Chứng khoán giảm: Nhiều cổ đông vẫn mạnh tay mua?

KHÁNH PHƯƠNG| 23/11/2018 00:00

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán suy yếu, hàng loạt cổ phiếu giảm mạnh khiến nhiều nhà đầu tư phải "ngậm ngùi", thì ở chiều ngược lại, một bộ phận cổ đông lớn lại tận dụng cơ hội để mua vào.

Chứng khoán giảm: Nhiều cổ đông vẫn mạnh tay mua?

Gom cổ phiếu khi giá giảm

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thành Thành Công (HoSE: SBT) là bà Đặng Huỳnh Ức My vừa mua 20 triệu cổ phiếu SBT vào ngày 7/11 vừa rồi, chính thức nâng tỷ lệ sở hữu từ 6,56% lên 10,6%. Ngay sau đó, Công ty CP Đầu tư Thành Thành Công - cổ đông lớn đang nắm giữ 24,93% vốn tại SBT, cũng đăng ký mua thêm 45 triệu cổ phiếu SBT để nâng tỷ lệ sở hữu lên 34,01%, giao dịch dự kiến thực hiện từ 15/11 đến 14/12/2018.

Một doanh nghiệp thủy sản vừa mới chốt quyền chia cổ tức tỷ lệ 20% vào ngày 9/11 vừa qua, Công ty CP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia (HoSE: IDI) cũng liên tiếp chứng kiến công ty mẹ là Công ty CP Tập đoàn Sao Mai (HoSE: ASM) đăng ký mua cổ phiếu.

Cụ thể, sau khi đã mua 21,5 triệu cổ phiếu IDI hồi tháng 4, cuối tháng 9 ASM đăng ký mua 27 triệu cổ phiếu IDI từ ngày 28/9 - 26/10 nhưng không mua được, thì ASM tiếp tục đăng ký mua thêm 27 triệu cổ phiếu IDI từ ngày 2/11 đến 30/11 để nâng tỷ lệ sở hữu lên hơn 66%.

Link bài viết

Các ông chủ nhà băng và người có liên quan cũng đang mạnh tay mua vào trước diễn biến giá cổ phiếu giảm gần đây. Tổng giám đốc HDBank (HoSE:HDB) là ông Nguyễn Hữu Đặng vừa đăng ký mua 500.000 cổ phiếu HDB từ ngày 19 - 30/11/2018. Tại Techcombank, 3 lãnh đạo cấp cao gồm Tổng giám đốc Nguyễn Lê Quốc Anh, Phó chủ tịch HĐQT Đỗ Tuấn Anh và Phó tổng giám đốc Phạm Quang Thắng đều đã mua vào mỗi người 100.000 cổ phiếu trong thời gian giao dịch từ ngày 9/11 tới nay.

Trong khi đó, bà Hoàng Anh Minh - vợ ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (HoSE: VPB) đã mua hơn 7 triệu cổ phiếu VPB để nâng tỷ lệ sở hữu lên 4,94% trong thời gian cổ phiếu này suy giảm.

Và mới nhất là chính ông Ngô Chí Dũng cũng đăng ký mua thêm 8 triệu cổ phiếu, và mẹ ông là bà Vũ Thị Quyên mua thêm 13 triệu cổ phiếu VPB. Nếu giao dịch thành công, gia đình ông Ngô Chí Dũng sẽ nắm hơn 367 triệu cổ phiếu VPB, tương đương tỷ lệ sở hữu khoảng 14,5% vốn điều lệ Việt Nam Thịnh Vượng.

Tại Công ty CP Phát triển đô thị Từ Liêm (HoSE: NTL), kể từ khi trở thành cổ đông lớn từ ngày 11/10, bà Nguyễn Thị Mai đã liên tiếp có nhiều đợt mua cổ phiếu NTL để nâng tỷ lệ sở hữu từ 5,22% lên 11,05%. Đi kèm với diễn biến này là giá cổ phiếu NTL tăng từ quanh mức 9.500đ/CP lên hơn 14.000đ/CP, tương ứng mức tăng 50%.

Còn có hàng loạt giao dịch của cổ đông nội bộ tại các doanh nghiệp khác như Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) là ông Nguyễn Đức Mạnh đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu TNG từ ngày 31/10 đến 28/11.

Chủ tịch HĐQT Phạm Quang Dũng của Công ty CP Tasco (HUT) đăng ký mua vào 3 triệu cổ phiếu HUT từ 5 - 29/11. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng và Đầu tư 492 (HNX: C92) là ông Nguyễn Anh Hưng đăng ký mua 1,38 triệu cổ phiếu từ ngày 6/11 đến 5/12/2018. Công ty CP Hóa An (HoSE: DHA) mới đây mua lại 500.000 cổ phiếu quỹ nhằm giảm lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Tận dụng cơ hội hay kỳ vọng?

Việc các cổ đông nội bộ mua cổ phiếu trong thời điểm này được xem là tận dụng cơ hội thị trường điều chỉnh về mức thấp để kiếm lợi nhuận với kỳ vọng giá sẽ sớm tăng, khi mà giai đoạn tháng 11/2018 đến tháng 4 năm sau luôn được xem là thời điểm tốt nhất để đầu tư cổ phiếu.

Trong khi đó, dù kết quả kinh doanh quý III vừa qua chứng kiến lợi nhuận nhiều doanh nghiệp tăng mạnh, nhưng diễn biến giá cổ phiếu vẫn chưa phản ánh đúng thông tin tích cực này, trong đó cổ phiếu tại không ít doanh nghiệp chẳng những không đi lên mà thậm chí vẫn đi xuống.

Đặc biệt, việc mua vào trong thời điểm này cũng nhằm để đón đầu kết quả kinh doanh quý IV, khi chỉ còn hơn một tháng nữa là sẽ kết thúc năm tài chính và nhiều dự báo cho thấy rất nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục ghi nhận một năm ăn nên làm ra.

Do có lợi thế về thông tin nội bộ nên không loại trừ nhiều người nắm được những thông tin tích cực về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như đường hướng và kế hoạch phát triển sắp tới, nên càng có động lực mua cổ phiếu. 
Không ít doanh nghiệp đang được giới đầu tư truyền tai nhau về các thương vụ thâu tóm, sáp nhập hay bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh việc mua vào để ăn cổ tức "khủng", cũng có trường hợp cổ đông nội bộ, cổ đông lớn gia tăng tỷ lệ sở hữu nhằm tăng quyền lực và sức nặng của tiếng nói trong đại hội cổ đông những tháng đầu năm sau - nơi mà những quyết sách, chiến lược kinh doanh sẽ chỉ được thông qua bởi nhóm cổ đông nắm tỷ lệ vốn vượt trội.

Dù là gì đi nữa, với việc chứng khoán Việt Nam đã có một đợt điều chỉnh khá mạnh và kéo dài từ giữa quý II đến nay, thì hệ số P/E chỉ còn 15,9 lần, thấp hơn nhiều nước trong khu vực, và nếu loại đi một số cổ phiếu lớn thì hiện nhiều mã cổ phiếu có P/E chỉ từ 11 - 12 lần.

Do đó, kỳ vọng thị trường sẽ sớm phục hồi trong những tháng tới vẫn khá cao, nhất là khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc - yếu tố đã ảnh hưởng lên các thị trường tài chính suốt thời gian qua - đang có dấu hiệu "hạ nhiệt" với khả năng một thỏa thuận thương mại có thể sẽ được ký kết. Do đó, dường như những ai tranh thủ mua cổ phiếu trong giai đoạn thị trường vẫn đang suy yếu này có thể sẽ không phải thất vọng. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chứng khoán giảm: Nhiều cổ đông vẫn mạnh tay mua?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO