Mở cửa cho fintech, liệu ngành tài chính Singapore có an toàn?

12/11/2018 03:55

Singapore đang thu hút các công ty fintech nhằm đạt mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ này của toàn cầu. Thế nhưng, đây có thể là một bước đi đầy rủi ro.

Mở cửa cho fintech, liệu ngành tài chính Singapore có an toàn?

Fintech (Financial Technology) là công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực tài chính như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo... Gần đây, nhiều quốc gia đã “mở cửa” cho công nghệ này nhằm mở rộng khả năng tiếp cận nguồn tài chính cho nhiều đối tượng khách hàng, bên cạnh các mô hình dịch vụ tài chính truyền thống.

Tại Singapore, Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS) không chỉ kiểm soát các chính sách tiền tệ, mà còn chịu trách nhiệm giám sát các ngân hàng, công ty bảo hiểm và quản lý tài sản của đảo quốc này.

Trong 2 năm 2016 và 2017, MAS đã đóng cửa nhiều chi nhánh của 2 ngân hàng Thụy Sĩ có liên quan tới quỹ đầu tư 1MDB của Malaysia. Đây là quỹ đầu tư đang bị cả Mỹ và Thụy Sĩ điều tra về tội rửa tiền và các hoạt động tài chính mờ ám dưới thời của cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak.

Bên cạnh đó, 2 ngân hàng trên còn phải chịu mức phạt 21 triệu USD từ MAS vì vi phạm quy định chống rửa tiền của Singapore.

Link bài viết

Mạnh tay là vậy, thế nhưng theo Bloomberg, giám đốc điều hành MAS Ravi Menon lại có vẻ “dễ tính” đối với các công ty fintech.

Cách tiếp cận của ông Menon được đánh giá là đúng với mục tiêu của chính phủ Singapore là biến quốc gia này thành một trung tâm fintech toàn cầu.

Mục tiêu trên được đặt ra trong bối cảnh chính phủ của Thủ tướng Lý Hiển Long đang phải giải quyết dự đoán tăng trưởng kinh tế giảm tốc và cắt giảm nhân lực trong ngành ngân hàng của mình.

Ông Menon thừa nhận có một sự “căng thẳng cố hữu” đối với các mục tiêu đề ra trong quá trình hoạch định chính sách. Theo như cách nói của ông thì “đó là cách quy định và khuyến khích kết hợp, tạo ra môi trường cho cải tiến nhưng vẫn bảo đảm an toàn và giữ vững lòng tin của người dân”.

Với sự điều hành của ông Menon, MAS trở thành một trong những cơ quan đầu tiên áp dụng khuôn khổ pháp lý thử nghiệm (regulatory sandboxes) đối với các công ty fintech. Các doanh nghiệp này được phép thử nghiệm sản phẩm của họ trong một giới hạn nhất định trước khi ra thị trường.

Trong số những doanh nghiệp từng kinh qua mô hình trên có hãng môi giới bảo hiểm PolicyPal, công ty đổi tiền trực tuyến Thin Margin Pte và Kristal Advisors Pte – một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư.

Tuy nhiên, cách làm này của chính phủ Singapore vẫn khiến một số chuyên gia lo ngại. Fintech có thể là kịch bản thảm họa tiếp theo, khi các nhà làm luật ngó lơ sự phát triển chóng mặt của nhiều sản phẩm tài chính. Kết quả của kịch bản đó trước đây là cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Theo cây bút Satyajit Das của Bloomberg Opinion, các doanh nghiệp fintech thường là những startup công nghệ và có phạm vi hoạt động toàn cầu. “Bản năng” của họ là đặt trụ sở tại các quốc gia có khung pháp lý với quy định “lỏng tay” hoặc nhiều ưu đãi.

Ông Das cho biết: “Kinh nghiệm cho thấy cách làm này có thể có vấn đề. Những sai lầm sẽ được tích tụ và chỉ bung ra trong giai đoạn khủng hoảng”.

Đứng trước lo ngại trên, ông Menon tuyên bố mình nắm rõ các rủi ro. Ông cho rằng có nhiều ví dụ trong lịch sử loài người về những cú bật “mạnh mẽ và chắc chắn”. Vị giám đốc của MAS ví von “nếu chúng ta chỉ chạy theo cải cách, chúng ta sẽ trở thành một cái làng cao bồi. Chúng ta phải suy nghĩ mọi vấn đề thật kỹ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mở cửa cho fintech, liệu ngành tài chính Singapore có an toàn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO