Chứng khoán: Rủi ro ngắn hạn, tích cực dài hạn

Khánh Phương| 13/02/2023 07:00

Dù tăng vọt gần đây, thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn đứng trước rủi ro điều chỉnh khi áp lực chốt lời ngày càng mạnh hơn. Tuy nhiên, về dài hạn thị trường vẫn được đánh giá tích cực với sự hỗ trợ từ tăng trưởng kinh tế ổn định.

Chứng khoán: Rủi ro ngắn hạn, tích cực dài hạn

Rủi ro ngắn hạn

Song hành với đà tăng vọt của TTCK toàn cầu, chứng khoán Việt Nam đã có màn bứt phá mạnh mẽ trong tháng 1 vừa qua, với chỉ số VN-Index tăng đến 104 điểm, tương đương tăng hơn 10,3% dù tháng đầu năm chỉ có 16 phiên giao dịch. Với mốc 1.111 điểm đóng cửa vào cuối tháng 1 cũng là mức cao nhất kể từ phiên ngày 4/10/2022, VN-Index nằm trong nhóm các chỉ số tăng tốt nhất thế giới.

Trung Quốc mở cửa nền kinh tế trở lại cùng với kỳ vọng các ngân hàng trung ương lớn chậm đà tăng lãi suất được xem là động lực kéo TTCK trong đợt tăng đầu năm nay, cùng với diễn biến lãi suất và tỷ giá trong nước đang ổn định cũng đã thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng. Trong khi đó, với dự báo chính sách tài khóa sẽ được mở rộng hơn hay Nghị định 65 dự kiến sửa đổi sắp được thông qua cũng kỳ vọng sẽ tác động tích cực lên TTCK.

Dù vậy, với diễn biến tăng vọt gần đây, TTCK đang đứng trước rủi ro điều chỉnh khi áp lực chốt lời ngày càng mạnh hơn và thực tế đã bắt đầu diễn ra trong những phiên từ đầu tháng 2 đến nay. Bên cạnh một số tin đồn tiêu cực lan truyền, theo giới phân tích, thị trường đang tồn tại những rủi ro tiềm ẩn đến từ trong nước như áp lực thanh khoản hệ thống, bắt nguồn từ lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn hay như các khó khăn trên thị trường bất động sản vẫn kéo dài do lãi suất ngân hàng có thể đạt đỉnh nhưng sẽ khó hạ nhiệt ngay. 

Thị trường đang đứng trước áp lực điều chỉnh sau chuỗi tăng mạnh trong tháng đầu năm

Thị trường đang đứng trước áp lực điều chỉnh sau chuỗi tăng mạnh trong tháng đầu năm

Rõ ràng khi trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa được xử lý ổn thỏa, tâm lý nhà đầu tư vẫn còn e dè, từ đó tạo áp lực chéo lên thị trường cổ phiếu. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến giới đầu tư tin rằng sẽ kìm hãm TTCK trong quý I, thậm chí là tới đầu quý II/2023.

Trong khi đó, căng thẳng địa - chính trị vẫn chưa thể loại trừ, khi xung đột quân sự tại Ukraine vẫn diễn ra dai dẳng cùng với căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây ngày càng gia tăng, khi một số quốc gia phương Tây đã cung cấp thêm nhiều vũ khí hiện đại cho Ukraine.

Với mùa cao điểm công bố báo cáo tài chính năm 2022 đang diễn ra, bên cạnh một số ngành nghề, doanh nghiệp vẫn báo lợi nhuận tích cực, nhiều doanh nghiệp kết quả kinh doanh giảm sút so với năm trước. Đây cũng được xem là một trong những yếu tố ảnh hưởng khó lường lên TTCK trong ngắn hạn.

Tích cực dài hạn

Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, năm 2023, TTCK vẫn sẽ khả quan, định giá của thị trường lại ở mức hợp lý hơn rất nhiều so với đầu năm 2022, xu hướng dòng tiền mang tính chất dài hạn hơn, hiệu quả hơn so với cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Một số dự báo cho rằng VN-Index có thể chạm mức 1.250-1.300 điểm trong năm nay.

Dù chính sách tiền tệ đang ở gần điểm tới hạn, chính sách tài khóa được kỳ vọng sẽ thay thế để hỗ trợ tăng trưởng trong giai đoạn tới. Cụ thể, ngân sách đầu tư công năm 2023 đã được Quốc hội thông qua ở mức trên 700.000 tỷ đồng, tăng 25% so với kế hoạch năm 2022 và khoảng 61% so với số ước thực hiện năm 2022. 

Xét trên dài hạn, yếu tố rủi ro nhất là lạm phát cũng đã có dấu hiệu sắp qua đi, với chỉ số hàng hóa toàn cầu và lạm phát Mỹ đã lập đỉnh vào tháng 6/2022. Tốc độ tăng lạm phát của Mỹ chậm lại, tạo điều kiện cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ giảm bớt tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ với mức lãi suất cơ bản tăng thêm chỉ 0,25% trong cuộc họp đầu tháng 2 vừa qua.

Trong bối cảnh toàn cầu đứng trước rủi ro suy thoái, kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo tăng trưởng tích cực trong dài hạn và tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng. 

Dù chính sách tiền tệ đang ở gần điểm tới hạn, chính sách tài khóa được kỳ vọng sẽ thay thế để hỗ trợ tăng trưởng trong giai đoạn tới. Cụ thể, ngân sách đầu tư công năm 2023 đã được Quốc hội thông qua ở mức trên 700.000 tỷ đồng, tăng 25% so với kế hoạch năm 2022 và khoảng 61% so với số ước thực hiện năm 2022. 

Dù năm 2023 kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết có thể bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng chậm lại của xuất khẩu, tiêu dùng và áp lực lãi suất vẫn còn cao, nhưng với đà tăng trưởng kinh tế chung, kinh doanh của các công ty niêm yết trên TTCK sẽ phát triển.

Quỹ Vina Capital nhận định, trong vài ba năm tới, tăng trưởng kinh tế tích cực và triển vọng nâng hạng TTCK sẽ là động lực thu hút dòng tiền của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Quy mô thị trường chứng khoán còn mở rộng nhờ thanh khoản tăng và vẫn còn nhiều doanh nghiệp có khả năng niêm yết trong những năm tới, cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp cổ phần hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chứng khoán: Rủi ro ngắn hạn, tích cực dài hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO