Chứng khoán: Nỗi sợ hãi tháng 5

Gia Lê| 14/05/2020 07:00

Sell in May and go away” (Bán cổ phiếu trong tháng 5 rồi đi chơi) đã trở thành câu nói kinh điển trên thị trường chứng khoán, dựa trên những sự sụt giảm bất thường của thị trường thường diễn ra trong tháng 5.

Chứng khoán: Nỗi sợ hãi tháng 5

Tình trạng ấy cũng khiến tâm lý nhà đầu tư cảm thấy không thoải mái trong giai đoạn này và dễ có những hành động bán tháo cổ phiếu khi có bất kỳ thông tin tiêu cực nào, điều sẽ càng làm cho hiệu ứng này ngày càng trở nên rõ ràng.

Diễn biến tồi tệ ấy không chỉ diễn ra trên thị trường quốc tế, mà thị trường trong nước cũng khó thoát khỏi số phận chung. Như trong tháng 5/2018, VN-Index đã giảm đến 8%, còn năm 2019 giảm 2%. Trong năm nay, thị trường có thể còn dễ tổn thương hơn khi có quá nhiều yếu tố bất lợi, trong khi tâm lý nhà đầu tư thiếu vững vàng và đầu tư chủ yếu thiên về lướt sóng ngắn hạn.

Đầu tiên, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một tháng 4 phục hồi mạnh mẽ, nhờ vào việc dịch bệnh Covid-19 lập đỉnh và được kiềm chế thành công, sau khi Chính phủ quyết tâm triển khai các giải pháp mạnh tay như giãn cách xã hội trên diện rộng. Không ít cổ phiếu đã phục hồi vài chục phần trăm, thậm chí có cổ phiếu đã lấy lại được phần lớn giá trị bốc hơi trong đợt lao dốc vào tháng 3. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc chốt lời vẫn chực chờ được thực hiện, một khi thị trường có tín hiệu tiêu cực.

Trong khi đó, trên thị trường quốc tế, nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, Pháp, Đức đã bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội, phục hồi các hoạt động kinh tế trở lại bình thường. Tuy nhiên, việc mở cửa lại các hoạt động kinh tế và xã hội cũng khiến không ít người lo ngại dịch Covid-19 có thể bùng phát trở lại, trở nên mất kiểm soát và lại gây thiệt hại khủng khiếp lên các nền kinh tế.

Đối với Việt Nam, thị trường lại chịu thêm một áp lực là căng thẳng địa - chính trị tại Biển Đông lại thường diễn ra trong giai đoạn tháng 5. Quá khứ cho thấy yếu tố này đã nhiều lần kéo thị trường chứng khoán trong nước giảm sâu, khi hầu hết nhà đầu tư đều lo ngại nên rút lui khỏi các tài sản rủi ro như chứng khoán.

Nếu như trong 4 tháng đầu năm, tâm lý nhà đầu tư thường hứng khởi và lạc quan trước các tin tức về kế hoạch kinh doanh, chia cổ tức của doanh nghiệp, chiến lược phát triển được chia sẻ tại các kỳ họp đại hội cổ đông, kết quả kinh doanh quý I, mà được xem là chất xúc tác cần thiết hỗ trợ cho giá cổ phiếu, thì tháng 5 lại thường thiếu vắng các thông tin, do đó thị trường cũng dễ bị suy yếu. Dù vậy, trong năm nay có một đặc thù là do ảnh hưởng của đại dịch, nên nhiều công ty cho đến giờ vẫn chưa thể tổ chức đại hội cổ đông, cũng như công bố kế hoạch năm 2020.

Cũng cần lưu ý, thị trường không phải hoàn toàn diễn biến tiêu cực trong suốt tháng 5, khi vẫn có những thời điểm bật tăng trước khi điều chỉnh mạnh hoặc điều chỉnh giảm rồi sau đó phục hồi nhanh vào cuối tháng. Vì vậy, dựa trên hiệu ứng lo ngại tháng 5 khiến không ít nhà đầu tư bán tháo, ngược lại nhiều tổ chức và những nhà đầu tư lọc lõi lại xem tháng 5 là cơ hội tuyệt vời để chọn hàng và cơ cấu lại danh mục đầu tư hiệu quả hơn.

Còn giới phân tích tin rằng thị trường trong tháng 5/2020 sẽ tiếp tục giằng co và bước vào giai đoạn phân hóa mạnh, dựa vào nền tảng riêng của doanh nghiệp, cũng như các thông tin về cổ tức mà doanh nghiệp công bố. Đáng lưu ý là mới đây nhiều tổ chức lớn như Goldman Sachs và Morgan Stanley cho biết đã có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế toàn cầu bắt đầu hồi phục sau tổn thương vì đại dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chứng khoán: Nỗi sợ hãi tháng 5
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO