ giảm điểm.

Điều đáng lưu ý là trong hai phiên cuối tuần qua, những cổ phiếu đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2016 khá tốt, như VCB, HSG cũng bị bán mạnh và giảm sâu (VCB "đo sàn" ngày 22/7, HSG "đo sàn" ngày 21/7). Thực tế này cho thấy, kết quả kinh doanh quý II đã được phản ánh hết vào giá và không còn là lực đẩy của thị trường.

Thực tế này cũng cho thấy cung cách đầu tư "tin ra là bán" vẫn tồn tại, phản ánh một thị trường nặng về đầu cơ ngắn hạn hơn là đầu tư dài hạn, rất rủi ro cho các nhà đầu tư thích "nhảy vô nhảy ra" thường xuyên.

Một rủi ro khác trong ngắn hạn là giải chấp margin. Margin luôn là thông tin được các nhà đầu tư nghe ngóng. Với những nhà đầu tư ngắn hạn, những lúc thị trường đã "margin tẹt ga" thì phải nhanh chóng bỏ chạy.

Hôm thứ năm tuần trước (21/7), trong bản tin gửi các nhà đầu tư, HSC cho hay dư nợ cho vay margin của SSI - công ty chứng khoán giữ thị phần môi giới hàng đầu - đã đạt mức cao kỷ lục là 4.073 tỷ đồng (tăng 90% so với cùng kỳ) tại thời điểm cuối tháng 6, tăng 25% so với đầu năm.

Cùng ngày, lực bán tập trung vào những cổ phiếu có mức vay margin lớn và những mã lớn dẫn dắt thị trường. Nhiều nhà đầu tư cho rằng mức cho vay margin cao sẽ tiếp tục tạo áp lực lên chỉ số trong những ngày tới, và quan điểm bi quan cho rằng thị trường có thể lùi về mức 620 điểm.

... Có cơ hội dài?

Ngay trong phiên thứ 6 tuần trước (22/7), VN-Index khi chạm ngưỡng 640 cũng đã bật tăng trở lại do nhiều nhà đầu tư nhảy vào bắt đáy. Vùng 635 - 640 điểm có bị đánh thủng hay không đang được các nhà đầu tư "nín thở quan sát" vì về phân tích kỹ thuật, nó là ngưỡng quyết định xu hướng tăng hay giảm trong trung và dài hạn của thị trường.

Những lúc thị trường lình xình do dự ở các ngưỡng quan trọng như thế này, luôn có cơ hội cho các nhà đầu tư lựa chọn và mua vào các cổ phiếu có cơ bản tốt cho trung và dài hạn. Tuy nhiên, với các nhà đầu tư trung và dài hạn, các chỉ số kinh tế vĩ mô dường như chưa ủng hộ họ.

Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế, trong đó đề cập đến khả năng mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% sẽ khó đạt. Có khả năng lạm phát tăng tốc trong 6 tháng cuối năm và có thể vượt mức 5%. Thông thường, lạm phát tăng thì lãi suất tăng và chứng khoán giảm.

Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 18 - 20% để kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, dòng tiền hiện nay đã được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ hơn, không thể tùy tiện đổ vào chứng khoán như thời kỳ chứng khoán đang nóng trước đây (2006 - 2007).

Kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, theo nhiều nhận định, sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng xấu từ triển vọng không lạc quan của kinh tế toàn cầu và những diễn biến không thuận lợi của thời tiết, biến đổi khí hậu và các vấn đề về môi trường. Đây là những thông tin không tốt đối với chứng khoán.

>Biến đổi khí hậu có thể gây thiệt hại cho thế giới 2.500 tỷ USD

>Biến đổi khí hậu - nguy cơ hạ bậc xếp hạng tín dụng

>Triển vọng kinh tế toàn cầu đang tiếp tục xấu đi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chứng khoán trong vùng thông tin nhạy cảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO